Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/12/2020

23/12/2020 | 15:18

Hội An giới thiệu chương trình du lịch hấp dẫn dịp Tết Nguyên đán; Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trao giải thưởng của Hội năm 2020 cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc; công bố 5 đề cử chính thức của giải thưởng Fair Play 2020 của bóng đá Việt Nam là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Nhân Dân ngày 23/12 đưa tin:

Triển lãm tác phẩm của ba gương mặt họa sĩ đồ họa

Tối 22-12, tại Hà Nội, Lunet Art Galerie đã khai mạc Triển lãm mỹ thuật: "Khắc họa", giới thiệu các tác phẩm của ba họa sĩ đồ họa nổi tiếng: Trần Nguyên Đán, Lê Mai Khanh và Phạm Khắc Quang. Tập trung về đồ họa tạo hình, triển lãm mỹ thuật "Khắc họa" giới thiệu bộ tuyển tập khoảng 50 tác phẩm của ba gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu với những quan điểm, cách nhìn nhận và biểu hiện riêng biệt, mang phong cách đặc trưng.

Đổi mới để thúc đẩy điện ảnh phát triển và hội nhập

Cùng với nhiệm vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với mục tiêu khuyến khích sự chuyên nghiệp, đổi mới, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh phát triển hơn.

Báo chí góp phần đổi mới nông thôn

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức, các diễn giả đã nêu bật vai trò của báo chí, truyền thông trong việc song hành với chương trình "Xây dựng nông thôn mới". Sau hơn sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước đã có nhiều thay đổi: Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện hơn, các công tác khuyến nông, lâm, ngư đã đạt hiệu quả tốt hơn.

- Báo Hà Nội mới ngày 23/12 đưa tin:

Văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy trách nhiệm xây dựng Thành phố sáng tạo

Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội, ngày 22-12, tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát huy vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo". Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất cho rằng, hiện Hà Nội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Thành phố sáng tạo và thành phố cũng đưa ra nhiều kế hoạch để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo.

Bốn tác giả xuất sắc giành Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2020

Ngày 22-12, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trao giải thưởng của Hội năm 2020 cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã xét chọn trao giải thưởng cho 4 tác phẩm: "Chuỗi mộng" (gỗ sắt, Lê Trọng Nghĩa, Bình Định, giải Nhì), "Ông hút thuốc bà ăn trầu" (sơn dầu, Phùng Quốc Trí, Hà Nội, giải Nhì), "Bình minh trên vùng cao" (acrylic, Trương Mạnh Sáng, Bắc Kạn, giải Ba), "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" (sách, Trang Thanh Hiền, Hà Nội, giải Ba).

Tự hào chương trình "Sáng mãi niềm tin theo Đảng"

Tối 22-12, Chương trình nghệ thuật "Sáng mãi niềm tin theo Đảng" đã diễn ra xúc động và tự hào tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Thông qua các tiết mục nghệ thuật, chương trình thể hiện những giá trị đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phản ánh sinh động quá trình hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020), kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020)..., đồng thời ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.

-TTXVN ngày 22/12 đưa tin:

Chương trình Hòa nhạc Giáng sinh 2020 miễn phí phục vụ công chúng

Tối 22/12, tại nhà thờ Lớn (Hà Nội), các nghệ sỹ nhạc cổ điển trẻ đã cùng biểu diễn những bản nhạc kinh điển trong buổi hòa nhạc mừng Giáng sinh 2020. Chương trình do nhóm Maestoso tổ chức phối hợp với Inspirito School of Music và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, mở cửa tự do cho công chúng. Chương trình hoà nhạc Giáng sinh năm 2020, cũng là chương trình thứ 5 trong chuỗi hoà nhạc tại nhà thờ Cathedral Concert Series. Nhiều gương mặt trẻ nổi bật của làng nhạc cổ điển Việt Nam tham gia biểu diễn trong chương trình như Lưu Đức Anh (ảnh), Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Duy Long, Hoàng Hồ Thu, Ngô Phương Vi, Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Đăng Quang, Phó Duy Phương, Vũ Hoàng Cương, Nguyễn Thiện Minh, Nguyễn Huyền Anh, Phan Đỗ Phúc...

