Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 4/3/2024
04/03/2024 | 11:25Trần Quyết Chiến xuất sắc vô địch World Cup billiards carom 3 băng; Hát Quan làng ở Tuyên Quang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Việt Nam liên tiếp đón du khách quốc tế cao cấp bằng đường tàu biển là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Văn hóa ngày 4/3 đưa tin:
Văn hóa có sứ mệnh thiêng liêng, là "sợi dây" gắn kết tình hữu nghị
Phát biểu tại buổi làm việc với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, văn hóa có sứ mệnh thiêng liêng, củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc. Làm tốt công tác ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối để Việt Nam gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia. Trong công tác ấy, các Trưởng cơ quan đại diện đóng vai trò như "cánh tay nối dài", giúp văn hóa Việt vươn tầm quốc tế.
Hướng tới Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10: Mong đợi những khoảnh khắc thăng hoa
Khoảnh khắc tôn vinh và được tôn vinh tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đang được hồi hộp đón chờ và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho giới văn nghệ sĩ cũng như đông đảo khán giả. Chia sẻ về danh hiệu NSND được phong tặng, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi bày tỏ: "Khi hay tin mình có tên trong danh sách được phong tặng đợt này, tôi rất xúc động và vô cùng vinh dự, tự hào. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu là hạnh phúc lớn lao và phần thưởng vô giá, đây chính là động lực để mỗi nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, làm tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với nền nghệ thuật nước nhà".
Tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất
Nhằm triển khai Kế hoạch số 390-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch số 690/KH-BVHTTDL tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025). Các hoạt động được tổ chức nhằm tổng kết, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Hà Nội nhìn lại 405 lễ hội tổ chức đầu xuân Giáp Thìn: Lan tỏa tích cực nhưng vẫn còn "hạt sạn"
Một diện mạo khởi sắc, an toàn và lành mạnh là những "từ khóa" được Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh trong chuyển biến ở mùa lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024. Tuy nhiên, cũng theo Sở VHTT Hà Nội, mặc dù đã có những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức nhưng tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra những bất cập, hạn chế. Đơn cử, một số lễ hội còn có hiện tượng bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công suất lớn; vẫn còn các trò chơi ăn tiền, xem bói, giải quẻ ở một số lễ hội…Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội lưu ý, đánh giá, ghi nhận những chuyển biến, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh bất cập là việc cần làm ngay, chuẩn bị cho khoảng hơn 1.000 lễ hội sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm.
Từ chuyện kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Tiến tới xây dựng "văn hóa rạp chiếu"
Những ngày qua, sau khi báo chí và dư luận thông tin về tình trạng một số khán giả chưa đủ 18 tuổi vào rạp xem phim Mai (dán nhãn 18+, cấm người xem dưới 18 tuổi), Thanh tra Bộ VHTTDL đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương vào cuộc. Theo ghi nhận của Văn Hóa, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ, Các địa phương đã tiến hành kiểm tra rất tích cực việc khán giả chưa đủ tuổi nhưng vẫn vô tư vào xem phim! Qua đây, dư luận nêu vấn đề "cần tiến tới xây dựng văn hóa trong rạp chiếu phim, vấn đề lâu nay dường như ít được nhắc đến".
Hỗ trợ hơn 23,6 tỉ đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài chòi
Đề án quy định mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X. Tổng kinh phí đề án hơn 23,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 17,8 tỉ đồng, còn lại là ngân sách từ các địa phương, được triển khai tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên toàn địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2030, chia thành 2 giai đoạn 2024-2025 và 2026-2030.
- Báo điện tử Tổ quốc ngày 4/3 đưa tin:
Đầu tư cho văn hóa là điều vô cùng cần thiết và cấp thiết
Tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra mới đây, nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, khát khao cống hiến của mình cho sự phát triển của đất nước. Đề cập đến vấn đề đầu tư cho văn hóa, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, có nhiều người lên tiếng về con số 350.000 tỉ đồng chi cho việc chấn hưng văn hóa và cho rằng chúng ta tiêu quá nhiều tiền, thậm chí là lãng phí. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, nhiều anh em trong giới văn chương, và cá nhân ông cho rằng 350.000 tỉ vẫn là con số rất ít. Bởi, để đầu tư văn hóa là vô cùng lớn.
