Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa

22/02/2018 | 16:34

Ngày 22/2, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đến thăm và làm việc với toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Du lịch trong dịp đầu năm mới.

Ngành Du lịch cần tiếp tục tiến lên

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng đã ghi nhận những đóng góp, nỗ lực phấn đấu của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, công chức Tổng cục Du lịch đã góp phần làm nên những dấu ấn quan trọng của Du lịch trong năm 2017, giúp Du lịch cùng với Thể thao trở thành hai điểm sáng nhất của ngành VHTTDL và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo tại buổi làm việc

Năm 2017 đã đánh dấu một năm Bộ VHTTDL đảm trách nhiều nhiệm vụ chưa từng có đối với công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực Du lịch, từ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Nghị quyết 08 về Phát triển Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 cùng nhiều Nghị định, Thông tư triển khai Luật Du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 tăng trưởng ấn tượng gần 30%. Đến tháng 1/2018, lượng khách quốc tế cũng tăng trên 40% so với cùng kỳ, mở màn cho một năm mới hứa hẹn nhiều may mắn, thành công cho ngành Du lịch.

Bộ trưởng cho biết, những kết quả ấn tượng đó đã ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua. Tiếp đà tăng trưởng khách này, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Du lịch cần tiếp tục tiến lên, phấn đấu vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch là 15-16 triệu khách quốc tế trong năm 2018. “Thủ tướng giao cho ngành Du lịch trong năm 2018 đón 15-16 triệu khách quốc tế, song chúng ta cần đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu, thu hút ít nhất khoảng 16- 16,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng khoảng trên 20%”- Bộ trưởng giao nhiệm vụ. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng đề nghị ngành Du lịch cần theo dõi lượng khách từng tháng để có những điều chỉnh kịp thời về giải pháp.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, đây là công việc khó khăn và nhạy cảm, đòi hỏi ngành Du lịch dồn nhiều tâm sức. Tuy nhiên, những công việc quan trọng và khó khăn hơn như: tham mưu xây dựng Nghị quyết, Luật Du lịch, các Nghị định, Thông tư triển khai Luật… đều đã trải qua. Do vậy, ngay từ đầu năm 2018, ngành Du lịch cần sớm hoàn thành những đề án còn lại được giao như: Tái cơ cấu ngành Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch, Điều chỉnh chiến lược và quy hoạch du lịch… để tập trung vào công tác tổ chức triển khai cụ thể trong thực tiễn.

Giữ tăng trưởng ổn định đối với thị trường trọng điểm

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho từng lĩnh vực như: Khách sạn, Lữ hành, quảng bá xúc tiến… để Du lịch có nhiều khởi sắc hơn trong năm mới.

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý khách sạn, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Khách sạn tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch. Theo Luật Du lịch 2017, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị ngành Du lịch không gây khó dễ cho DN, tuy nhiên không được buông lỏng quản lý chất lượng. Bộ trưởng đề nghị cần giám sát chặt chẽ công tác xếp hạng sao đối với cơ sở lưu trú có đăng ký xếp hạng, đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với hạng sao được công nhận, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch. Nếu cơ sở nào không đảm bảo chất lượng dịch vụ, đề nghị kiên quyết rút hạng sao và công khai trước công luận để du khách được biết.

Toàn cảnh buổi làm việc

“Nếu chúng ta làm đúng, công khai, minh bạch và làm cho ngành Du lịch tốt hơn thì chắc chắn tất cả mọi người sẽ ủng hộ. Du khách sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ xứng đáng và sẵn sàng chi tiêu. DN cũng được hưởng lợi nếu họ làm tốt” –Bộ trưởng cho biết.

Đối với lĩnh vực Lữ hành, Bộ trưởng cho biết, Luật Du lịch 2017 có nhiều quy định sửa đổi trong lĩnh vực này. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bên liên quan thực hiện, đặc biệt đối với những quy định mới liên quan đến Hướng dẫn viên Du lịch. “Nếu thấy có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Du lịch, chúng ta cần có sự giải thích để công luận hiểu rõ và thực hiện. Ví dụ, đối với những quy định liên quan đến HDV, Luật Du lịch đề ra quy định để bảo vệ quyền lợi cho những HDV hành nghề nghiêm túc, đàng hoàng và cũng là bảo vệ quyền lợi của khách du lịch” – Bộ trưởng cho hay.

Đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Bộ trưởng yêu cầu ngành Du lịch cần triển khai sớm ngay từ đầu năm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước ASEAN, thị trường châu Âu, Tây Âu, Nga, Úc, Mỹ. Bộ trưởng yêu cầu cần giữ tốc độ tăng trưởng ổn định của những thị trường gần và quan trọng như Đông Bắc Á, ASEAN tiếp đến là các thị trường xa và tiềm năng như Tây Âu, Nga, Úc, Mỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, văn hóa cần đi liền với Du lịch, do vậy công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở thị trường quốc tế cần mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Cảm ơn những ý kiến góp ý và chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, chính sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ trưởng trong thời gian qua đã góp phần làm nên những thành công của ngành Du lịch trong năm 2017. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, toàn ngành Du lịch sẽ đồng lòng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Bộ trưởng giao cho, góp phần cùng ngành VHTTDL hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

Lâm Minh - Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×