Đơn vị của Bộ VHTTDL đạt giải nhất cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông 2023”
12/10/2023 | 15:51Chiều 11/10, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội), Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023.
Lễ trao giải có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, đồng Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; Ông Junichiro Yamamoto - Giám đốc khối hành chính, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; cùng nhiều đại biểu, khách mời khác.
Giải nhất của cuộc thi năm nay thuộc về tác phẩm "Giải pháp cải tạo hệ thống hồ điều hòa/công viên tại Việt Nam trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững" của nhóm nghiên cứu HAC thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Ông Đoàn Trần Đức Hải – trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, thực trạng hồ điều hòa công viên ở Việt Nam bị ô nhiễm mặt hồ (nguồn nước, rác thải); mất an ninh, an toàn; hạn chế khu vực thể thao, văn hóa; cảnh quan, mỹ quan thiếu đồng bộ; kinh phí cải tạo và duy tu, vận hành phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước do đó hạn chế; tắc đường giờ cao điểm xung quanh hồ; thiếu hạ tầng bãi đỗ xe; thiếu nhà vệ sinh,...
Theo ông Hải, "Giải pháp cải tạo hệ thống hồ điều hòa/công viên tại Việt Nam trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững" sẽ đem lại 7 mục tiêu.
Trong đó, mục tiêu giao thông sẽ tạo ra con đường chống tắc trong giờ cao điểm, tạo ra điểm đỗ xe (ô tô và xe máy); huy động nguồn lực tham gia phát triển hạ tầng giao thông hiệu quả (từ tiềm năng sinh lời kinh tế của dự án).
Mục tiêu phát triển giao thông công cộng, hình thành tour du lịch là các ngôi nhà địa phương tại Hà Nội và TPHCM, các điểm đỗ xe đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Mục tiêu an toàn, tạo ra một không gian an toàn (nhiều phương án) trong mọi tình huống và đối tượng, có kết nối phương án đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Mục tiêu vệ sinh, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường hồ do Nhà nước ban hành, dự kiến có khoảng 40 nhà vệ sinh/hồ, 2 trạm xử lý nước/hồ.
Mục tiêu môi trường, đảm bảo hài hòa môi trường xung quanh, không ảnh hưởng đến động, thực vật và con người xung quanh.
Mục tiêu kinh tế, thiết kế giải pháp tài chính đáp ứng hiệu quả kinh tế theo một mô hình dự án đầu tư (đã có phương án tài chính, doanh thu, vận hành cho hồ Ngọc Khánh, Hà Nội).
Mục tiêu thẩm mỹ, cảnh quan, được thiết kế hài hòa với kiến trúc xunh quanh, thẩm mỹ cao, là một điểm nhấn dễ dàng bố trí và tổ chức mô hình phố đi bộ cho các thành phố trong toàn quốc.
Ngoài ra, "Giải pháp cải tạo hệ thống hồ điều hòa/công viên tại Việt Nam trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững" cũng có các giải pháp về hệ thống đỗ xe, đường quanh hồ chống tắc giờ cao điểm, điểm đỗ trạm xe buýt thúc đẩy giao thông công cộng với mô hình tour du lịch, các ngôi nhà địa phương (giới thiệu sản phẩm các tỉnh, thành tại địa phương).
Giải pháp được đánh giá cao nhờ kết hợp đầy đủ các yếu tố về giao thông, an toàn, vệ sinh, môi trường, kinh tế và thẩm mỹ, cảnh quan trong một chương trình phát triển hạ tầng giao thông toàn diện thí điểm thực hiện tại TPHCM. Giải pháp được kỳ vọng là dự án mang tính đột phá, hiệu quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hiệu quả đầu tư công cho quý IV/2023 của Chính phủ và góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho thành phố Hồ Chí Minh.
Ý tưởng xuất sắc nhất trong hơn 1.300 bài dự thi
Ông Hải cho biết thêm, câu chuyện mà nhóm hướng tới là hiệu quả về kinh tế, thúc đẩy đầu tư về giao thông; đối tượng mà giải pháp can thiệp vào là hệ thống hồ điều hòa và công viên hiện tại của TPHCM và Hà Nội.
Ông Đoàn Trần Đức Hải, đại diện nhóm nghiên cứu HAC chia sẻ với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thành Đông).
Về góc độ giao thông, "Giải pháp cải tạo hệ thống hồ điều hòa/công viên tại Việt Nam trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững" có thể tạo ra đường thoát ùn tắc trong giờ cao điểm quanh hồ và tạo ra điểm đỗ xe tĩnh.
Trong tương lai, nhóm mong muốn có dự án thí điểm tại hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) và công viên Gia Định (TPHCM).
Nhóm HAC hi vọng đây sẽ là chương trình thí điểm mang lại động lực mới cho TPHCM trong vấn đề thu hút đầu tư.
Trong giải pháp mà nhóm mới đạt giải nhất có đưa ra giải pháp về tài chính, quản lý, vận hành hồ.
Ông Hải tin rằng "Giải pháp cải tạo hệ thống hồ điều hòa/công viên tại Việt Nam trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững" mà nhóm đưa ra rất khả thi, cũng như đáp ứng về mặt kỹ thuật.
"Là một đơn vị của Bộ VHTTDL, chúng tôi rất mong muốn thông qua giải pháp về hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội trong từng địa phương", ông Hải chia sẻ.
Đánh giá về giải nhất của Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, 1.200 bài dự thi đều xứng đáng đạt giải.
Trong đó, giải mà chúng ta nghĩ đến nhiều nhất là giải về trách nhiệm của người dân đối với xã hội, đối với công tác trật tự an toàn giao thông. Tác phẩm được giải nhất năm nay là ý tưởng xuất sắc nhất trong 1.200 bài dự thi.