- Báo Tiền phong ngày 3,4/3 đưa tin:
Phim lịch sử sau cơn sốt Đào, phở và piano: Khán giả đòi hỏi, nhà làm phim kêu khó
Nhìn nhận thị trường điện ảnh cởi mở hơn với dòng phim lịch sử, nhiều nhà làm phim mong muốn thử sức với mảng đề tài "khó nhằn" này. Tuy nhiên, các nhà làm phim cho rằng, để phim lịch sử ra rạp, cạnh tranh doanh thu còn đó nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
NSND Tống Toàn Thắng: Doanh thu vượt 200%, tiền bồi dưỡng cho diễn viên xiếc không quá 200.000 đồng
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - tự hào khoe năm 2023 nghệ sĩ vượt mức 150% số buổi biểu diễn, vượt mức 200% doanh thu. Tuy nhiên nghệ sĩ vẫn đang chịu sự bất cập do chịu sự chi phối của quy định, tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên không vượt quá 200 nghìn đồng.
Xuất bản sách điện tử bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết đặc biệt quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng". Toàn văn bài viết được ấn hành trong phiên bản sách điện tử mới nhất.
Địa đạo Củ Chi đang được làm thủ tục để trở thành Di sản thế giới
Là một trong những công trình ngầm vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, Địa đạo Củ Chi đang được ngành văn hoá triển khai làm các thủ tục để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
- Báo Dân trí, Vietnamnet, Dân việt, Đài Phát thanh và Truyên hình Hà Nội,... ngày 3/3 đưa tin:
Cục Điện ảnh: "Đào, phở và piano" đạt 10 tỷ đồng doanh thu
Cục Điện ảnh cho biết, tính đến hiện tại, bộ phim "Đào, phở và piano" đã đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Việc một tác phẩm được làm từ ngân sách Nhà nước như Đào, phở và piano làm nên hiện tượng phòng vé khiến nhiều người cũng tò mò về doanh thu của phim đạt được. Hiện tại, Cục Điện ảnh là đơn vị nắm được thông tin doanh thu chính xác của Đào, phở và piano do hệ thống bán vé trực tuyến của Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) vẫn chưa hoạt động trở lại. Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 1/3, đại diện phòng Phổ biến phim - Cục Điện ảnh - cho biết, sau 20 ngày ra rạp, Đào, phở và piano đã ghi nhận doanh thu 10 tỷ đồng.
- Báo Thanh niên ngày 3,4/3 đưa tin:
Từ Đào, phở và piano, tìm đột phá cho phim nhà nước
Nhìn sâu hơn vào "cơn sốt" Đào, phở và piano là cần thiết để giải quyết những bó buộc, vướng mắc giúp phim nhà nước thoát khỏi tình trạng đầu tư tiền tỉ rồi "cất kho" và đến với công chúng rộng rãi hơn. Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hoài Sơn (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, nhìn nhận sự quan tâm đặc biệt với phim Đào, phở và piano vừa qua cho thấy tín hiệu tích cực với các phim do nhà nước đặt hàng.
Đào, phở và piano mà doanh thu càng cao, rạp phim càng lỗ
Bàn về những khó khăn khi sản xuất, phát hành phim lịch sử do nhà nước đặt hàng, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ. Điều này xảy ra bởi Đào, phở và piano là phim nhà nước đặt hàng, mọi doanh thu của phim sau đó sẽ được nộp hết về ngân sách nhà nước và chủ rạp không được chia phần trăm doanh thu.
Vườn âm nhạc: Không gian nghệ thuật đặc biệt tại Nhà hát Lớn
Chính thức khai trương cuối tuần qua, Vườn âm nhạc (Music Garden) tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội, một trong những địa chỉ văn hóa quan trọng được ví như "thánh đường nghệ thuật". Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, công trình đặc biệt này vẫn đang được bảo tồn, phát huy giá trị, tiếp tục tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự mở rộng giao lưu văn hóa trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay.
