Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đưa Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào đời sống: Phối hợp liên ngành phải cụ thể và chi tiết

18/09/2010 | 17:33

Nhằm phát huy hiệu quả việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, trong khuôn khổ chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới giữa Chính phủ Việt Nam – Liên Hiệp Quốc (Dự án thành phần VNM0014), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp trực tiếp cho Dự thảo Hướng dẫn phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình trong 2 ngày 14 và 15.9 tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã ra đời được gần 3 năm, tiếp theo là một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ như các chỉ thị, nghị định của Chính phủ... Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết đặt ra là việc thực hiện phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền về PCBLGĐ chưa có sự thống nhất chặt chẽ, mỗi cấp ban, ngành, cơ sở thực hiện còn mang tính đơn phương dẫn tới công tác quản lý nhà nước về PCBLGĐ từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã vẫn còn có nơi, có lúc rơi vào thực hiện mang tính hình thức, bỏ trống nhiệm vụ và địa bàn, hiệu quả PCBLGĐ chưa cao. Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình tại Điều 36 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTTDL đã lập Dự thảo Hướng dẫn phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhằm bảo đảm thống nhất về công tác quản lý nhà nước về PCBLGĐ từ cấp trung ương tới cấp cơ sở, phối hợp tổng lực giữa các ban, ngành để tạo nên những chuyển biến căn bản trong PCBLGĐ.

Sau khi nghe ông Lê Duy Sớm, thành viên của Ban soạn thảo Hướng dẫn phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật PCBLGĐ trình bày nội dung cơ bản của dự thảo, các đại biểu là đại diện cho các cơ quan liên ngành như: Cục Văn hóa cơ sở,  Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở VHTTDL một số địa phương... đã tham gia đóng góp khá sôi nổi xung quanh một số  nội dung như: Ngành VHTTDL chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chính phủ, UBND, Ban Chỉ đạo cùng cấp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ.; Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn hiện hành; Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động với cấp trên và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp; Hỗ trợ các cơ quan phối hợp cùng cấp cử cán bộ có khả năng tham gia các hoạt động phối hợp; ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng cán bộ làm công tác PCBLGĐ; Trách nhiệm phối hợp cụ thể với ngành VHTTDL theo nội dung của từng ngành như: Ngành Tư pháp, ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, ngành Y tế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Kế hoạch và ngành Tài chính... Tựu trung thống nhất, quan điểm ngành VHTTDL là cần có Văn bản Hướng dẫn hoạt động phối hợp thực hiện Luật PCBLGĐ một cách chi tiết và cụ thể hơn cho từng đối tượng và phạm vi thực hiện PCBLGĐ thuộc từng bộ, ngành, đoàn thể, mang tính pháp lý và hiệu quả thực hiện cao.

 Tiếp nhận ý kiến tại hội thảo, Ban Soạn thảo đã có những điều chỉnh kịp thời, rất cơ bản và cụ thể trong nội dung Dự thảo. Theo đó, ngành VHTTDL phải là cơ quan đầu mối xây dựng và triển khai việc thực hiện Luật PCBLGĐ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, cần đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành, tổng hợp tình hình thực hiện của các bộ, ngành trong việc thực thi Luật PCBLGĐ, đồng thời cũng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về phòng chống BLGĐ cho tất cả các bộ, ngành để các bộ, ngành có thể nắm bắt được chủ trương, chính sách và có trách nhiệm thực hiện trong nhiệm vụ của mình .

Trong phát biểu tổng kết hội thảo, ông Đỗ Hoàng Du, Q. Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL, Giám đốc Dự án VNM0014 về Chương trình Hợp tác chung về bình đẳng giới giữa Chính phủ Việt Nam – Liên Hiệp Quốc cho biết: “Ban Soạn thảo hướng dẫn phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật PCBLGĐ sẽ tiếp tục sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện các điều khoản  trong dự thảo để làm sao ngành VHTTDL có một văn bản hướng dẫn cụ thể và hiệu quả khi thực hiện hướng dẫn về PCBLGĐ trong sự phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, trong thời gian hoàn thiện hướng dẫn, ngành VHTTDL rất cần sự phối hợp chặt chẽ đóng góp ý kiến tiếp tục của các chuyên gia thuộc các bộ, ngành liên quan tới vấn đề thực hiện Luật PCBLGĐ”.

Ngoài những văn bản mang tính pháp luật thì vấn đề cốt yếu vẫn là nêu cao ý thức trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc phối hợp với ngành VHTTDL, giúp ngành VHTTDL với tư cách là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về vấn đề này có thể đưa ra những giải pháp chiến lược để Luật PCBLGĐ được áp dụng và đi vào thực tiễn, đi vào ý thức của từng người dân trong xã hội, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện và hành vi vi phạm bạo lực gia đình.

(theo Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×