Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm sáng trong lĩnh vực văn hóa, gia đình 2017

02/02/2018 | 08:00

Trong năm qua, công tác văn hóa, gia đình đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

 

“Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp
và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thêm  02 di sản được UNECO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Trên lĩnh vực di sản, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước. Thể chế, chính sách  trong lĩnh vực di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực. Nổi bật, trong năm qua, “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản. Tổng số di tích quốc gia hiện có 3.447 di tích (năm 2017 là 55); di tích quốc gia đặc biệt là 95 (năm 2017 là 10);  bảo vật quốc gia có 142 (năm 2017 là 24); di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 228 (năm 2017 là 37); đã có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên 62/63 tỉnh/thành. Hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với 159 bảo tàng, gồm 125 bảo tàng công lập, 34 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ trên 3 triệu tài liệu, hiện vật.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhiều chuyển biến

Công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng. Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg  ngày 09/5/2017 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trình Thủ tướng Chính phủ.

Việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa được quan tâm, triển khai sâu rộng ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa; Làng, thôn, bàn ấp, tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả. Thiết chế văn hóa cơ sở ở các cấp cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các ngành; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của nhân dân trong lễ hội được nâng lên; những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, các tập tục mang yêu tố bạo lực đã có sự chuyển biến và giảm nhiều so với mùa lễ hội trước, như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức công khai chém lợn giữa sân đình, Hội Đả cầu cướp phết xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) không tổ chức cướp phếp mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) chia đội và khoanh khu vực chơi; Lễ hội Đông Cuông Yên Bái bỏ tục treo cổ trâu; Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) không tổ chức lễ phát ấn…

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Biểu diễn múa Dân tộc Dao. Nguồn: tuyenquang.gov.vn

Tăng cường xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong năm qua được tổ chức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc được tổ chức, đáp ứng đời sống tinh thần nhân dân, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, nổi bật là các hoạt động như: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ I tại tỉnh Tuyên Quang; Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII tại tỉnh Bạc Liêu; Ngày hội trình diễn cây Nêu các dân tộc Việt Nam tại Quảng Nam; Ngày hội VHTTDL vùng biên giới Việt - Lào tại Sơn La.

Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dành cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số được tăng cường. 

Kiện toàn mạng lưới thư viện

Trên lĩnh vực Thư viện, trong năm qua, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Thư viện, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần phát triển hệ thống thư viện toàn quốc. Mạng lưới thư viện trong cả nước được kiện toàn, đặc biệt là thư viện cơ sở. 

Chỉ tính riêng hệ thống thư viện công cộng tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt tăng 8% so với năm 2016; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt tăng 20% so với năm 2017; số thẻ bạn đọc đạt 481.000 thẻ tăng 3% so với năm 2016.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. (Nguồn: sggp.org.vn)

Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX 

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ han hành Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/5/2017 phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiêu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”,  xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. 

Việc tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ I với 129 bộ phim, 85 buổi chiếu và hơn 15.000 lượt khán giả là điểm nhấn trên lĩnh vực điện ảnh năm qua.

Cả nước hiện có 277 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 12 triệu lượt khán giả vùng miền núi, biển đảo. Năm 2017, số lượng phòng chiếu phim hiện có 740 phòng với hơn 111.000 ghế, ước tính doanh thu từ chiếu phim đạt 3.250 tỷ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp.

Triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nghệ thuật biểu diễn

Cụ thể, công tác thẩm định hồ sơ, cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thực hiện theo đúng quy định. Thẩm định hồ sơ, ban hành 12 giấy phép tổ chức cuộc thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu trong đó có 04 cuộc thi Hoa hậu trong nước và quốc tế (gồm: “Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017”, “Hoa bậu Đại dương 2017”, “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” và “Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017”); 22 giấy phép cho phép 23 thi sinh tham dự các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế;  phối hợp với các tỉnh/thành kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Cục NTBD, Bộ VHTTDL  đã tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thế thao và du lịch; Tổ chức 06 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.  Các Nhà hát trực thuộc Bộ có nhiều đổi mới trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện công văn 2662. Ảnh: Gia Linh

Tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Trình ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm và các Thông tư hướng dẫn trong mỹ thuật, nhiếp ảnh. 

Sự kiện nổi bật trên lĩnh vực MTNATL năm qua là việc tổng kết công tác quản lý ngành MTNATL giai đoạn (2014-2017) và sơ kết 03 năm thực hiện không sử dụng các sản phẩm, linh vật ngoại lai ở nơi công cộng. Năm 2017, Cục MTNATL, Bộ VHTTDL đã thẩm định, cấp phép 103 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh theo thẩm quyền. 

Bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan

Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành “Nghị định (sửa đổi) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ quyền tác giả, quyền liên quan". Tổ chức triển khai hiệu quả các Đề án, kế hoạch về quyền tác giả và các quyền liên quan. Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng hồ sơ gia nhập hai Hiệp ước WCT, WPPT.

Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL năm 2017 đã thụ lý và cấp 6.619 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyên liên quan; Tiếp nhận, giải quyết 27 vụ việc khiếu nại tố cáo vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày hội Gia đình Việt Nam 2017. Nguồn: toquoc.vn

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Công tác gia đình trong năm qua được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Nhờ vậy, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, vị trí, của gia đình được nâng lên; công tác phối hợp liên ngành trong công tác gia đình đã có bước chuyển biến quan trọng.

Với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", các địa phương đã lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Hiện nay, đã có 02 Bộ và 38 tỉnh, thành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” bằng nhiều hoạt động với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, triển khai tới các địa phương. 

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được duy trì và nhân rộng với sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×