- Báo Lao động ngày 3/3 đưa tin:
Điện ảnh Việt cần "Mai", "Đào..." và hơn thế nữa
Điện ảnh Việt Nam cần những gì để phát triển đáp ứng được với nhu cầu của khán giả, nhưng cũng để phục vụ cho "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" mà Chính phủ đã phê duyệt? Thực tế từ những bộ phim làm trong những năm gần đây có thể gợi ý cho câu trả lời về vấn đề này. Về lâu dài Nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Cục Điện ảnh phải đóng một vai trò lớn hơn. Thị phần thị trường phim ảnh không thể chỉ nằm phần lớn trong tay tư nhân, mà Nhà nước cũng nên phát triển một hệ thống rạp, chứ không thể chỉ trông cậy vào một Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Chờ phim về đề tài công nhân
Linh Anh, tác giả bài viết cho biết khi gấp lại những trang cuối cùng cuốn tiểu thuyết "Hoa xương rồng" của nhà văn Nguyễn Trí, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: "Nếu tiểu thuyết này chuyển thể thành một bộ phim truyện, liệu có được đón nhận? Liệu có thể trở thành một hiện tượng của điện ảnh?". Vấn đề ở đây còn là sự đầu tư. Có thể là Nhà nước đặt hàng nhưng sự trông đợi vào sự thành bại, có lẽ là ở những nhà sản xuất tư nhân. Giá trị của điện ảnh không phụ thuộc vào nguồn tiền nào mà ở chỗ nó tác động lên xã hội, lên nhận thức của người xem ra sao.
- Báo Tuổi trẻ ngày 3/3 đưa tin:
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: 'Nói Đào, phở và piano là hiện tượng thì hơi quá lời'
Sáng 3-3, tại không gian Cà phê thứ 7 (Hà Nội) diễn ra chuyên đề điện ảnh Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano, với sự tham gia của hai đạo diễn Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn. Cả hai bộ phim đều làm về cùng một giai đoạn lịch sử: Hà Nội những năm 1946, 1947. Đào, phở và piano bất ngờ gây sốt phòng vé thời gian qua nhờ hiệu ứng của mạng xã hội. Từ đây, nhiều khán giả trẻ "lục lại" Hà Nội mùa đông năm 46 - phim của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh làm cách đây gần 30 năm trước.
-TTXVN ngày 3/3 đưa tin:
Hát Quan làng ở Tuyên Quang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 2/3, Lễ hội "Hương sắc Na Hang năm 2024" đã khai mạc tại Quảng trường thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là lần thứ 2 Lễ hội "Hương sắc Na Hang" được tổ chức nhằm quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, con người Na Hang, với những sản phẩm du lịch độc đáo của huyện tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, hàng hóa của địa phương. Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hát Quan làng của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:
"Bình an không nằm ở việc đốt nhiều hay ít vàng mã" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 01/3 trên VTV1. Theo Chương trình, Thờ cúng, thắp hương vào các ngày Rằm, mùng 1 và dịp lễ, Tết trong năm vốn là nét văn hóa tâm linh của người Việt. Với quan niệm trần sao âm vậy, nhiều gia đình đã mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi đến quần áo, điện thoại, tivi… Tuy nhiên, gần đây thói quen này đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, an toàn và tiết kiệm hơn.
2.Lĩnh vực Thể thao
-Báo Thể thao và Văn Hóa, báo VietNamnet, báo Người Lao Động và nhiều báo khác ngày 4/3 đưa tin: "Trần Quyết Chiến vô địch World Cup billiards carom Bogota 2024" cho biết: Đánh bại cơ thủ hạng 7 thế giới người Ai Cập Sameh Sidhom trong trận chung kết rạng sáng 4-3, Trần Quyết Chiến lần thứ ba trong sự nghiệp lên ngôi vô địch World Cup billiards carom 3 băng, giải mới nhất diễn ra tại Bogota - Colombia. Để góp mặt ở trận đấu cuối cùng của chặng World Cup tại Nam Mỹ, Trần Quyết Chiến đã giành thành tích toàn thắng tại vòng bảng. Anh vượt qua cơ thủ hạng 9 thế giới Tasdemir Tayfun (Thổ Nhĩ Kỳ) tại vòng 16, loại tiếp đồng hương của Tasdemir là Kiraz Tolgahan (hạng 18) ở tứ kết, thắng Glenn Hofman (Hà Lan, hạng 47) ở bán kết. Trần Quyết Chiến sinh năm 1984, từng xếp hạng 3 thế giới, năm lần vào chung kết World Cup và ba lần lên ngôi chức vô địch. Trước giải đấu ở Bogota, Quyết Chiến xếp thứ 5 thế giới và có thể cải thiện vị trí sau khi đăng quang ở Colombia.
