Giới thiệu gần 50 "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc"
29/11/2022 | 15:32Chiều 28/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc" đã khai mạc, giới thiệu đến công chúng 47 tác phẩm gồm các bức thư pháp đoạt giải, các bản khắc gỗ, nghiên mực và các tác phẩm thư pháp đẹp được lựa chọn từ 100 tác phẩm của Cuộc thi viết "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc".
Cuộc thi viết "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc" do Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức được tổ chức vào ngày 27/10/2022 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với sự tham gia của 100 sinh viên độ tuổi từ 20-22 đang theo học tiếng Hàn ở một số trường đại học.
Sau cuộc thi, 15 tác phẩm xuất sắc nhất đã được trao giải và được các nghệ nhân tài hoa mà Hàn Quốc vinh danh là "Báu vật nhân văn sống", thể hiện trên các bản khắc gỗ. Những tác phẩm thư pháp trên giấy Jokja, các tác phẩm điêu khắc trên gỗ quý, các kiệt tác nghiên mực làm từ đá Nampo…nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng, văn hóa tinh thần và vật chất của cả hai quốc gia Việt Nam -Hàn Quốc. Những tác phẩm mới được sáng tác này sẽ tạo nên những giá trị mới, mang tư duy và sức sống đương đại trên nền tảng của di sản văn hóa phi vật thể vốn có lâu đời của cả hai quốc gia: nghệ thuật viết thư pháp, nghề làm giấy truyền thống, nghệ thuật điêu khắc gỗ và nghề làm nghiên mực, mực và bút lông…
47 tác phẩm gồm: các bức thư pháp đoạt giải, các bản khắc gỗ, nghiên mực và các tác phẩm thư pháp đẹp được lựa chọn từ 100 tác phẩm của Cuộc thi viết được giới thiệu tại Triển lãm "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Thư pháp Hàn Quốc" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 28-30/11/2022.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Sự kiện thi viết và trưng bày "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc" đã cho thấy sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam- Hàn Quốc. Đó là những triết lý, lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân về đạo đức, lý tưởng và lối sống. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng được kế thừa qua nhiều thế hệ để trở thành truyền thống mà ngày nay gọi là di sản.
Theo bà Lê Thị Minh Lý: "Với chương trình, chúng tôi cũng muốn hướng tới giáo dục thế hệ trẻ bằng sự tôn vinh di sản của cha ông. Thông qua trải nghiệm này, các em học sinh sẽ thấy việc học tập của mình ý nghĩa hơn, tự lập và tự chủ để bước ra thế giới hội nhập".
Triển lãm là hoạt động kết thúc Dự án giữa Viện Nguồn lực Văn hóa Hàn Quốc và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Dự án được sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Bộ VHTTDL Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, TP. Boryeong (Hàn Quốc). Dự án được tổ chức thành công bởi sáng kiến và sự phối hợp tổ chức hiệu quả giữa Viện Nguồn lực Văn hóa Hàn Quốc và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; bởi sự ủng hộ, cộng tác chặt chẽ của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số trường đại học.
Thành công của Dự án gắn kết hơn nữa tình đoàn kết giữa 2 quốc gia nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022), là tiền đề cho chuỗi chương trình hợp tác giữa Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Viện Nguồn lực Văn hóa Hàn Quốc trong tương lai, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 tổ chức đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt-Hàn./.