Đồng Nai: Lan tỏa không khí lễ hội
10/04/2025 | 10:59Với hơn 300 lễ hội diễn ra mỗi năm, Đồng Nai là một trong những địa phương có đời sống lễ hội phong phú, hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Bộ. Nhiều lễ hội truyền thống đã và đang được quảng bá, lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia.

Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Biên Hòa được lập hồ sơ khoa học, đề nghị ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh:C.T.V
Giữa bối cảnh công nghệ phát triển và xu hướng chuyển đổi số lan rộng, việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội đang được Đồng Nai quan tâm, nỗ lực thực hiện số hóa.
Số hóa dữ liệu lễ hội - xu hướng tất yếu
Đồng Nai là địa phương có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Ông, Lễ hội đình Tân Lân, Lễ hội làm Chay miếu Tổ sư, Lễ hội đua thuyền, Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh ở thành phố Biên Hòa; Lễ hội Sayangva và Sayangbri của đồng bào Chơro ở thành phố Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Long Thành; Lễ cúng Yang Bơnơm của đồng bào Mạ, thị trấn Định Quán; Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán… Đây là những lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân.
Vài năm trở lại đây, Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội. Trong đó, nhiều lễ hội đã được xây dựng phương án, lập phiếu và tổ chức điều tra khảo sát, phân loại các loại hình lễ hội, lập biểu thống kê, khảo sát tại địa phương; thu thập thông tin tư liệu, hình ảnh, tổ chức hội thảo, tọa đàm, đánh giá số liệu thu thập. Đặc biệt, một số lễ hội: chùa Ông, làm Chay… đã ứng dụng công nghệ, giới thiệu trên website, mạng xã hội với hình ảnh, video, tư liệu phong phú, cập nhật liên tục, giúp người dân và du khách có thể theo dõi lịch trình và ý nghĩa từng hoạt động.
Trưởng ban Trị sự di tích miếu Tổ sư Trương Lâm Thủy cho biết, Lễ hội làm Chay miếu Tổ sư, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa nhiều năm qua đã được ghi hình, phát sóng trực tiếp (live stream) trên Facebook, YouTube, giúp người dân không thể tham gia trực tiếp vẫn có thể hòa mình vào không khí lễ hội. Đây là lễ hội lớn của người Hoa bang Hẹ ở Biên Hòa - Đồng Nai đã và đang được duy trì, thực hành và quảng bá. Không chỉ là nhịp cầu giao lưu lịch sử, văn hóa mà lễ hội còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, gắn kết cộng đồng và gìn giữ giá trị truyền thống.
“Hiện nay, Lễ hội làm Chay miếu Tổ sư đã được ngành văn hóa lập hồ sơ, đề nghị ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng dân cư ở địa phương mà còn là cơ hội để quảng bá và bảo tồn một di sản văn hóa độc đáo của vùng đất Đồng Nai, Nam Bộ” - ông Thủy chia sẻ.
Năm 2025 là năm Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đánh giá, tổng kết Ðề án Số hóa các dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án được ban hành ngày 16/7/2021 nhằm tổng kiểm kê về lễ hội, gạn lọc để chuẩn hóa thông tin lễ hội; đánh giá và rà soát thực trạng của các lễ hội truyền thống. Qua đó góp phần quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ lễ hội, gìn giữ và quảng bá nét riêng của từng lễ hội. |
Không chỉ các lễ hội có quy mô lớn được tổ chức tại thành phố Biên Hòa, những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như Sayangva, Sayangbri của người Chơro hay Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng tại các huyện và thành phố Long Khánh cũng đang từng bước được số hóa dữ liệu. Các hình ảnh, tư liệu về trang phục, nghi lễ, điệu múa truyền thống của đồng bào đã và đang được Bảo tàng Đồng Nai ghi hình, xây dựng phim tư liệu… góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của các lễ hội.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho hay: “Không chỉ bảo tồn trên cơ sở dữ liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình mà ngành văn hóa Đồng Nai thời gian qua còn phối hợp với ngành Giáo dục mời các già làng, nghệ nhân trình diễn tác phẩm văn hóa để học sinh dân tộc hiểu biết được giá trị văn hóa của dân tộc mình như tổ chức Lễ hội Sayangva, trình diễn kỹ thuật làm rượu cần, các món ăn truyền thống… Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong phát huy và lan tỏa giá trị của di sản”.
Đặc biệt, tại một số di tích nơi diễn ra các lễ hội truyền thống như: Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh; Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (thành phố Biên Hòa) đã được ngành văn hóa, địa phương ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng tour tham quan và thực hiện mã QR. Trong đó, tour tham quan thực tế ảo 360 Di tích quốc gia Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh đã mô phỏng nghe nhìn về di tích, cho phép người dân và du khách được nghe thuyết minh, nhìn xung quanh theo mọi hướng, giống như trong đời thực mà không cần hướng dẫn viên.
Giữ gìn bản sắc, lan tỏa văn hóa trong kỷ nguyên số
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, việc số hóa dữ liệu lễ hội ở Đồng Nai vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các lễ hội hàng năm còn hạn chế, do đó ảnh hướng rất lớn đến các hoạt động số hóa lễ hội. Dù đã có sự quan tâm từ các cấp quản lý, nhưng ngân sách dành cho số hóa lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế trong khi chi phí để xây dựng kho dữ liệu số, đầu tư thiết bị số hóa, bảo trì hệ thống rất lớn. Điều này khiến việc ứng dụng dữ liệu số hóa vào quảng bá, nghiên cứu và phục vụ du khách chưa đạt hiệu quả cao.

Lễ hội đua thuyền truyền thống sông Đồng Nai năm 2025 diễn ra tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: L.Na
Bên cạnh đó, quá trình số hóa không chỉ đơn thuần là quét tài liệu hay quay phim, chụp ảnh mà còn đòi hỏi chuyên môn cao về bảo tồn văn hóa và công nghệ số. Tuy nhiên, lực lượng thực hiện công tác này ở Đồng Nai vẫn còn hạn chế, phần lớn những người làm công tác văn hóa tại địa phương chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ AI, VR trong bảo tồn di sản. Ngoài ra, việc truyền dạy lễ hội chủ yếu vẫn dựa trên hình thức truyền miệng và kinh nghiệm dân gian, chưa có nhiều tư liệu số hóa đầy đủ.
Để vượt qua những thách thức trên, tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh cho rằng, Đồng Nai cần có chiến lược dài hạn, kết hợp giữa bảo tồn truyền thống và ứng dụng công nghệ số. Trong đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu số tập trung, đồng bộ. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn, kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển đội ngũ có hiểu biết sâu về cả di sản văn hóa lẫn công nghệ số; đẩy mạnh huy động vốn xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp…
Trong quý I/2025, Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành sưu tra tư liệu thông tin, điền dã, xây dựng kế hoạch kiểm kê lễ hội truyền thống các dân tộc ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Bên cạnh đó, bảo tàng lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội Xuống đồng) của người Tày ở Định Quán, Tân Phú; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện sách ảnh Các lễ hội đặc sắc ở Đồng Nai - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. |
“Số hóa dữ liệu lễ hội ở Đồng Nai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý văn hóa, cộng đồng địa phương và các chuyên gia công nghệ. Một khi được triển khai bài bản, đây sẽ là cơ hội lớn để bảo tồn và lan tỏa giá trị lễ hội truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa” - tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết nói.
Số hóa dữ liệu lễ hội không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Với những nỗ lực đã và đang triển khai, Đồng Nai đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, góp phần xây dựng một nền văn hóa số phong phú và bền vững.
Theo Báo Đồng Nai