Giới thiệu bức tranh khắc gỗ ý nghĩa về tình quân dân

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), 31 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2020), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tác phẩm "Đón bộ đội về bản" của họa sĩ Cao Trọng Thiềm. Họa sĩ Cao Trọng Thiềm sinh năm 1942, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam (1966 - 1979) giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đang diễn ra ác liệt. Ông đi khắp các tỉnh thành, lấy tư liệu viết tin, bài, chụp ảnh tư liệu và chính thực tế làm báo đã mang lại cho ông nhiều trải nghiệm, cảm xúc cho các sáng tác hội họa.

Phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ

Ngày 22/12, tại Trà Vinh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp với Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo "Ngôn ngữ và sự phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam bộ". Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến trong nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số...

- Báo Văn hóa ngày 22/12 đưa tin: "Thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia" cho biết: Sáng 22.12, Trường ĐH Mở TP.HCM phối hợp với Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM tổ chức Chương trình kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Indonesia – Việt Nam (30.12.1955 - 30.12.2020). Hoạt động nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Mở TP.HCM và các trường ĐH của Indonesia, các doanh nghiệp Indonesia thông qua ghi nhớ hợp tác với Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM. Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu kiến thức về đất nước và con người Indonesia, những nét văn hóa truyền thống và tình hình kinh tế, chính trị của Indonesia, góp phần nâng cao và ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn…

- Báo điện tử VOV ngày 23/12 đưa tin: "Mặt trái của thị trường mua bán tranh trực tuyến" cho biết: Nhiều nghệ sĩ và cả công chúng còn ngần ngại với thị trường mỹ thuật online là tình trạng thật - giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này đang diễn ra tràn lan. Ở phóng sự "Ngồi nhà mua bán tranh" phần nào cho chúng ta thấy sự sôi động của những giao dịch mỹ thuật online và những lợi ích của loại hình này đem lại. Đó là một xu thế trong thời đại công nghệ số: mua nhanh – bán tiện. Giúp cho việc kết nối họa sĩ, nhất là họa sĩ trẻ và công chúng nhanh chóng, các giao dịch mua bán diễn ra nhanh dễ dàng. Nhưng bên cạnh những thuận lợi đó, mua bán tranh trực tuyến vẫn có những hạn chế.

- Báo Vietnamplus ngày 23/12 đưa tin: "Phim tài liệu Việt Nam về nữ lao động giành giải thưởng tại Mỹ" cho biết: "Lên thành phố" với những câu chuyện đời của nữ lao động trẻ nhập cư trên địa bàn Hà Nội đã được trao giải thưởng tại Liên hoan phim "Những thành phố tốt đẹp hơn" năm 2020 tại Mỹ. Thông tin từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 22/12 cho biết bộ phim tài liệu "Lên thành phố" với những câu chuyện đời của nữ lao động trẻ nhập cư trên địa bàn Hà Nội đã được trao giải thưởng "Phim tài liệu về Thế hệ tương lai xuất sắc nhất" (The Best next gen award) tại Liên hoan phim "Những thành phố tốt đẹp hơn" năm 2020 (Better Cities film festival 2020) tại Mỹ.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 23/12 đưa tin: "Cần thêm nhiều cơ hội cho tài năng sân khấu kịch nói" cho biết: Mặc dù sân khấu kịch nói được cho là không thiếu đội ngũ nghệ sĩ kế cận tài năng nhưng để đội ngũ này thực sự được phát huy, tỏa sáng trên sân khấu hiện tại thì không hẳn dễ dàng. Những ngày giữa tháng 12, khán giả yêu sân khấu Thủ đô Hà Nội có dịp chứng kiến cuộc so tài nhiều kịch tính của 63 gương mặt trẻ trong cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2020. Đây cũng là một trong những cuộc thi tài năng có sự tham gia của đông đảo thí sinh nhất được tổ chức trong năm 2020.

2.Lĩnh vực Du lịch

-Truyền hình Thông tấn, báo Văn hóa và nhiều báo khác ngày 23/12 đưa tin: "Xông đất Hội An" kích cầu du lịch cho biết: Tối 22/12, Trung tâm văn hóa thể thao Hội An và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại thành phố này tổ chức công bố chương trình kích cầu du lịch đặc biệt mang tên "Xông Đất Hội An- Khai xuân đầu năm, nhanh tay hái lộc" nhằm thu hút du khách trong nước trở lại phố cổ trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu sắp tới. Chương trình “Thức giấc và Xông đất Hội An” mừng năm mới Tân Sửu 2021 thuộc dự án “Wake up Hoi An” do nhóm cộng đồng doanh nghiệp du lịch-dịch vụ ở TP Hội An cùng liên kết thực hiện nhằm khôi phục và phát triển du lịch Hội An. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo các điểm nhấn với mong muốn truyền tải thông điệp Hội An là điểm đến an toàn, lý tưởng, hấp dẫn và đã sẵn sàng chào đón du khách quay trở lại.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/12/2020 - Ảnh 1.

