Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giao ban Thiết chế Văn hoá-Thể dục, thể thao các Bộ, ngành, đoàn thể địa phương năm 2012

05/10/2012 | 10:31

(VP) - Sáng ngày 4/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị giao ban Thiết chế Văn hóa-Thể dục, thể thao các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương năm 2012. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tới dự và chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà nước, các Bộ, ngành đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hoá, thể thao phù hợp với tình hình mới.

Thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao giữ vai trò nòng cốt tuyên truyền nhiệm vụ chính trị-xã hội
Các thiết chế văn hoá-thể dục thể thao từ Trung ương đến địa phương sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi mới chuyển đổi cơ chế, nay đã đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình văn hoá quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng; xu hướng chung của hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở là gần gũi, phục vụ sát yêu cầu của nhân dân ở nơi cơ sở. Các thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang nhân dân, trong ngành giáo dục đã được duy trì hoạt động thường xuyên, phát huy hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của bộ dội và của học sinh, sinh viên.


Đại diện lãnh đạo Cục văn hóa cơ sở phát biểu tại Hội nghị

Thực tiễn khẳng định hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao ở cơ sở, là bộ mặt văn hoá của các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương.

Là công cụ gắn kết cộng đồng

Thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở chính là cơ sở vật chất, là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời thiết chế văn hoá, thể dục thể thao cơ sở cũng thể hiện nhu cầu gắn kết tình đồng chí, nghĩa đồng bào, liên kết trách nhiệm cộng đồng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo từ hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, nòng cốt để xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Các nội dung hoạt động phong phú, thiết thực của hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục thể thao đã tạo điều kiện cho sinh hoạt văn hoá của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều điển hình về xây dựng, quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục thể thao và cách làm sáng tạo trong nhân dân đã góp phần xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hoá-thể dục thể thao thiết thực với đời sống ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở trong toàn quốc còn nhiều bất cập. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, luyện tập thể dục thể thao của người lao động.

Các thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở phần lớn bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị cho hoạt động sự nghiệp. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tuỳ tiện. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực nông thôn nghèo, khu vực miền núi, vùng xâu, vùng xa.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đội ngũ cán bộ văn hoá, thể dục thể thao cơ sở còn thiếu và yếu, nhất là ở các xã, phường, thị trấn; kinh phí tổ chức còn hạn hẹp, chưa tương xứng với nội dung tổ chức hoạt động; công tác quản lý, tổ chức hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá, thể dục thể thao cơ sở…

Nhìn chung hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở vẫn ở tình trạng thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Chưa có nhiều công trình văn hoá, công trình thể thao và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của nhân dân. Đầu tư của ngân sách Nhà nước cho văn hoá, thể dục, thể thao còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hoá, thể dục thể thao còn rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở
Để phát triển hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao cơ sở, Bộ VHTTDL đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục thể thao đến năm 2020. Trong đó đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện, củng cố hệ thống thiết chế văn hoá từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống nhà văn hoá, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động theo nguyên tắc chuyên nghiệp hoá tất cả các bộ phận trong cơ cấu của một số thiết chế văn hoá. Mục tiêu cụ thể: “Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, 90%- 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80-90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60 - 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Xây dựng một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn của cả nước”.

Tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương cũng đã bàn thảo nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao trong đời sống, đồng thời nhấn mạnh, dẫu đã có nhiều đổi mới nhưng thực tế vẫn bộc lộ không ít khó khăn đối với sự hoạt động của hệ thống này như thiếu thốn về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, sự phối hợp trên địa bàn ở nhiều nơi chưa chặt chẽ...


Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá-thể dục, thể thao đang là vấn đề đặt ra cấp bách. Đối với các Bộ, ngành, địa phương, cần chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá- thể thao để đề xuất, trong đó lưu ý cố gắng giữ được quỹ đất, dành diện tích cho trung tâm triển lãm; đồng thời đề xuất lãnh đạo tỉnh, Bộ, ngành về tổ chức bộ máy của hệ thống thiết chế trung tâm văn hoá, thể thao trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đổi mới nội dung hoạt động, không theo lối mòn nhằm tạo sự sinh động, đưa các thiết chế văn hóa-thể dục, thể thao trở thành những địa chỉ tin cậy cho các đối tượng có nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá-thể dục, thể thao...

Thứ trưởng cũng lưu ý và giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL nhằm xây dựng và hoan thiện hệ thống văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tự chủ, phát huy hiệu quả hoạt động khi vận hành hệ thống thiết chế văn hóa-thể dục, thể thao trên địa bàn; nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đề xuất những chế độ chính sách cho các cán bộ văn hóa ở xã , thôn....

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×