-TTXVN ngày 4/3 đưa tin:
Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé tham dự Olympic Paris 2024
Theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để hoàn thành mục tiêu đề ra là có từ 12 - 15 suất tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 (sẽ chính thức diễn ra từ ngày 26/7 - 11/8), các môn thi đấu trọng điểm của Thể thao Việt Nam đang tăng tốc tìm kiếm những tấm vé tham dự chính thức sự kiện thể thao đa môn lớn nhất hành tinh.
V.League 1:2023-2024: Thành phố Hồ Chí Minh cải thiện vị trí sau khi thắng Bình Dương
Trong khuôn khổ vòng 12 V.League 1:2023-2024, tối 3/3 trên sân vận động Thống Nhất, đội chủ nhà Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh bại đội đang xếp thứ hai trên bảng xếp hạng là Becamex Bình Dương với tỉ số 1 - 0 nhờ bàn thắng duy nhất của Võ Huy Toàn. chiến thắng tối thiểu 1 – 0 đủ giúp chủ nhà Thành phố Hồ Chí Minh có được trọn vẹn 3 điểm, qua đó cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng. "Chiến hạm đỏ" đã có được 18 điểm và vươn lên vị trí thứ 6. Trong khi đó, thất bại này khiến Bình Dương bị đội đầu bảng Nam Định nới rộng khoảng cách trong cuộc đua vô địch. Đội bóng Đất Thủ vẫn giữ vị trí thứ hai với 23 điểm nhưng đã kém Nam Định tới 5 điểm.
Bế mạc giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ 18, năm 2024
Sau 6 ngày thi đấu sôi nổi, hấp dẫn, tối 3/3, tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức bế mạc và trao thưởng các đội có thứ hạng cao tại giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ 18, năm 2024. Giải đấu khép lại bằng trận chung kết ở nội dung nam giữa đội chủ nhà LPBank Ninh Bình và đội Biên phòng. Kết quả chung cuộc, đội Biên phòng giành chiến thắng tuyệt đối với tỷ số 3 - 0, tỷ số lần lượt các set là 18-25, 21-25 và 20-25. Với kết quả này, đội Biên phòng giành Cúp Vô địch giải đấu; đội LPBank Ninh Bình xếp thứ Nhì và đội Thể công đứng ở vị trí thứ Ba.
- Các Báo: Tiền phong, Pháp luật và Xã hội, Tin tức, Người Lao động,...ngày 2,3/3 đưa tin:
Dừng công tác 4 huấn luyện viên bị tố 'ăn chặn' tiền thưởng
Từ ồn ào vụ việc VĐV Phạm Như Phương "tố" bị các HLV "ăn chặn" tiền thưởng, được chấm công, nhận lương "khống" vào các ngày chủ nhật, nghỉ lễ dù không tập luyện, Cục Thể dục thể thao đã có quyết định tạm dừng công tác huấn luyện đối với 4 HLV ở đội tuyển nữ Thể dục dụng cụ Quốc gia sau khi xác nhận có sai phạm liên quan. Sau sự việc, phía Cục TDTT yêu cầu tăng cường chấn chỉnh, công tác kiểm tra, giám sát các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia trong việc triển khai kế hoạch huấn luyện năm, chu kỳ huấn luyện theo giải đấu chính thức trong năm. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với lực lượng HLV và VĐV.
