Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Độc đáo lễ Bốc mó của người Thổ tại Ngôi nhà chung

24/04/2017 | 11:18

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2017, ngày 23/4, tại làng dân tộc Thổ, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chủ thể văn hóa đến từ tỉnh Nghệ An đã tái hiện lễ Bốc mó- lễ hội truyền thống có từ lâu đời của mình với các cộng đồng đang tham gia hoạt động ở đây và du khách tham quan.

Thày mo thực hiện nghi thức cúng bên ngoài, nơi tượng trưng cho mó nước. Ảnh: Thu Loan

Theo truyền thống của đồng bào, lễ Bốc mó thường được tổ chức vào dịp sau tết Nguyên đán, cuối mùa xuân sang hạ khoảng tháng 4-5 (AL) hàng năm. Với ý nghĩa là lễ cúng khai thông mó nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước mó tuôn chảy dồi dào phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và cho việc tưới tiêu của cả cộng đồng.

Mở đầu, thày mo thực hiện nghi thức cúng trong nhà, báo cáo và xin các vị thần linh chứng giám. Sau đó, thày cúng vái tứ phương, vái thần bếp. Lễ vật cúng gồm: 1 cỗ xôi gà; bánh đầu chó; rượu cần…

Sau đó các lễ vật cúng được đưa ra ngoài nhà, phía bãi đất trống có khu vực tượng trưng cho mó nước. Ông mo ngồi cúng phía trước, dân làng xếp hàng phía sau, nam ngồi ngay phía sau ông Mo, nữ thành 2 tốp tiếp theo. Thày mo làm lễ cúng tế, cầu xin thần Mó, thổ công Long mạch, thổ thần thổ Địa, phù hộ độ trì cho nước mó tuôn chảy không ngừng nước về đầy đồng, ao chuôm đầy nước, mùa màng tốt tươi. Sau mỗi lần  thày mo cúng và vái lạy xong, dân làng vái lạy theo, bộ gõ (cồng chiêng, kèn ô loa, trống cái, bục bục, xập xoèng) sẽ được dân làng tấu lên.

Kết thúc nghi thức cúng, các điệu múa và lời ca được cất lên, mừng thông mó và ăn mừng vui hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi… Du khách tham dự lễ hội cùng thưởng thức xôi, bánh, uống rượu cần và nhảy múa.

Lan Phạm

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×