Đưa thiết chế bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn du khách
24/07/2017 | 08:49Trong hai ngày 19 và 20.7, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì đã có các buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố về việc Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, hầu hết các bảo tàng công lập trực thuộc Sở được đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo và nâng cấp và mở rộng diện tích cho các hoạt động của bảo tàng. Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật đã tương đối hoàn chỉnh hệ thống trưng bày, Bảo tàng TP.HCM đang hoàn chỉnh phương án thiết kế kiến trúc và các thủ tục liên quan để thực hiện việc nâng cấp và mở rộng. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vừa khởi công xây dựng hệ thống kho bảo quản hiện vật và nhà làm việc hành chính, dự kiến hoàn thành vào tháng 2.2018 với tổng kinh phí gần 56 tỉ đồng. UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Qua đó, thay đổi cơ bản diện mạo của hệ thống bảo tàng, dần đi đến việc hiện đại hóa toàn diện hoạt động của thiết chế trên đến năm 2020, góp phần đưa hệ thống bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, hiện các bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ có thu, cần có chính sách tạo thuận lợi cho các bảo tàng phát triển dịch vụ đi kèm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cũng cần sớm nâng giá vé tham quan bảo tàng lên mức hợp lý, giá vé như hiện nay là rất thấp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên bày tỏ ấn tượng trước sự quan tâm của lãnh đạo TP trong việc chú trọng phát triển thiết chế văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt là chuyến “vi hành” vừa qua của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đến từng bảo tàng và sau đó chấp thuận chủ trương đầu tư kinh phí thực hiện các dự án chỉnh trang hệ thống bảo tàng. Đồng thời biểu dương những sáng tạo trong công tác xã hội hóa, có nhiều hoạt động gắn kết giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển thiết chế bảo tàng. Thứ trưởng cũng đề nghị Sở cùng các bảo tàng phải chủ động hoàn thiện những tiêu chí trong xếp hàng bảo tàng. Sớm hoàn thành các thủ tục để bảo vệ, đưa những chủ trương đã được lãnh đạo TP chấp thuận trở thành hiện thực trong chỉnh trang, xây dựng mới, cũng như quy hoạch hệ thống bảo tàng trên địa bàn. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao công tác bảo quản, kiểm kê và phát huy các giá trị văn hóa của hiện vật. Từng bước đưa thiết chế bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dịp này, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm chủ đề “Đi qua cuộc chiến” do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7.
2. Cũng trong hôm qua 20.7, đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM về công tác tuyển sinh, đào tạo.
Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vừa hoàn thành tổ chức kỳ thi năng khiếu vào ngày 19.7. Công tác tuyển sinh đợt 1 năm 2017 của trường đã hoàn thành kế hoạch, thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Theo đó, năm 2017 nhà trường tuyển tổng cộng gần 250 chỉ tiêu ở các bậc ĐH, CĐ và TC. Có trên 1.000 thí sinh đăng ký dự thi vào trường, tăng 25% so với 2016; số thí sinh đến dự thi cao, đảm bảo nhà trường tuyển đủ và vượt chỉ tiêu. Tổng số sinh viên của trường hiện nay gần 700 học sinh, sinh viên ở các hệ đào tạo.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng cho hay công tác tuyển sinh tuy có khởi sắc nhưng chỉ tập trung ở những ngành “hot” như Diễn viên Kịch - Điện ảnh, Đạo diễn... trong khi các ngành như Diễn viên Sân khấu kịch hát (Cải lương), Thiết kế Mỹ thuật sân khấu - điện ảnh và Nhạc công dân tộc lại rất khó tuyển sinh. Mặc dù ngành Diễn viên Sân khấu kịch hát và Thiết kế Mỹ thuật sân khấu - điện ảnh đã tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp nhưng có khả năng các sinh viên sẽ “rơi rụng” trong quá trình học nếu không có các chính sách ưu đãi đặc biệt để “giữ chân” người học. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên đủ chuẩn của trường hiện nay vẫn còn thiếu.
Chia sẻ những trăn trở của nhà trường, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết rất phấn khởi khi thấy kết quả tuyển sinh đợt 1 năm 2017 của trường đạt kết quả tốt, tuy nhiên không được chủ quan. Trước mắt nhà trường cần tiếp tục làm tốt công tác tuyển sinh trong thời gian tới, động viên và có giải pháp “giữ chân” sinh viên; xác định vị trí việc làm trong nhà trường; hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng đội ngũ từ nay đến 2020; kiện toàn bộ máy, đội ngũ để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2017-2018. “Nhà trường cần lập danh sách và đề nghị dự kiến tuyển sinh được bao nhiêu, báo cáo cụ thể những ngành khó tuyển sinh, lý do tuyển sinh khó và đưa giải pháp, tổng hợp ngay trong tháng 7.2017 để Bộ trình Thủ tướng cho chủ trương, trong đó có thể đề xuất cấp học bổng đào tạo những ngành khó tuyển sinh nhưng lại cần thiết cho xã hội, để học sinh vào học không phải đóng học phí. Bên cạnh đó nhà trường cần tiến tới đào tạo tài năng, nâng chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập”, Thứ trưởng chỉ đạo. /.
(Nguồn: Báo Văn hóa)