- Các Báo: Thanh niên, Văn hóa, Lao động, VietnamPlus,... ngày 3/3 đưa tin:
Nguyễn Thùy Linh giành ngôi Á quân giải cầu lông Đức mở rộng 2024
Tối 3.3, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh (hạng 23 thế giới) để thua Mia Blichfeldt (Đan Mạch, hạng 22 thế giới) ở chung kết nội dung đơn nữ giải cầu lông Đức mở rộng và đoạt danh hiệu á quân. Phần thưởng cho cô là 7.980 USD (gần 200 triệu đồng) và 5.950 điểm. Với số điểm này, Nguyễn Thùy Linh sẽ trở lại tốp 20 thế giới trong lần công bố tuần tới. Với tổng cộng 54.150 điểm, Nguyễn Thùy Linh cũng cầm chắc trong tay tấm vé tham dự Olympic Paris 2024.
- Các Báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Người Lao động,... ngày 3/3 đưa tin:
Danh sách chính thức 23 cầu thủ tham dự Giải U20 nữ châu Á 2024
Sau khi cân nhắc và xem xét quá trình tập luyện cũng như thể trạng của các cầu thủ, ngày 03/3, huấn luyện viên Akira Ijiri và các cộng sự đã quyết định danh sách 23 cầu thủ sẽ tham dự Vòng chung kết U20 nữ châu Á 2024 tại Tashkent, Uzbekistan. Đội tuyển U20 nữ Việt Nam sẽ đá trận mở màn giải vào lúc 18 giờ ngày 04/3 gặp Nhật Bản, trên sân vận động JAR (theo giờ Việt Nam).
- Báo Văn hóa ngày 3/3 đưa tin:
Kon Tum: Gần 1.200 vận động viên tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ cộng đồng
Sáng 3.3, tại Sân vận động tỉnh Kon Tum, Sở VHTTDL phối hợp với Hội Liên hiệp hụ nữ tỉnh tổ chức Lễ phát động tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, đồng diễn dân vũ năm 2024. Chương trình nhằm chào mừng Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Thể thao Việt Nam (27.3.1946 – 27.3.2024), kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3.
- Báo điện tử VTCNews ngày 3/3 đưa tin:
Tuyển TDDC lập quỹ ngoài quy định: Có sự đồng thuận của gia đình VĐV
Sau khi xác minh việc lập quỹ không có trong quy định ở đội tuyển Thể dục dụng cụ Quốc gia, Cục Thể dục thể thao yêu cầu ban huấn luyện chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của tất cả các quỹ này. Bên cạnh đó, các huấn luyện viên phải có buổi làm việc với toàn thể các phụ huynh vận động viên để thống nhất hướng xử lý các khoản tiền quỹ đã đóng. Trong báo cáo gửi Bộ VHTTDL, Cục TDTT làm rõ việc huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy lập 2 khoản quỹ, gọi là "quỹ trung tâm" và "quỹ đối nội, đối ngoại". Các khoản đóng góp của 2 quỹ này đều được thông báo công khai với VĐV và gia đình, cũng như các HLV và có sự đồng thuận của các bên.
HLV bị tố kê khống tiền công: Không xác định được sai phạm để hoàn trả ngân sách
Theo báo cáo xác minh của Cục Thể dục thể thao, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chi 200 triệu đồng tiền công tập luyện Chủ nhật và ngày lễ cho đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia trong 3 năm từ 2021 đến 2023. Tuy nhiên, Cục TDTT không thể xác minh chính xác số ngày tập thực tế của từng vận động viên, do đó không xác định được sai phạm cụ thể để hoàn trả tiền cho ngân sách. Cục TDTT đánh giá Phòng quản lý huấn luyện, Ban giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã buông lỏng quản lý, chưa giám sát chấm công chặt chẽ theo quy định nên đã để xảy ra tình trạng trên.
- Báo Tuổi trẻ ngày 3/3 đưa tin:
Lê Tú Chinh bị cấm thi đấu 2 năm nếu đến nơi mới, vì sao?
"Nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh đã có quyết định ra khỏi đội tuyển điền kinh TP.HCM từ ngày 1-1 để thực hiện nguyện vọng chuyển đến đơn vị khác. Dù vậy, nếu đầu quân cho đơn vị mới, cô sẽ bị cấm thi đấu 2 năm theo quy định của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết quy định của Việt Nam được tham khảo từ cách làm của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) trong việc chuyển nhượng VĐV quốc tế. Quy định này đứng trên bình diện một VĐV cụ thể có thể có chút thiệt thòi nhưng lại giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của Việt Nam được bền vững.
- Báo Văn hóa ngày 4/3 đưa tin:
Thi đấu hết sức mình
Vào lúc 18h hôm nay 4.3 (giờ Việt Nam) tại Tashkent (Uzbekistan), đội tuyển U20 nữ Việt Nam sẽ thi đấu trận ra quân bảng B VCK U20 nữ châu Á 2024, đồng thời cũng là vòng loại World Cup U20 nữ 2024 gặp U20 nữ Nhật Bản. Thử thách là rất lớn nhưng các học trò của HLV Akira Ijiri sẽ cố gắng thi đấu hết sức để hướng đến một kết quả khả quan nhất.
- Báo Lao động ngày 4/3 đưa tin:
Chuyện bữa ăn của tuyển thủ Olympic
Hiếm khi bếp ăn của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội có sự xuất hiện của truyền thông, báo đài. Cũng như, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục thể thao trực tiếp vào nhà ăn kiểm tra bữa ăn và trao đổi cùng các tuyển thủ. Trao đổi với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục thể thao ngay tại bàn ăn, tất cả tuyển thủ đều khẳng định các món ăn, thực phẩm mình được hưởng theo chế độ trọng điểm hiện lúc này là ngon, đầy đủ, hợp khẩu vị.
- Báo Quân đội nhân dân ngày 4/3 đưa tin:
Nỗ lực tích điểm
Chức vô địch đơn nam Giải cầu lông Uganda International Challenge 2024 giúp Lê Đức Phát được cộng 4.000 điểm thưởng, tăng 14 bậc từ vị trí 86 lên 72 thế giới. Cơ hội tham dự Olympic Paris 2024 rộng mở hơn khi tay vợt sinh năm 1998 đang xếp hạng 34/34. Cũng như nhiều môn thể thao khác tại Olympic, cầu lông cũng áp dụng xét vé tham dự tới các tay vợt thông qua thứ hạng. Điều đó đòi hỏi các VĐV cầu lông phải không ngừng tập luyện và thi đấu các giải quốc tế.
- Báo Vietnamnet ngày 4/3 đưa tin:
Tuyển Việt Nam: Cần ông Troussier thực dụng để đấu Indonesia
HLV Troussier có lẽ cần toan tính và thực dụng hơn khi tái đấu Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 nhằm hoàn thành mục tiêu về thành tích cho tuyển Việt Nam. Nhiều năm luôn được đánh giá nhỉnh hơn so với Indonesia, nhưng giờ thời thế đã khác buộc tuyển Việt Nam hay ông Troussier phải chơi một cách thực dụng hơn thay vì cố gắng theo đuổi lối chơi tấn công chưa thành hình một cách quá rõ ràng của mình. Chỉ có thế tuyển Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu giành vé đi tiếp, trái lại rất dễ nhận về kết quả tương tự như tại Asian Cup khi Indonesia giờ rất khác.
3.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Văn hóa ngày 4/3 đưa tin:
Yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh tại khu du lịch trái phép trên đèo Hải Vân
UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng vừa thông tin, phường đã ra Thông báo về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh đối với chủ đầu tư khu du lịch hoạt động trái phép Đồi Cừu Hải Vân. Theo đó, bà Võ Thị Dũng, người được Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân giao khoán sử dụng đất rừng khu vực trên từ năm 2007, còn ông Đào Quốc Uy, người được bà Võ Thị Dũng ủy quyền sử dụng lại, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, tham quan chụp hình tại khu vực rừng Cầu Đôi, thuộc tiểu khu 4A (phường Hòa Hiệp Bắc).
