Đô thị cổ Hội An và di tích Cố đô Huế: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy
23/07/2025 | 15:36Khu di sản phố cổ Hội An và Quần thể di tích Cố đô Huế với đặc trưng phần lớn là dày đặc công trình kiến trúc gỗ, trong đó có những điểm tham quan được thắp hương nên công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng.

Diễn tập PCCC tại phố cổ Hội An
Trong mùa cao điểm nắng nóng 2025, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Một số di tích đã bị “bà hỏa” viếng thăm, gần đây nhất là di tích quốc gia chùa Báo Quốc ở Hưng Yên. Thành phố Huế và Đà Nẵng, nơi có các khu di sản văn hóa thế giới đã và đang tổ chức các biện pháp, không chủ quan trong mùa nắng nóng.
Xây dựng phương án PCCC cho từng di tích ở Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế với hệ thống nhiều di tích trải dài từ trung tâm thành phố cho đến khu vực đồi núi vùng ven. Trong đó, đa số là các công trình di tích kiến trúc gỗ; nhiều di tích nằm ở khu vực ven rừng thông và xa trung tâm thành phố như lăng Gia Long, lăng Khải Định, lăng Đồng Khánh; hay di tích nằm trọn trong khu dân cư như lăng Dục Đức; và nhiều di tích có miếu, điện thờ cúng…
Do đó, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn rất lớn khi vào mùa cao điểm nắng nóng, đặc biệt dịp hè lượng du khách tham quan và thắp hương tăng cao. Chính vì thế, công tác PCCC luôn được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quan tâm hàng đầu, vừa để bảo vệ công trình di sản cũng như đảm bảo an toàn cho du khách và lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm tham quan.
Công tác PCCC tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế với lực lượng chính là gần 150 nhân sự của Phòng Quản lý bảo vệ (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế). Nhiều năm qua, đơn vị đã bố trí lực lượng bảo vệ ở 20 di tích trọng yếu, cùng với đó là trang bị hệ thống thiết bị PCCC và tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên bảo vệ và các Phòng, ban của trung tâm.
Trước mùa cao điểm nắng nóng 2025, đơn vị cũng diễn tập với các tình huống giả định cụ thể khi xảy ra hỏa hoạn tại di tích điện Hòn Chén, đàn Nam Giao, lăng Gia Long…

Di tích Thế Miếu là công trình kiến trúc gỗ truyền thống nên lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ
Ông Trần Đình Thân, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), thông tin: Từng điểm di tích đều xây dựng phương án PCCC riêng với nòng cốt là lực lượng bảo vệ, nhân viên tại chỗ hằng ngày phối hợp với chính quyền địa phương.
Ở các điểm như lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao… hằng năm vẫn duy trì đường ranh chắn lửa. Ngoài ra, ở các lăng có trồng nhiều thông như lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, đàn Nam Giao... thì thường xuyên tổ chức cào lá thông để phòng tránh nguy cơ cháy lây lan.
Cùng với đó, đơn vị cũng thường xuyên cắt cử người kiểm tra ở khu vực vùng đệm của di tích, vùng rừng giáp ranh vì nguy cơ người dân đốt thực bì, đốt vàng mã gây cháy để kịp thời khống chế, không để hỏa hoạn ảnh hưởng đến các di tích.
Thực tế hằng năm vẫn xảy ra một số vụ cháy nhỏ ở rừng vùng ven di tích các lăng nhưng lực lượng bảo vệ di tích và chính quyền địa phương, người dân trong khu vực đã nhanh chóng dập tắt, đảm bảo an toàn. Mùa nắng nóng năm 2024, chánh điện của Thuyền Lâm (số 150 Điện Biên Phủ, TP Huế) cũng đã bị hỏa hoạn thiêu rụi gần như toàn bộ nội thất và thiệt hại nặng nề.
Dù ngôi chùa chưa được công nhận là di tích nhưng là địa điểm lưu dấu lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở Huế. Hay trước đó, mùa hè năm 2022, một vụ cháy xảy ra ở khuôn viên di tích Quốc Tử Giám (thời điểm đó là trụ sở của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế), mặc dù các hiện vật đã nhanh chóng được di dời kịp thời nhưng khu nhà bị hư hại và đến nay đang chờ tu bổ...
Tại khu di sản Đại Nội Huế, nơi tập trung nhiều công trình di tích quan trọng bậc nhất và hầu hết là công trình kiến trúc gỗ truyền thống, lực lượng bảo vệ vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng, hướng dẫn du khách đồng thời tuyên truyền đến người tham quan về việc giữ gìn môi trường, không hút thuốc lá ở khu vực nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là ở các điểm có dâng hương như Thế Miếu, Triệu Miếu.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, đơn vị cũng đã xây dựng phương án, đảm bảo an toàn công tác PCCC & CNCH cho các lễ hội diễn ra trên địa bàn di tích, các hoạt động lễ hội của Festival bốn mùa trải dài trong năm, lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ tế đàn Nam Giao, lễ cầu siêu ở đàn Âm Hồn, các sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm diễn ra trên địa bàn di tích...

Nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cào lá thông ở khu vực đàn Nam Giao đề phòng hỏa hoạn
Hội An xây dựng hệ thống PCCC tự động 200 tỉ đồng
Trong khu đô thị cổ Hội An hiện có 1.143 di tích, chủ yếu trong khu phố cổ với tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đa phần các công trình cấu kiện bằng gỗ, hàng trăm năm tuổi, hệ thống chữa cháy sơ sài. Hơn 70% số đó là sở hữu của tư nhân, nằm liền kề nhau, phần lớn kết hợp ở và kinh doanh với nhiều mặt hàng dễ cháy.
Toàn bộ các trục đường trong khu vực bảo vệ I đều có di tích với mật độ dày đặc khác nhau, tập trung chủ yếu là các tuyến đường chính: Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng…
Toàn bộ kết cấu của kiến trúc nhà cổ ở Hội An đều sử dụng bằng vật liệu gỗ, tiềm ẩn nguy cơ dễ cháy và để lại hậu quả nặng nề khi xảy ra cháy. Đường vào khu phố cổ, các kiệt, hẻm nhiều, nhỏ hẹp nên xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Có thể kể đến những vụ cháy ở trung tâm phố cổ như: Cháy nhà cổ 95 Nguyễn Thái Học năm 2022; sự cố chập điện một cửa hàng kinh doanh vải cũng trên tuyến đường Nguyễn Thái Học năm 2016; cháy cửa hàng bán đồ lưu niệm số 134 Trần Phú năm 2013,…
Khi xảy ra hỏa hoạn tại các ngôi nhà trong khu phố cổ, dù lực lượng chức năng nhanh chóng huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy song hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Nhiều di tích phải đóng cửa trùng tu trong một khoảng thời gian dài, dù đảm bảo giữ đúng thiết kế ban đầu nhưng về mặt lịch sử sẽ bị suy giảm đáng kể. Mới đây nhất, vào chiều 13.6, một vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà kinh doanh mặt hàng lưu niệm như túi vải, lồng đèn, bưu thiếp tại đường Trần Quý Cáp, gần chợ Hội An, ngay trong khu vực trung tâm khu phố cổ Hội An.
Rất may, người dân đã phát hiện kịp thời, Ban Quản lý chợ Hội An đã kích hoạt hệ thống PCCC của chợ, kéo đường ống nước phối hợp với người dân và lực lượng chức dập tắt, không để lây lan.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, khoảng 15 năm trước, Hội An đã đầu tư lắp đặt ống dẫn nước và đường dây cứu hỏa ở tất cả các tuyến phố đi bộ, thế nhưng hiện nay hệ thống này đã xuống cấp trầm trọng, không thể vận hành. Hiện Hội An đang gấp rút hoàn tất dự án đầu tư xây dựng công trình PCCC khu phố cổ Hội An với tổng kinh phí 200 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Đây là dự án quy mô đầu tư lớn, bài bản nhất từ trước đến nay, áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật để bảo vệ, phòng cháy chữa cháy đến từng di tích. Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó nổi bật là đầu tư hệ thống báo cháy địa chỉ thông minh (báo cháy tự động) cho 37 nhà di tích loại đặc biệt, 70 nhà di tích loại 1; đầu tư lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy vách tường trong công trình khoảng 41 nhà loại đặc biệt và 86 nhà loại 1; hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler cho các di tích loại đặc biệt (10 nhà) thuộc sở hữu của nhà nước…
Thời gian qua, Hội An cũng chú trong phát huy vai trò của “Tổ liên gia an toàn PCCC”, duy trì mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” tại 100% thôn, khối phố. Vào mùa cao điểm nắng nóng, dịp lễ hội, các cơ quan chức năng cũng tổ chức tổ tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC kết hợp thực tập phương án PCCC tại khu dân cư, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ dân, vận động mỗi gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, mở lối thoát hiểm…
Trung tá Đặng Ngọc Tân, Trưởng Công an phường Hội An cho biết, là phường trên địa bàn khu phố cổ với hàng nghìn di tích nhà cổ, là địa phương trọng tâm về phát triển kinh tế du lịch, nơi tập trung các cơ sở kinh doanh, buôn bán, du khách,… nên ngay sau sáp nhập, đơn vị đã khẩn trương phân công nhiệm vụ các cán bộ chiến sĩ, các tổ công tác để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ các thủ tục hành chính công cho người dân trên địa bàn phường, cũng như triển khai công tác kiểm tra phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.