Dự thảo Luật Thư viện có những điểm mới nào?
27/06/2019 | 07:10Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Thư viện trong đó quy định nhiều điểm mới, sửa đổi, bổ sung so với Pháp lệnh Thư viện.
Dự thảo Luật Thư viện có những điểm mới nào?
(Tổ Quốc)- Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Thư viện trong đó quy định nhiều điểm mới, sửa đổi, bổ sung so với Pháp lệnh Thư viện.
Đa dạng hóa các loại hình thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa
Theo đó, Về những quy định chung (Chương I), dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng : tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện (Điều 1 và Điều 2).
Kế thừa các chính sách về phát triển thư viện trong Pháp lệnh Thư viện; dự thảo luật sửa đổi, bổ sung và sắp xếp lại các nội dung theo 03 nhóm: Nhà nước đảm bảo thực hiện thông qua chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động thư viện (Điều 4). Các quy định trong Dự thảo được đối chiếu để đảm bảo tính tương thích với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các luật chuyên ngành khác.
Ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cho thư viện trường học, xã hội hóa hoạt động thư viện. Trong ảnh là Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện Việt Nam PTI tặng thư viện cho Học viện Tài chính. Ảnh: Nam Nguyễn
Về phân loại thư viện, dự thảo luật đã chia theo ba tiêu chí: hình thức sở hữu, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động (Điều 5) để có chính sách phát triển, phương thức quản lý phù hợp, từ đó quy định thẩm quyền, quy trình, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với từng loại.
Thực hiện đa dạng hóa các loại hình thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa, dự thảo đã bổ sung nhóm thư viện ngoài công lập bao gồm: thư viện thuộc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp ở địa phương, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện thuộc cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng, thư viện do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập (điểm b khoản 1 Điều 5) vào các loại thư viện Việt Nam, nhằm phát triển mạng lưới tại cơ sở, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, thu hút cộng đồng phát triển thư viện trở thành giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho thư viện cơ sở - đặc biệt là thư viện cấp xã .
Đồng thời bổ sung quy định về tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thư viện (Điều 6) góp phần tham gia xây dựng và phát triển thư viện.
Kế thừa quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong Pháp lệnh, bổ sung một số hành vi mới liên quan đến triển khai xây dựng thư viện số để ngăn ngừa và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm (Điều 7).
Xây dựng thư viện số, cung cấp dịch vụ thư viện số
Về thành lập thư viện (Chương II), dự thảo quy định điều kiện đặc thù cho thư viện công lập, thư viện ngoài công lập (khoản 2 và 3 Điều 8). Các tiêu chí cụ thể sẽ được hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ.
Thủ tục thông báo hoạt động được quy định thay thế việc đăng ký hoạt động thư viện đã góp phần, đơn giản hoá, giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong việc sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ sở vật chất, triển khai liên thông, luân chuyển sách để hỗ trợ, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm) các hoạt động thư viện.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện (Điều 11) nhằm điều chỉnh toàn diện hoạt động của thư viện.
Về hoạt động của thư viện (Chương III), đây là chương mới so với Pháp lệnh với 10 điều. Theo đó bổ sung nguyên tắc trong hoạt động của thư viện (Điều 13); Thư viện số được xác định là một xu thế phát triển tất yếu. Dự thảo xác định các yếu tố cấu thành, phương thức hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của thư viện số (Điều 20) nhằm phát huy giá trị vốn tài liệu, tăng cường liên thông, kết nối góp phần hình thành hệ tri thức số quốc gia.
Các hoạt động nghiệp vụ chính được xác định vừa đảm bảo việc xây dựng, tổ chức, vừa đảm bảo những quy chuẩn chung, thống nhất trong mạng lưới tạo tiền đề để triển khai liên thông thư viện (Điều 14 đến Điều 21). Các yếu tố này là điều kiện để các thư viện có thể chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 góp phần hình thành hệ tri thức số quốc gia. Cùng với quyền và nghĩa vụ của thư viện, các quy định về cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện (Điều 17), quảng bá hoạt động thư viện (Điều 18), xây dựng thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số (Điều 20) đã mở rộng các chức năng, hoạt động để tận dụng hết công năng vốn có của thư viện.
Lấy người sử dụng làm trung tâm
Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (Chương IV), kế thừa Pháp lệnh, Dự thảo quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của thư viện (Điều 23, Điều 24), quyền và nghĩa vụ của các loại thư viện (Điều 25 đến Điều 31) theo hướng mở rộng nhằm tăng cường năng lực, tăng tính chủ động, đảm bảo điều kiện cho các thư viện trong việc phục vụ người sử dụng.
Đảm bảo nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm (khoản 1 điều 13), quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện được tách thành mục riêng trong chương IV. Việc quy định quyền sử dụng thư viện của một số đối tượng đặc biệt (Điều 38) phù hợp với quy định tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí. Dự thảo kế thừa Pháp lệnh và hoàn thiện các quy định về quyền được miễn phí khi thực hiện một số hoạt động tại thư viện công lập phù hợp với chức năng cung cấp dịch vụ công, hoạt động công ích của thư viện.
Dự thảo Luật Thư viện còn có một chương riêng quy định về xếp hạng, đánh giá hoạt động thư viện. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn
Ngoài ra, dự thảo Luật Thư viện lần này có quy định một chương mới so với Pháp lệnh thư viện đó là Chương V về xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện.
Trong đó, quy định về xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện, từ đó làm căn cứ để đầu tư phát triển thư viện phù hợp với từng giai đoạn. Xếp hạng thư viện được áp dụng trên tiêu chí cụ thể (Điều 41) để đảm bảo tính khách quan, khoa học, minh bạch.
Đồng thời đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện hàng năm là căn cứ để điều chỉnh hoạt động thư viện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời là cơ sở để xếp hạng thư viện. Tiêu chí đánh giá được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về Bộ chỉ số đánh giá hoạt động thư viện và phương pháp, thủ tục đánh giá tác động của thư viện (Điều 44)…/.
Thái Linh