- Báo Tiền phong ngày 4/3 đưa tin:
Việt Nam vào danh sách 'nghỉ xả hơi' hấp dẫn nhất thế giới
Tạp chí Lonely Planet nhận định Việt Nam trở thành một trong những nơi phù hợp nhất thế giới cho sinh viên "nghỉ xả hơi" sau khi tốt nghiệp bởi chi phí phải chăng, thời tiết ấm áp. Lonely Planet gợi ý nhiều nơi hấp dẫn dọc theo "dải đất hình chữ S" như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long.
- Báo Đại đoàn kết ngày 4/3 đưa tin:
Khai thác du lịch: Tránh lai căng văn hóa
Để thu hút du khách, việc xây dựng những sản phẩm độc đáo là điều cần thiết. Về lâu dài, du lịch muốn phát triển bền vững chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hóa của dân tộc. Du lịch Việt Nam đã và đang phát huy khá tốt những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến đã xây dựng, sáng tạo ra những chương trình, sản phẩm hấp dẫn mà vẫn thấm đẫm bản sắc dân tộc.
- Báo Đầu tư ngày 4/3 đưa tin:
Quảng Nam có giải pháp gì để trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế?
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe... Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, tỉnh Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng về cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
- Báo điện tử Tổ quốc ngày 4/3 đưa tin:
Phát triển sản phẩm du lịch di sản: Khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững
Tại Tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch di sản trong khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An" vừa được tỉnh Ninh Bình tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Sơn Tùng khẳng định, với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất cố đô Hoa Lư, cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc phát triển các sản phẩm du lịch Di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch. Các chuyên gia nhận định trong tương lai, những di tích khảo cổ cần tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn tốt, đặc biệt cần được phát huy tốt giá trị trong đó có việc khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững.
-TTXVN ngày 3/3 đưa tin:
Ngành du lịch bị tác động ra sao khi tăng trần giá vé máy bay từ đầu tháng 3?
Từ đầu tháng 3/2024, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Điều này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành lo ngại sẽ có nhiều thay đổi trong các tour nội địa. Việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 đã có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Bởi hiện nay, giá tour khai thác bằng hàng không đang được các công ty lữ hành điều chỉnh theo hướng tăng. Điều này cũng cho thấy, ngành du lịch nội địa sẽ thêm khó khi cạnh tranh với du lịch nước ngoài.
Việt Nam liên tiếp đón du khách quốc tế cao cấp bằng đường tàu biển
Trong tháng 3, Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhiều đoàn khách quốc tế cao cấp bằng đường tàu biển. Những du khách này sẽ trải nghiệm văn hóa, du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Mới đây nhất, ngày 2/3, tàu biển Azamara Journey (thuộc hãng Azamara Cruises) mang theo trên 700 khách quốc tịch Âu, Mỹ, Úc đã cập Cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Dự kiến trong 4 ngày (từ ngày 2 - 5/3), đoàn du khách sẽ tham quan tại TP Hồ Chí Minh và sau đó tàu sẽ di chuyển đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để tham quan tại đây.
Xây dựng hình ảnh du lịch Điện Biên thân thiện, an toàn và văn minh
Ngày 2/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị gặp mặt đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, nhằm chuẩn bị tốt cho các sự kiện lớn trong Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024; Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh cũng từng bước xây dựng hình thành đặc trưng bản sắc du lịch theo phương châm: "thân thiện, an toàn, văn minh, độc đáo", để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn bè, du khách, tạo đà bứt phá trong phát triển du lịch.
- Báo Lao động ngày 3/3 đưa tin:
Trung Quốc và Thái Lan hưởng lợi khi bước vào "kỷ nguyên miễn visa"
Trung Quốc và Thái Lan chính thức miễn visa song phương từ tháng 3/2024, mở ra cơ hội tăng cường hoạt động du lịch, giao thương. Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Sudawan Wangsuphakijkosol, Trung Quốc là thị trường nguồn hàng đầu của Thái Lan trong năm nay, với hơn 1,1 triệu lượt khách tính đến ngày 25.2, trong tổng số gần 6 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi việc miễn visa có hiệu lực và số lượng chuyến bay đến Thái Lan ngày càng tăng do một số hãng hàng không cung cấp.
