Giới thiệu điệu nhảy “Vũ điệu hành quang” trong Lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu
24/11/2018 | 08:10Ngày 23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Sán Dìu đến từ tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu điệu nhảy “Vũ điệu hành quang” trong Lễ cấp sắc của dân tộc mình.
Để thực hiện nghi lễ, đồng bào phải tiến hành lập lễ đàn
Đây là điệu nhảy khai sáng mô phỏng thần linh ban cho chúng sinh ánh hòa quang có sức mạnh thần kỳ để cho chúng sinh được bình yên, mạnh khỏe, muôn vật phát triển tốt tươi, con người có được mùa bội thu, bình yên hạnh phúc.
Người Sán Dìu quan niệm trải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng trong làng, được giúp việc cho thầy cúng và được cúng bái. Đây là nghi lễ chứa đựng giá trị tín ngưỡng tâm linh đặc sắc và có tính giáo huấn, răn dạy con cháu ăn ở hiếu nghĩa với cha mẹ, hướng tới việc thiện, bài trừ việc ác.
Nghi lễ cấp sắc vừa có tính trao truyền tín ngưỡng vừa có tính giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Người đệ tử ý thức được quyền hạn và trách nhiệm của mình hơn. Nghi lễ đã phản ánh đời sống tâm linh, tôn thờ Đạo giáo cũng như chịu ảnh hưởng văn hóa Hán của đồng bào, thể hiện qua hệ thống tranh thờ, các điệu múa thiêng, đón thánh, tiễn thần, hay trình báo tổ tiên, các quan niệm về ngũ hành, nhân sinh quan.
Một số lễ vật trong lễ cúng.
Lễ cấp sắc là dịp anh em, họ hàng thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ nhau, có công góp công, có của góp của, thể hiện tinh thần cộng đồng rất sâu rộng. Nghi lễ cấp sắc là một sân khấu thiêng, phản ánh giá trị nghệ thuật tâm linh đặc sắc, là bảo tàng sống giúp giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ cấp sắc của người Sán Dìu có ba cấp, tăng dần theo trình độ học phép của người thầy. Cấp thứ nhất là “pháp sư” (sô ca), cấp thứ hai là “chức sư” (chếnh ca) và cấp thứ ba là “thứ gia tổng xuyến” (xị ca chống sọn). Cả ba chức vị này có quyền hành pháp và truyền pháp cho đệ tử cấp dưới mới học. Song cấp sắc bậc càng cao thì quyền hạn và pháp lực càng cao, tổ chức lễ tốn kém hơn.
Để thực hiện nghi lễ, đồng bào chuẩn bị mâm lễ cúng gồm gà, bát gạo, rượu, trầu cau... tiến hành lập lễ đường và treo tranh thánh với tranh thờ Tam Thanh được treo ở chính giữa đàn, tranh thờ binh tướng, quan lính được treo ở hai bên tả hữu của lễ đàn.
Thầy cúng đặt lễ vật lên lễ đàn.
Thực hiện nghi lễ, thầy cúng đọc tờ sớ chính của đạo tràng để thỉnh Ngọc Hoàng, thỉnh Đông Vương Công, mời các vị thần thánh về chứng kiến và mời các vị thầy có chức vị về truyền pháp. Sau khi đã mời được các vị thần thánh, người đệ tử được cấp sắc cầm linh bài, đứng ở giữa, các thầy phụ đeo cờ, nhảy điệu Kết Giới (Két cại) để mời gọi thần thánh đến đây dự tiệc, chứng giám và truyền phép cho đệ tử.
Thực hiện nghi lễ cúng.
Sau những lời tấu tha thiết và những điệu nhảy múa để kính mời, các thầy làm nghi thức bắc cầu, gọi là cầu thánh, để đón các thánh đến nhà đàn làm lễ cấp sắc. Phía bên này cầu (dưới cái bàn) có bày 2 chậu nước và khăn mặt sạch để khi qua cầu, đến đầu cầu rửa mặt. Khi mời các vị thánh thần đến thì các thầy giúp việc và đệ tử nhẩy các vũ điệu hành quang (háng cong) để nghênh tiếp các thần, thể hiện sự vui mừng chào đón và kính trọng.
Đệ tử nhảy các vũ điệu hành quang để nghênh tiếp các thần.
Lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu nét phong tục tốt đẹp của người Sán Dìu tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Sán Dìu quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Lan Anh