Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

 “Giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”

25/06/2018 | 21:32

Đây là chủ đề của Hội nghị sinh hoạt chuyên đề nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2018, do Thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Gia đình tổ chức sáng 25/6, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có: Đồng chí Trịnh Thị Thủy-Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Đ/c Phùng Minh Cường-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, Đ/c Vương Bích Thắng-Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục-Thể thao, Đ/c Trần Tuyết Ánh-Ủy viên ban chấp hành Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Gia đình; Cùng hơn 300 Đ/c Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng Bộ, cấp ủy của 75 tổ chức Đảng…

GS.TS Đặng Cảnh Khanh truyền đạt nội dung chuyên đề tại Hội nghị.

Tại Hội nghị GS.TS Đặng Cảnh Khanh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển truyền đạt nội dung chuyên đề “Giá trị của Văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển” khẳng định: Gia đình là nền tàng xã hội. Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống coi gia đình là một giá trị sống, một bộ phận của cộng đồng. Cộng đồng có trách nhiệm với gia đình. Nguyên tắc cơ bản nhất của các mối quan hệ gia đình truyền thống Việt Nam là tình cảm và trách nhiệm.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh cũng chỉ ra những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay như: Các hình thức gia đình ngày nay được nhìn nhận đa dạng. Bên cạnh các loại gia đình “truyền thống” trước đây như một vợ, một chồng, một cha (hoặc mẹ), tái hôn, vợ chồng không có con, cha me nuôi, gia đình mở rộng (đa thế hệ), còn có các gia đình không hôn thú, những người mẹ “xin” con, cha mẹ thuê người đẻ con,...

Ngoài ra, công tác kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch được thực hiện trong nhiều năm cũng làm biến đổi mạnh mẽ quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình. Sự chuyển đổi từ mô hình gia đình đông con sang mô hình chỉ có từ một đến hai con đã khiến cho quy mô gia đình thay đổi. Quy mô gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân ngày càng trở nên phổ biến và được khẳng định.

Sự biến đổi về quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình cũng dẫn đến những biến đổi về hệ thống giá trị gia đình. Trên thực tế, sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa đã khiến cho gia đình Việt Nam có điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa, nhân văn mới của xã hội hiện đại. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ký thực hiện các công ước quốc tế về quyền của phụ nữ và quyền trẻ em, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho biết.

Đ/c Phùng Minh Cường-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực nói trên, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cũng nhận định, hệ giá trị gia đình cũng còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều gia đình, để tham gia vào sự phân công lao động mới, vào thị trường lao động đã buộc phải chấp nhận cảnh phân tán, li biệt. Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội và bình đẳng về kinh tế với nam giới, cũng làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong môi trường gia đình. Trẻ em lớn lên và học tập trong nhà trường nhiều hơn là của cha mẹ, ông bà và gia đình...

Mặt khác, với sự mở rộng của giáo dục và phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, phụ nữ ngày nay cũng ít phụ thuộc hơn vào những chuẩn mực và hình thức của gia đình truyền thống. Việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em đã làm biến đổi trật tự gia đình cũ.

Đồng thời, yêu tố gia đình cũng tác động làm tăng tội phạm: Quan hệ gia đình lỏng lẻo; Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước đây, tình trạng ly hôn, ly thân giữa các cặp vợ chồng gia tăng, thiếu sự chăm sóc lẫn nhau. Đặc biệt là trong những gia đình có vấn đề…

Để khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam trước những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, GS.TS Đặng Cảnh Khanh đã đưa ra một số giải pháp như: Cần nâng cao hệ giá trị gia đình; đảm bảo cơ sở vật chất và tinh thần cho gia đình; phát huy các giá trị truyền thống; xây dựng các quy chuẩn văn hóa mới về gia đình; tăng cường quản lý nhà nước về gia đình; phát huy vai trò của cộng đồng; đồng thời, trị liệu, ngăn chặn khủng hoảng gia đình.

Kết thúc buổi truyền đạt nội dung chuyên đề “Giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc tích cực trong lĩnh vực gia đình, công lớn đó thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Toàn cảnh Hội nghị.

Sau phần thảo luận của các đại biểu, đồng chí Phùng Minh Cường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ đã có những kết luận, chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của các đơn vị trong lĩnh vực gia đình. Qua chuyên đề này, đồng chí Phùng Minh Cường mong muốn, từng đảng viên, với trách nhiệm của mình sẽ trở thành những báo cáo viên, tuyên truyền viên, để cùng với xã hội nâng cao vấn đề văn hóa gia đình...

Đặc biệt, các đồng chí đang công tác ở mảng nghiên cứu, quản lý, định hướng phát triển, với trách nhiệm của mình tham mưu cho Bộ, để làm tốt công tác quản lý gia đình, góp phần cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo Nghị Quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng chí Phùng Minh Cường nhấn mạnh.

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×