Đưa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành biểu tượng sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
18/04/2025 | 21:15Ngày 18/4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Hội nghị "Tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam". Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, công tác tổ chức hoạt động sự kiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn được phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên cả nước, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, đặc sắc, tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trưng bày triển lãm, hoạt động dân ca dân vũ, thể thao dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc….

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Giai đoạn từ 2015 – 2024 được đánh giá là giai đoạn quan trọng khi áp dụng, triển khai các phương thức, quy mô tổ chức, có tính kế hoạch, nội dung hoạt động theo chiều sâu, từ các sự kiện thường niên hàng năm đến các hoạt động cuối tuần, tháng với các chuyên đề, chủ đề về văn hóa dân tộc các vùng miền, trong đó, chú trọng đến việc gắn các hoạt động của Làng với các địa phương.
Giai đoạn này Làng đã phối hợp với 60 địa phương trên cả nước để lựa chọn các hoạt động, tham mưu, xây dựng Kế hoạch Khung tổ chức hoạt động. Trên cơ sở Kế hoạch Khung được Bộ VHTTDL ban hành, Ban Quản lý đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết hàng tháng phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tế, tổ chức hiệu quả các hoạt động, sự kiện gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Từ năm 2015 đến hết năm 2024, Làng đã huy động gần 9.000 nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc của 481 lượt dân tộc, với hơn 350 lượt địa phương, trong đó, đặc biệt quan tâm mời đồng bào các dân tộc ít người tham dự; tổ chức 101 hoạt động chuyên đề, sự kiện theo tháng; phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu Ngày hội văn hóa du lịch địa phương; định kỳ tổ chức các Hội nghị sơ kết 03 năm, Hội nghị 05 năm đánh giá kết quả hoạt động, tổ chức Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, Làng cũng phối hợp với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, các câu lạc bộ văn nghệ tại các địa phương huy động trên 5.000 nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên, vận động viên và học sinh các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động cuối tuần, sự kiện, chuyên đề.

Toàn cảnh Hội nghị
"Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tại Làng Văn hóa cũng góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch địa phương, đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm, làm cho các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần củng cố tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc." – Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung cho biết.
Trong giai đoạn tới đây, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam định hướng tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án tái hiện không gian văn hóa tiêu biểu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tạo động lực thúc đẩy phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành khu du lịch trọng điểm có chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó, tổ chức hoạt động, sự kiện, phối hợp với địa phương nghiên cứu, tổ chức đa dạng, có chiều sâu các hoạt động, sự kiện, ngày hội văn hoá, chương trình giao lưu văn hoá với quy mô lớn, toàn quốc, tiêu biểu đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; lựa chọn các nội dung hoạt động giới thiệu nét đặc sắc trong phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… của các dân tộc gắn liền với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, gắn với phát triển du lịch và tạo sức lan toả, thu hút Nhân dân và du khách.
Phấn đấu đến năm 2030 mời được khoảng 40% - 50% thành phần dân tộc trong tổng số 54 dân tộc Việt Nam, mỗi nhóm đồng bào dân tộc có tối thiểu 8 người tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; đồng bào các dân tộc được mời tham gia hoạt động đảm bảo tính chọn lọc, đại diện vùng miền và có sự luân phiên thay thế giữa các thành phần dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc, đại diện cho nhóm cộng đồng tại địa phương do địa phương tiến cử.
Tại Hội nghị, địa phương, các nghệ nhân, đại diện đồng bào đã đóng góp tham luận, kiến nghị, góp phần giúp Bộ VHTTDL có thêm căn cứ để tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức phối hợp, huy động sự tham gia thực chất, rộng rãi hơn nữa từ cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, sau 15 năm hoạt động, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã từng bước thực hiện hóa sứ mệnh, trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sống động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương, được minh chứng rõ nét thông qua những con số biết nói, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, các hoạt động ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho các địa phương có thành tích xuất sắc
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL với các địa phương trên cả nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự đồng hành tâm huyết, trách nhiệm, bền bỉ của đồng bào các dân tộc, những hạt nhân văn hóa giữ lửa và truyền lửa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở địa phương và tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày 17/9/2024 vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào được mời tham gia hoạt động tại Làng. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ VHTTDL và là kết quả nỗ lực của toàn thể tập thể lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong việc cụ thể hóa chính sách thành hiện thực.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Hội nghị là dịp để tổng kết, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua và rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó xác định những giải pháp để tiếp tục triển khai công tác phối hợp hiệu quả hơn trong tình hình mới.
"Từ Hội nghị này, chúng ta sẽ cùng nhau xác lập một định hướng phát triển lâu dài, gắn bó, bên vững hơn để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành biểu tượng sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm đến văn hóa hấp dẫn, nhân văn, giàu bản sắc trong lòng công chúng và du khách" – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy kỳ vọng.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho các địa phương có thành tích xuất sắc.