Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm việc với Bộ VHTTDL
10/07/2018 | 15:30Sáng nay (10/7), Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Làm việc với Đoàn Kiểm tra có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Cùng dự có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.
Toàn cảnh cuộc họp
Triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Bộ VHTTDL đã xây dựng, ban hành kế hoạch CCHC năm 2017 và 2018 trên cả 7 nội dung và triển khai đến các đơn vị thuộc Bộ. Về cơ bản, việc thực hiện CCHC của Bộ được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Năm 2017, Bộ đã triển khai thực hiện 59/59 hoạt động, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Trong năm 2018, Bộ đã hoàn thành 20/53 hoạt động và đang triển khai thực hiện 33 hoạt động còn lại.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã chủ động thực hiện, bám sát thực tiễn hoạt động ngành. Cụ thể, trong năm 2017, Luật Du lịch (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thể dục thể thao được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2018.
Năm 2017 và nửa đầu năm 2018, Bộ đã tổ chức 23 đoàn thanh tra hành chính và chống tham nhũng; 221 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; Tiếp nhận 254 đơn thư khiếu nại, tố cáo và chuyển 73 đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Ban hành 13 công văn hướng dẫn, trả lời đơn thư cho công dân; Giải quyết 6.707 hồ sơ đề nghị cấp phép.
Về sử dụng quản lý biên chế công chức và viên chức, Bộ giao 6.803 chỉ tiêu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 501 chỉ tiêu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tự đảm bảo chi thường xuyên; 185 chỉ tiêu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam và 41 chỉ tiêu trực thuộc Tổng cục TDTT. Dự kiến, sang năm 2018, con số này sẽ giảm khoảng 708 chỉ tiêu so với năm 2016, khoảng 9,89%.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc
Thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng về việc thực hiện kiện toàn cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quản lý, xác định rõ vai trò tầm quan trọng chiến lược của công tác cán bộ, Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức chuyên nghiệp, chuyên trách năng động, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi tuyển, thăng hạng và nâng ngạch, sử dụng biên chế, lao động của các cơ quan, đơn vị được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao sự phát triển của ngành VHTTDL trong thời gian vừa qua. Đồng thời cho biết, trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng đã biểu dương Bộ trưởng cũng như ngành VHTTDL về tốc độ tăng trưởng đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ, số lượng khách khách du lịch quốc tế ngày càng đông, doanh thu du lịch ngày càng lớn, nhiều địa phương trong cả nước đã thành công trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể là tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, du lịch đã góp phần lấp khoảng trống về thu nhập của người dân đối với vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, vấn đề CCHC đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng theo đánh giá chung thì kết quả phát triển của ngành đã chứng minh cho công tác cải cách hành chính.
Nói về những kết quả đạt được của ngành VHTTDL thời gian qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có sự chỉ đạo sát sao trong việc ban hành những văn bản, kế hoạch CCHC theo quyết định của Chính phủ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số chỉ đạo điều hành đạt số điểm tương đối tốt.
Cùng với đó, Bộ VHTTDL không phải là đơn vị nợ đọng văn bản nhiều thông qua việc hoàn thành tất cả các nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương và các Bộ, ngành; 5/74 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ chi thường xuyên; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng đã kết nối thành công trong hệ thống thông tin đối với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam để hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong việc thực hiện QĐ 225 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 mà trọng tâm là tăng cường chỉ đạo điều hành và kiểm tra giám sát; Kịp thời chấn chỉnh, hạn chế trong thời gian qua; Gắn nhiệm vụ người đứng đầu với nhiệm vụ cải cách hành chính.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, Bộ sớm tham mưu cho Chính phủ để triển khai có hiệu quả thực hiện Nghị quyết 19 ngày 15/5/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp; Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện theo tinh thần Nghị định 79 về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ Bộ VHTTDL trong việc sắp xếp các đơn vị thuộc và trực thuộc, chú ý phải thực hiện giảm đầu mối, giảm cơ cấu bên trong các đơn vị, sắp xếp trên tinh thần 1 phòng không quá 7 người.
Đẩy mạnh cải cách về vấn đề công vụ, công chức, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để phù hợp với thực tế các đơn vị; Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá chỉ số sự hài lòng của người dân đối với cải cách hành chính.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, năm 2018 Bộ sẽ cương quyết không để xảy ra việc nợ đọng văn bản. Liên quan đến vấn đề tự chủ, Bộ trưởng cho biết, ngành VHTTDL có sự đặc thù nhất định, vì vậy việc tự chủ cần triển khai theo từng giai đoạn.
Đối với việc sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức theo chức năng nhiệm vụ, hiện Bộ cũng đang chấp hành rất nghiêm túc, quy định là 1 cục không được quá 4 phòng. Đối với các tồn tại, hạn chế mà thành viên đoàn công tác đã nêu, Bộ cũng sẽ tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Thế Công