Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch năm 2017 qua góc nhìn chuyên gia

18/02/2018 | 08:00

Năm 2017 tiếp tục là một năm thành công của ngành Du lịch, giúp ngành công nghiệp không khỏi trở thành điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế cả nước. Dưới góc nhìn và sự phân tích của các chuyên gia du lịch, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vì sao Du lịch được xem là điểm sáng của năm 2017.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Sự quan tâm đối với Du lịch đã được hiện thực hóa bằng hành động

Năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn của ngành Du lịch. Kết quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhận thức của Đảng, Chính phủ và xã hội về Du lịch đã thay đổi quyết liệt, nhiều chính sách mới, nhiều giải pháp đã được ban hành và phát huy hiệu quả. Có thể nói, điểm nhấn nổi bật của năm 2017 là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với ngành Du lịch đã được thể hiện rõ rệt qua những hành động cụ thể, chính sách cụ thể như: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch (sửa đổi); các cơ chế tạo thuận lợi cho du lịch phát triển như: miễn visa cho 6 nước Tây Âu; chính sách visa điện tử…

Các địa phương cũng đã quan tâm đến phát triển Du lịch. Nhiều địa phương lấy Du lịch là mũi nhọn như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang, Lào Cai… Điểm sáng ấy bắt nguồn từ quan điểm coi Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Trước đây, điều đó dường như mới chỉ là lý thuyết, nhưng trong 2 năm qua đã trở thành hành động cụ thể, phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, nỗ lực của bản thân ngành Du lịch có tính chất quyết định làm nên thành công của năm 2017. Tất cả các chương trình, hoạt động xúc tiến du lịch được triển khai trong thời gian dài, giờ mới phát huy hiệu quả. Có thể nói, nhờ công tác xúc tiến quảng bá những năm gần đây, cộng với những thuận lợi hiện nay đã tạo ra kết quả tăng trưởng ấn tượng vừa qua.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp (DN), sự trưởng thành đã thể hiện rất rõ trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2017. Các hoạt động có chiều sâu hơn, từ hoạt động thu hút khách, quảng bá bài bản hơn. Sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực khiến cho du lịch Việt Nam bắt buộc phải vươn lên. Tại các quốc gia trong khu vực tăng trưởng mạnh như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Du lịch có tốc độ tăng trưởng quyết liệt. Do vậy, việc thu hút khách không còn là vấn đề chung của đất nước mà gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của từng công ty. Trong năm 2017, những DN đón hàng trăm ngàn khách/ 1 năm không còn hiếm. Điều đấy cho thấy sự trưởng thành của DN.

Còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng đây là những yếu tố có tính chất quyết định, quan trọng, góp phần làm nên thành công của Du lịch Việt Nam trong năm 2017.

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam – Giám đốc Hanoitourist: Du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục

Du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục, tăng khoảng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là bước tăng trưởng ấn tượng cho du lịch Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng sau khi có chỉ đạo sát sao của Nhà nước với ngành Du lịch.

Không chỉ du lịch inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài), du lịch nội địa cũng phát triển rất tốt. Du lịch thúc đẩy người dân dành thời gian đi du lịch và chi tiêu khi đi du lịch, từ đó có điều kiện tái tạo sức lao động.

Ngoài ra, điều này cũng tạo điều kiện để giúp người dân Việt Nam khám phá, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán trong quá trình đi du lịch địa phương; góp phần nâng cao nhận thức về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời kích thích hoạt động kinh tế tại các địa phương. Có thể nói, sự tăng trưởng của ngành Du lịch đem lại ý nghĩa trên nhiều phương diện.

Khi đời sống nâng cao, người dân có nhu cầu đi du lịch nước ngoài, tìm hiểu văn hóa, giao lưu với các nước, thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn bắt đầu tập trung quan tâm đầu tư vào ngành Du lịch. Những địa phương vùng sâu xa, vùng biển đảo cũng phát triển du lịch khá mạnh.

Với tiền đề này, có thể thấy, ngành Du lịch còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, một trong vấn đề đáng lưu ý nhất của ngành Du lịch là nguồn nhân lực. Khi tăng trưởng nhanh thì Du lịch sẽ đối mặt với bài toán về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực như thế nào để đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây là vấn đề cần quan tâm và cũng là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp và ngành Du lịch trong thời gian tới.

Ông Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Việt Nam: Sự tăng trưởng của ngành Du lịch là kết quả của cả một quá trình

Năm 2017 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của ngành Du lịch. Thứ nhất, Nghị quyết 08/NQ-TƯ về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là văn kiện vô cùng quan trọng của ngành Du lịch, có thể được xem như “đòn bẩy” của ngành Du lịch. Căn cứ vào Nghị quyết này, tất cả chiến lược, kế hoạch phát triển Du lịch sẽ dựa vào Nghị quyết đó để nhằm tới mục tiêu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự khác biệt giữa trước và sau khi có Nghị quyết là cả nước, các bộ, ngành và tất cả các địa phương đều tập trung đầu tư cho phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó là Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới tích cực, góp phần giúp Du lịch đi vào quy củ, phù hợp với thực tiễn hơn.

Cuối cùng, con số tăng trưởng khách quốc tế trong năm 2017 có thể được xem là điểm nhấn thứ 3. Tốc độ tăng trưởng của Du lịch trong hai năm 2016-2017 rất ấn tượng với gần 30% /1 năm, có lẽ hiếm có ngành nào có sự đóng góp lớn như vậy. Tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như vậy và dư địa còn lớn, Du lịch trong những năm tới vẫn sẽ tăng trưởng tốt, vào khoảng 26-27%. Kết quả này là nhờ cả một quá trình, chứ không hẳn là sự phát triển đột biến.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng khách du lịch, chúng ta cũng cần quan tâm đến câu chuyện phát triển bền vững, chất lượng du lịch. Bởi lẽ, khi tốc độ tăng trưởng khách tăng trưởng lớn như vậy, sẽ gây sức ép rất lớn đối với những vấn đề xung quanh như: văn hóa, xã hội, môi trường… Đặc biệt, vấn đề môi trường những năm gần đây là một trong những vấn đề nổi cộm với ngành Du lịch do sức ép lượng khách lớn, đặc biệt là một số khu, điểm du lịch trọng điểm./.

Lâm Minh

 

 

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×