Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy

17/12/2024 | 11:21

Tại Kỳ họp thứ 8, đại đa số các đại biểu Quốc hội khóa XV có mặt đã bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là được xem là sự kiện chính trị đặc biệt đối với không chỉ toàn ngành Văn hóa mà toàn xã hội. Sự kiện này còn là một dấu ấn, thành quả quan trọng đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ trong gần cả một nhiệm kỳ Bộ VHTTDL tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, được khởi đầu từ "cuộc cách mạng" về thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.


Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 1.

Đối với ngành Văn hóa, sứ mệnh và tầm quan trọng từ lâu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng dẫn lại một khẳng định "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI từng chỉ rõ: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm…

Tuy vậy, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời điểm đó có đưa ra đánh giá về những hạn chế tồn tại: lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức…

Muốn thay đổi được những vấn đề tồn tại đó cần một sự đổi mới tư duy trong tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới đối với lĩnh vực Văn hóa. Với trăn trở đó, xác định đây là công việc không thể trong ngày một ngày hai nhưng không thể không làm, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tập trung thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, bằng phương châm "Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến".

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế ngày 1/12/2024. Ảnh Quang Phúc

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan không gian triển lãm ảnh tại Hội nghị tổng kết (Hà Nội, ngày 3/1/2024). Ảnh Nam Nguyễn

Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách được xem là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Từ năm 2021 đến nay, Bộ VHTTDL đã 2 lần đặt chủ đề năm là "hoàn thiện thể chế, chính sách" nhằm thể hiện sự quyết tâm của toàn Bộ trong công tác này. Nhờ đó, chỉ trong vòng gần 4 năm, Quốc hội đã thông qua 3 bộ Luật của ngành VHTTDL đó là: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng thời xem xét Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo.

Đặc biệt, vào ngày 27/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây được xem là một "đại công trình" mang dấu ấn về công tác thể chế của ngành Văn hóa trong năm 2024 nói riêng, cho cả nhiệm kỳ nói chung, được khởi đầu từ "cuộc cách mạng" về thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

Cũng trong thời gian trên, Bộ VHTTDL đã tham mưu sửa đổi Luật Đầu tư, Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; tham mưu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa…

Có thể khẳng định, để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của mình, ngành Văn hóa đã nhận được sự quan tâm rất đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ Trung ương đến tất cả các địa phương, qua đó đã có sự chuyển biến căn cơ trong cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho văn hóa đã được cải thiện rất rõ rệt.

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 2.

Sự quan tâm đặc biệt đó được thể hiện qua nhiều những sự kiện mang tầm quốc gia, lịch sử, tổ chức liên tiếp trong những năm qua liên quan đến lĩnh vực Văn hóa như: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Bộ Chính trị tổ chức; Hội thảo khoa học "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới"; Hội thảo Văn hóa năm 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá" và Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" do Quốc hội tổ chức; Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Thủ tướng chủ trì…

Với sự chuyển biến từ Trung ương, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương ngày càng quan tâm, coi trọng văn hóa, từ đó có những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm từng bước đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế-xã hội. Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Cụ thể, ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tỉnh ủy Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức Hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2022 (ngày 19/5/2022). Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành nghị quyết nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, gấp đôi so với mức chung của cả nước là 2%. Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo khoảng 49.200 tỷ đồng…

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 3.

Không chỉ ở lĩnh vực văn hóa mà công tác thể chế chính sách về du lịch, thể thao trong những năm qua cũng có nhiều sự chuyển biến rất tích cực nhờ sự chuyển biến sâu sắc về tư duy. Đối với thể thao, với sự tham mưu từ Bộ VHTTDL, Bộ Chính trị đã có Kết luận 70 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, trở thành "kim chỉ nam" cho những định hướng phát triển của ngành TDTT trong giai đoạn tới.

Hay đối với Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chủ trì Hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn để du lịch từng bước lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch. Tính đến tháng 11/2024, du lịch Việt Nam đã cán mốc đón 16 triệu lượt khách quốc tế, phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm 2024 (bằng lượng khách quốc tế Việt Nam đón năm 2019).

Một trong những đột phá về thể chế rất quan trọng để du lịch Việt Nam có được sự tăng trưởng trở lại như hiện nay đó là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an soạn thảo vào năm 2023.

Điểm nổi bật của Luật là đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để bảo đảm thống nhất. Cho phép nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Đây được xem là một chính sách kích cầu rất quan trọng, có ý nghĩa như chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn vào thời điểm đó nhằm tạo điều kiện cho ngành Du lịch quay trở lại "đường đua" với các quốc gia trong khu vực.

Cũng trong năm 2024, các quy hoạch quan trọng của ngành VHTTDL đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Chính phủ đã có Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 509/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngành VHTTDL nhìn từ "cuộc cách mạng" thay đổi tư duy - Ảnh 4.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó chỉ rõ trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày sau đó đã khẳng định: "Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả".

Từ phát biểu của Tổng Bí thư về điểm nghẽn thể chế và đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhìn lại những nỗ lực, kết quả của ngành Văn hóa trong công tác hoàn thiện thể chế kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể khẳng định toàn ngành đang đi đúng hướng. Và "cuộc cách mạng" về thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật ở thời điểm đầu nhiệm kỳ là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, từ khoảng giữa năm 2021 đến quý đầu năm 2022, hầu như tất cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch bị đứt gãy, ngưng trệ. Các sự kiện văn hóa đều phải tạm dừng, các nhà hát, rạp chiếu phim phải đóng cửa; các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch không hoạt động; các giải thi đấu thể dục, thể thao bị tạm hoãn....

Năm 2024 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt. Là thời điểm cả đất nước đang tưng bừng khí thế, tâm thế để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong đó, "cuộc cách mạng" về tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đang được Trung ương gương mẫu triển khai, địa phương quyết liệt hưởng ứng.

Đối với Bộ VHTTDL, những kết quả, dấu ấn trong năm 2024 và từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận sẽ là tiền đề rất quan trọng để toàn ngành tích cực, phấn khởi, chuẩn bị mọi nguồn lực với tinh thần cao nhất nhằm hưởng ứng mạnh mẽ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, để không bỏ lỡ cơ hội cùng cả đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Thế Công
Xuân Trường


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×