Phú Quý sẽ trở thành điểm đến nói không với rác thải nhựa
Du khách được khuyến khích không mang rác thải nhựa lên đảo; các chuyến tàu cao tốc đưa khách ra đảo Phú Quý không sử dụng chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi nylon... Theo ông Lê Quang Vinh - Bí thư Huyện ủy đảo Phú Quý, từ nay, 100% chuyến tàu vận chuyển khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý không sử dụng chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần; 100% ca nô đưa khách ra đảo hòn Tranh và các đảo nhỏ không sử dụng sản phẩm nhựa.
-Báo Tin Tức ngày 3/3 đưa tin:
Để du lịch đô thị bứt phá - Bài 1: Điểm đến phổ biến trong các hành trình
Trên bản đồ du lịch nước ta có nhiều điểm đến là các đô thị - nơi có hệ sinh thái sôi động về văn hóa, thương mại và cộng đồng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng, hài hòa giữa khai thác và bảo tồn các giá trị của đô thị, nhất là đô thị có cảnh quan môi trường thiên nhiên nổi bật, di sản văn hóa là vấn đề được quan tâm. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này qua hai bài viết chủ đề: Để du lịch đô thị bứt phá.
Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh từ 7 - 17/3 sẽ có nhiều hoạt động thú vị
Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu Áo dài Việt Nam", diễn ra từ ngày 7 - 17/3. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh không chỉ là một hoạt động văn hóa - du lịch thường niên của ngành du lịch mà còn được định hướng là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Qua 9 lần tổ chức, lễ hội nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và du khách, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
- Báo Tuổi trẻ ngày 3/3 đưa tin:
Du lịch hè lo ế ẩm, rất gay vì giá vé máy bay
Vé máy bay đã đắt lại còn tăng trần, nhiều công ty du lịch lo ngại giá vé cho cao điểm du lịch hè năm nay khó giảm, thậm chí còn tăng. Một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thương mại của hãng bay có quy mô lớn tại Việt Nam cho biết việc nới trần giá chặng bay nội địa giúp hãng bay điều chỉnh mức giá linh hoạt, phù hợp với các chi phí đầu vào để tăng chất lượng dịch vụ. Khi nới giá trần, mặt bằng giá vé chưa tăng ngay, hãng bay còn đánh giá nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn dịp lễ 30/4 và hè, giá vé sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo cung cầu.
- Báo Thanh niên ngày 3/3 đưa tin:
Cao điểm hè có 'mất nhiệt' vì giá vé máy bay?
Ngày 01/3, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực. Việc tăng trần giá vé máy bay vào đúng giai đoạn khủng hoảng lịch sử được coi là "tấm phao cứu sinh" cho các hãng bay để bù đắp chi phí do càng bay nhiều, càng nhọc nhằn gánh lỗ trước đó. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) du lịch lại như ngồi trên lửa bởi giá vé máy bay tăng đúng dịp trước thềm cao điểm du lịch 30/4 – 01/5 và mùa hè sắp tới có thể gây tác động rất lớn tới ngành du lịch.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 3/3 đưa tin: "Phụ nữ Bộ đội Biên phòng: Nhiều mô hình ý nghĩa giúp phụ nữ và trẻ em nghèo ở biên giới" cho biết: Đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trên từng cương vị công tác, cán bộ, hội viên Phụ nữ Bộ đội biên phòng đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cụ thể, các tổ chức Hội Phụ nữ các đơn vị đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, với nhiều mô hình tiêu biểu như: "Ngày phụ nữ vì cộng đồng" với các hoạt động hướng về biên giới và chăm lo hậu phương quân đội của Hội Phụ nữ BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình "Chống rác thải nhựa" hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong gia đình, đơn vị và trên địa bàn của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Quảng Bình; "Bát cháo tình thương" cấp phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Hà Tĩnh; "Con bò 1.000 đồng" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Trà Vinh; "Báo cũ cho em" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Phú Yên; "Ổ bánh mì nơi biên giới" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Quảng Trị; "Heo đất góp yêu thương" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Quảng Ngãi..., đã giúp đỡ được nhiều phụ nữ, trẻ em biên giới có hoàn cảnh khó khăn.