“Thức giấc và Xông đất Hội An” với các hoạt động làm không gian phố cổ sống động trở lại sau dịch Covid-19 - Ảnh: Báo Văn hóa

-TTXVN ngày 23/12 đưa tin: "Trải nghiệm du lịch hồ Hòa Bình" cho biết: Với phong cảnh sông núi đẹp, hùng vĩ, cảnh quan nguyên sơ và đa dạng các hệ sinh thái, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi". Cùng với những xóm, bản bình yên nằm dọc hai bên bờ cùng sông nước mênh mang cùng núi rừng huyền bí, hồ Hòa Bình đang trở thành một điểm trải nghiệm hấp dẫn được rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Người dân nơi đây đang hướng đến phát triển mạnh các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

- Báo Vietnamplus ngày 23/12 đưa tin:

Quảng Nam phát huy thương hiệu Một điểm đến, hai di sản thế giới

Vai trò của hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn trong phát triển du lịch đã tạo động lực mạnh mẽ để đưa tỉnh Quảng Nam phát triển trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung. Những ngôi nhà với mái ngói cổ kính, giàn hoa giấy rủ xuống những mảng tường rêu phong, ánh đèn lồng lung linh của phố cổ Hội An; sự trầm mặc tĩnh lặng của thánh địa Mỹ Sơn - đã và đang tạo nên sức hút kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước, khi đến Quảng Nam - nơi được biết đến với "Một điểm đến-Hai Di sản."

Du lịch Quảng Ninh: Tự làm mới bằng các dịch vụ hấp dẫn

Tuy "bão COVID-19" khiến 2020 trở thành 1 năm đầy khó khăn cho du lịch, nhưng Quảng Ninh đã kịp thời làm mới mình để chuyển hướng mạnh mẽ phục vụ khách nội địa với những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn. Không chỉ tiên phong trong các giải pháp thông minh cho phát triển du lịch, thời gian qua Quảng Ninh còn là địa phương tích cực tự làm mới mình bằng các dịch vụ khác biệt để hấp dẫn du khách. Đặc biệt, một số sản phẩm nổi trội sẽ được địa phương tập trung phát triển là du thuyền ngủ đêm trên vịnh, khinh khí cầu tham quan vịnh Hạ Long, lặn ngắm san hô… sẽ được tập trung phát triển trong thời gian tới.

Thừa Thiên-Huế: Bảo tồn và phát huy Khu chứng tích Lao Thừa Phủ

Tại Khu chứng tích Lao Thừa Phủ, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên yêu nước. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết để phát huy giá trị khu chứng tích Lao Thừa Phủ, thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng đề cương trưng bày thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm tái hiện không gian nhà tù nơi đây với tinh thần anh dũng, chí khí hiên ngang, kiên cường bất khuất của các chiến sỹ cách mạng. Điều này nhằm góp phần giới thiệu đến du khách về lịch sử yêu nước bất khuất của dân tộc, đồng thời là một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Du lịch Tết Dương lịch: Hứng gió lạnh miền Bắc hay phơi nắng phương Nam

Tận hưởng kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021 kéo dài trong 3 ngày, nhiều người đang lên kế hoạch cho những chuyến "đổi gió" tại các điểm đến chào năm mới lí tưởng trên khắp dải đất hình chữ S. Nếu muốn "săn mây", "đón tuyết" như mùa đông Châu Âu thì Sa Pa là một lựa chọn không thể bỏ qua. Tại đây, du khách được trải nghiệm đi cáp treo lên núi dài nhất thế giới, đứng giữa "biển mây" trên đỉnh Fansipan kỳ vĩ, bất ngờ với băng tuyết phủ kín cây cỏ và những mái nhà đơn sơ...

