Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các học sinh khối nghệ thuật

01/04/2021 | 16:40

Liên quan tới việc các phụ huynh và học sinh, sinh viên các khóa K2 đến K6 đang học hệ cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam thắc mắc vì không có bằng cấp THCS, THPT và TCCN, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL cho biết, Bộ đã đề xuất những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo của học sinh, sinh viên trường múa các khóa học này.

Đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các học sinh khối nghệ thuật - Ảnh 1.

Bộ VHTTDL đã hoàn thành Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành về đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện lĩnh vực VHNT (ảnh vnexpress.net)

Xung quanh những đề nghị liên quan đến đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam của các phụ huynh học sinh và sinh viên Học viện. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ VHTTDL về vấn đề này?

- Những thắc mắc và bức xúc của học sinh, sinh viên và phụ huynh của các em là có cơ sở. Chúng tôi xin chia sẻ và bày tỏ cảm thông với các em và các bậc phụ huynh. Sự việc của Học viện Múa Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nắm rất rõ. Trong trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL đã và đang rất nỗ lực để cùng với các cơ quan, các Bộ, ngành có liên quan tìm những giải pháp phù hợp về lý, về tình, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em. Học viện Múa Việt Nam cũng đã có Tờ trình gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL nhằm giải quyết các vấn đề trong đào tạo văn hóa phổ thông và cấp bằng TCCN tại Học viện giai đoạn 2012 - 2016. Ngày 26 Tết Nguyên đán vừa qua (tức 4.2.2021), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc cấp Thứ trưởng thống nhất chủ trương về việc giải quyết các vướng mắc trong đào tạo văn hóa phổ thông và cấp bằng TCCN tại Học viện Múa Việt Nam. Theo chủ trương thống nhất giữa 2 Bộ sẽ triển khai quy trình, thủ tục cần thiết để Học viện Múa Việt Nam được phép cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp cho 272 học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện.

Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến việc lỡ nhịp không có bằng trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp THCS, PTTH của học viên Học viện Múa VN?

- Trước tiên, cần xác định tính đặc thù trong công tác đào tạo nhóm ngành nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Múa. Học sinh vào học tại Trường Múa từ lúc còn nhỏ (khi mới học hết lớp 6 hoặc lớp 7,8), vì vậy, học sinh phải tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời với học kiến thức chuyên môn tại Trường. Do đặc thù này, trên cơ sở thỏa thuận của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1017/GDCN ngày 17.2.2004 về việc ban hành Chương trình khung ngành, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1.10.2004 ban hành Chương trình khung giáo dục THCN thuộc nhóm ngành múa. Từ năm 2012 trở lại đây, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS cho học sinh theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5.5.2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28.6.2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT. Căn cứ vào Tờ trình cũng như Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT và Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT đã ban hành thì Học viện Múa Việt Nam đã thực hiện đào tạo theo đúng quy định của Chương trình khung giáo dục THCN thuộc nhóm ngành múa. Theo Chương trình khung giáo dục THCN thuộc nhóm ngành múa thì các môn văn hóa phổ thông được học giảm đi và ưu tiên, tập trung vào các môn học chuyên môn, giúp học sinh, sinh viên có thời gian luyện tập, phát triển năng khiếu vì xác định việc đào tạo mang tính chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật.

Từ năm 2012 - 2013, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) mở thêm hệ đào tạo bậc Cao đẳng diễn viên. Nhà trường đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Theo đó, Nhà trường được lựa chọn phương án tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo đặc thù của nghệ thuật Múa, tuyển sinh và đào tạo diễn viên từ 12 đến 13 tuổi. Chương trình đào tạo đặc thù, liên thông, tích hợp trình độ Trung cấp (giai đoạn 1) và Cao đẳng (giai đoạn 2). Trong quá trình tổ chức đào tạo, Nhà trường đã tổ chức thi chuyển giai đoạn và cho các em tiếp tục học chương trình cao đẳng và cấp bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng. Đây là lý do dẫn đến việc 272 học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại Trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp TCCN. Với số 272 học sinh này, để đảm bảo quyền lợi cho các em, Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ giải quyết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn đồng hành cùng với Nhà trường và Phụ huynh học sinh nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh sinh viên. Chúng tôi mong muốn rằng, các bậc phụ huynh chia sẻ, đồng thuận và đồng hành với chúng tôi trong quá trình giải quyết quyền lợi cho các em.

Đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các học sinh khối nghệ thuật - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL)

Rõ ràng những bất cập trong chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đã khiến Học viện Múa VN cũng như nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật khác của ngành VHTTDL cũng đang gặp khó khăn. Bộ VHTTDL đã có giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề bất cập này?

- Có rất nhiều những thay đổi trong quy định về đào tạo trong thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chịu những ảnh hưởng rất lớn.

Tại nhiều cuộc làm việc giữa các Bộ, ngành cũng đều thấy rất rõ vấn đề mấu chốt là cần thay đổi cách nhận thức và cần có những quy định riêng cho các cơ sở đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật.

Câu chuyện của Học viện Múa Việt Nam cũng như những khó khăn vướng mắc trong tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù hiện nay cần phải có sự vào cuộc xử lý của các Bộ Ngành liên quan để các trường có được những căn cứ pháp lý đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật.

Với trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL cũng đã hoàn thành Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành về đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện lĩnh vực VHNT. Cụ thể, Bộ VHTTDL đã tiếp thu ý kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ,TB&XH. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã có một số giải trình về sự cần thiết của việc tổ chức đào tạo bậc trung cấp các ngành nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục đại học từ độ tuổi, yêu cầu đầu vào và thời gian đào tạo năng khiếu nghệ thuật đòi hỏi ngay từ nhỏ, mô hình đào tạo liên thông, theo hình chóp là cần thiết để đào tạo nghệ thuật. Nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu nghệ thuật, không có nguồn đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp, liên thông thì sự nghiệp phát triển nhân lực văn hóa nghệ thuật sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền- Hồng Hà (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×