Đượm tình quê hương với “Hương sắc Việt Nam”
01/12/2016 | 15:44Chương trình nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam” do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam thực hiện tối 30/11 là buổi biểu diễn thứ 3 trong đợt 4 thực hiện kế hoạch công diễn thường xuyên các tác phẩm nghệ thuật chất lượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ VHTTDL. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tới thưởng thức buổi biểu diễn.
Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, qua chương trình “Hương sắc Việt Nam” khán giả trong nước và quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhiều thế hệ người Việt Nam đã tích tụ, bồi đắp theo chiều dài lịch sử.
Kế hoạch biểu diễn các tác phẩm sân khấu chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ VHTTDL nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ khắp cả nước phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là vinh dự lớn lao, là trách nhiệm nặng nề của các nghệ sĩ trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
“Hương sắc Việt Nam” là chương trình nghệ thuật bao gồm các tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc được phát triển trên chất liệu dân gian của các dân tộc Việt Nam, với nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Chương trình được phối khí, hòa âm đặc biệt cho dàn nhạc dân tộc, với nhiều ca sĩ thể hiện để tạo nên hiệu quả âm sắc phong phú, sống động, ngôn ngữ múa truyền thống được truyền cảm hứng sáng tạo qua các giá trị văn hóa lịch sử và văn học dân gian. Tất cả đã khắc họa một bức tranh quê hương với những làng quê yêu thương và yên bình, những làng quê từ ngày đổi mới nhưng vẫn thắm đượm, đắm say giai điệu Việt, hồn Việt cho đến hôm nay và mai sau.
Chỉ đạo thực hiện: NSND Nguyễn Quang Vinh; Kịch bản và đạo diễn: NSƯT Trường Giang, NSƯT Huỳnh Tú; Chỉ huy biểu diễn: NSƯT Xuân Huỳnh.
Với thời lượng 90 phút, lần lượt các nhạc phẩm: Hòa tấu “Những cung bậc của núi”, “Rừng vọng”, múa “Tắm trăng”, bài hát “Say trăng – Thị Mầu”, “Lội dòng sông quê”, múa “Những ánh trăng đỏ”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Xôn xang mênh mang Cao Nguyên”… được vang lên tại khán phòng Nhà hát Lớn.
Đó là sự lung linh, bồng bềnh, trải dài bất tận, khi du dương trầm bổng những sắc màu âm thanh huyền ảo, mỗi cung bậc đều mang một dư vị đặc sắc, hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh đa sắc. Từ tiếng thở của núi rừng, đến tiếng róc rách của suối như hòa chung, sự sôi động của tiếng tù và, tiếng mõ trâu… tất cả đều toát lên văn hóa sinh động của các dân tộc vùng cao, thể hiện sự thanh bình vốn có mà tạo hóa đã sắp đặt.
Chương trình đã đưa khán giả trải qua nhiều miền cảm xúc, qua nhiều vùng, miền văn hóa dọc chiều dài đất nước. Từ âm hưởng của núi rừng Tây Bắc, tới những làng quê vùng đồng bắc Bắc Bộ, khi lại “Ngược dòng Hương Giang”, rồi về với Tây Nguyên với “Âm vang đại ngàn”… Đó cũng là hành trình trở về đất mẹ của mỗi người dân Việt Nam.
Việc sử dụng các thủ pháp, ngôn ngữ âm nhạc cũng như múa đương đại để phát triển thành chương trình nghệ thuật đã mang đến một “Hương sắc Việt Nam” mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự đầu tư công phu về hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng, không gian kỹ thuật hỗ trợ, diễn viên biểu diễn… của Nhà hát với trình độ chuyên môn cao trong biểu diễn để mang lại một chương trình nghệ thuật có chất lượng cao xứng tầm Nhà hát, mang đến cho khán giả thủ đô những giai điệu tuyệt phẩm.
Đồng thời khẳng định Nhà hát Lớn Hà Nội, di tích lịch sử quốc gia, không gian văn hóa sang trọng bậc nhất thủ đô từ nay sẽ là địa chỉ đỏ để khán giả Việt Nam và Quốc tế đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu tiêu biểu do những nghệ sĩ Việt Nam và Quốc tế trình diễn./.