- Báo Văn hóa ngày 22/12 đưa tin: Làng hoa Sa Đéc tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng ở các điểm du lịch đón khách tại Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã bắt đầu nhộn nhịp các hoạt động trang trí tiểu cảnh, khánh tiết, sẵn sàng phục vụ cho khách tham quan. Càng gần về những ngày cận tết Nguyên đán, tại các điểm tham quan, du lịch trong làng hoa Sa Đéc đã nhộn nhịp không khí tết. Nhiều điểm đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị để đón khách tham quan

-Báo Nhân Dân ngày 23/12 đưa tin: "Độc đáo du lịch miệt vườn miền tây" cho biết: Sau những trải nghiệm ở các địa điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ, tôi chợt nhận ra rằng, bên cạnh những chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, Thiền viện Trúc Lâm phương nam, Cồn Sơn hay vườn cò Bằng Lăng… điều gây nhiều ấn tượng với tôi lại chính là vườn ca-cao Mười Cương. Bởi tại đây có rất nhiều điểm độc đáo để thấy được sự khác biệt giữa du lịch Cần Thơ với các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay cụ thể là giữa những miệt vườn.

- Báo điện tử VOV ngày 23/12 đưa tin: "Covid-19, nỗi ám ảnh của người làm du lịch" cho biết: Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã phá vỡ cấu trúc, kế hoạch của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch, dịch vụ... Du lịch quốc tế đóng băng khiến lao động mất việc làm, doanh nghiệp lao đao, loay hoay tìm cách trụ qua giai đoạn khó khăn. Xác định dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nhưng các ngành kinh tế, trong đó có du lịch, dịch vụ phải xây dựng kịch bản để tự cứu mình đến khi có vắc-xin phòng bệnh. Năm 2021, dự báo du lịch chưa thể bùng nổ, nhưng các đơn vị kinh doanh, chính quyền cần bình tĩnh xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn để phục hồi du lịch, với nguyên tắc kích cầu nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng.

- Báo Kinh tế Đô thị ngày 23/12 đưa tin: "Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 - Miền di sản hứa hẹn nhiều hấp dẫn" cho biết: "Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 - Miền di sản" sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ thứ Bảy (26/12/2020) tại Khu du lịch Bái Tử Long. Chương trình "Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 - Miền di sản" là một trong những hoạt động nhằm kích cầu nội địa và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu đón 3 triệu khách du lịch trong quý IV năm 2020. Chương trình có sự trình diễn 17 bộ sưu tập áo dài đặc sắc của 18 nhà thiết kế tiêu biểu trong nước, kể câu chuyện về những di sản của tỉnh Quảng Ninh bằng sự sáng tạo trên chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.

3.Lĩnh vực Thể thao

- TTXVN ngày 23/12 đưa tin:

Tính chuyện đường dài cho đội tuyển U22 Việt Nam

Nhằm phục vụ công tác chuyên môn cho ĐTQG và tuyển U22 Quốc gia hướng tới các mục tiêu quan trọng của năm 2021, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã lên kế hoạch tổ chức hai trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển vào ngày 23 và 27/12. Việc tổ chức hai trận đấu giao hữu nói trên được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm công tác chuyên môn cho đội tuyển quốc gia Việt Nam hướng tới các nhiệm vụ sắp tới, trong bối cảnh các hoạt động thi đấu quốc tế vẫn đang bị ngưng trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo HLV trưởng Park Hang-seo, mục đích chính của Ban huấn luyện đặt ra cho 2 trận đấu giao hữu này là kiểm tra đánh giá lực lượng và thử nghiệm lối chơi đối với cả hai đội tuyển.

Tích cực chuẩn bị để tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11

Ngày 22/12, tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các Tiểu ban đã họp về công tác chuẩn bị Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dự và chủ trì cuộc họp. Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, trong thời gian qua, Tổng cục Thể dục thể thao với vai trò là cơ quan thường trực Ban tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 đã triển khai nhiều hạng mục công việc.

5 đề cử cho giải thưởng Fair Play trong lĩnh vực bóng đá năm 2020

Hội đồng thẩm định giải thưởng Fair Play (báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh) đã công bố 5 đề cử chính thức từ hơn 10 đề cử do giới chuyên môn, nhà báo, người hâm mộ, bạn đọc... bình chọn. Gần cuối trận đấu của cuộc so tài giữa hai đội HA Gia Lai và Sài Gòn FC trên sân Pleiku ở V-League 2020, khi thực hiện pha ném biên, cầu thủ Thanh Thụ đã ném bóng thẳng vào mặt của cầu thủ Hồng Duy của đội chủ nhà. Pha bóng đã nhận nhiều chỉ trích từ dư luận.

Tổng kinh phí cho Olympic và Paralympic Tokyo tăng lên 15,8 tỷ USD

Ủy ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ngày 22/12 đã công bố ngân sách thứ năm, đưa tổng chi phí cho hai sự kiện này tăng lên 1.640 tỷ yen (15,8 tỷ USD), do việc trì hoãn một năm liên quan đến đại dịch COVID-19. Ngân sách dành cho các sự kiện trên tăng 294 tỷ yen cho các chi phí liên quan đến việc tổ chức các địa điểm thi đấu và làng vận động viên, trong đó có 96 tỷ yen cho các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch tại các cuộc thi đấu.

- Báo Nhân Dân ngày 22/12 đưa tin: "Than Quảng Ninh tuột dốc: Bao giờ như ngày xưa?" cho biết: Được đánh giá cao tại V-League, thế nhưng Than Quảng Ninh lại đang trải qua quãng thời gian tồi tệ nhất kể từ khi thành lập. Sự thờ ơ của nhà tài trợ, cùng những khoản đầu tư không hợp lý đã khiến đội bóng của Chủ tịch Phạm Thanh Hùng phải "lèo lái" trong gian khó, sa sút tài chính trong suốt hai năm qua.

- Báo Đời sống Việt Nam ngày 23/12 đưa tin "HAGL lọt top những đội bóng nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Á" cho biết: Theo thống kê từ AFC, HAGL và HÀ Nội FC đã góp mặt trong top 10 đội bóng nổi tiếng và được yêu thích nhất ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, 10 đội bóng nổi tiếng nhất Đông Nam Á gồm có bốn đại diện của Indonesia (Persija Jakarta, Persib Bandung, Persebaya Surabaya và Arema), hai đại diện của Việt Nam hai đại diện của Malaysia (Johor, Perak), một đại diện của Thái Lan (Buriram) và một đại diện của Australia (Wesstern Sydney). Trước đó, HAGL và Hà Nội FC cũng là 2 trong 10 trong CLB đạt lượng xem cao nhất tháng 6/2019 trên youtube. Thống kê này bắt nguồn từ trang phân tích số liệu Deportes & Finanzas (Tây Ban Nha) đưa ra các con số về lượt xem trên Youtube của các câu lạc bộ bóng đá trên khắp thế giới.

- Báo điện tử Hà Tĩnh ngày 23/12 đưa tin: "Ai thay Văn Hậu ở U22 và đội tuyển Việt Nam?" cho biết: Trận ĐT Việt Nam vs U22 Việt Nam vào lúc 18h hôm nay đáng tiếc không có sự góp mặt của Đoàn Văn Hậu, sợi dây liên kết lớn nhất giữa hai đội do đang chấn thương. Câu hỏi được đặt ra, ai sẽ thay cầu thủ này ở hành lang trái, ở cả U22 và đội tuyển Việt Nam. Trong thời gian qua, HLV Park Hang Seo đã thử nghiệm nhiều cầu thủ cho vị trí này nhằm tìm ra phương án thay thế Văn Hậu. Nguyễn Phong Hồng Duy, Phạm Xuân Mạnh, Vũ Xuân Cường được điểm mặt chỉ tên. Thế nhưng cái tên đáng chú ý nhất có thể tạo ra một sự an tâm nơi thầy Park và người hâm mộ phải kể đến trường hợp của Vũ Văn Thanh.

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 23/12 đưa tin: "Lại hoãn trận Việt Nam-Malaysia ở Vòng loại World Cup?" cho biết: Kế hoạch chuẩn bị cho chuyến làm khách trước Malaysia của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tại bảng G Vòng loại thứ 2 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đang dẫn đầu với 11 điểm sau 5 vòng đấu. Các vị trí tiếp theo thuộc về Malaysia (9 điểm), Thái Lan (8 điểm), UAE (6 điểm, 4 trận) và Indonesia (0 điểm). Thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ còn 3 trận đấu, lần lượt với Malaysia, Indonesia và UAE để cụ thể hóa mục tiêu giành vé đi tiếp.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 22/12 đưa tin: "Trẻ nói ngọng... mà nhiều cha mẹ không biết" cho biết: Chị N.T.H (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa hai con: một bé gái học lớp 3 và bé trai đang học mẫu giáo 5 tuổi đến Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương) để kiểm tra. Nguyên nhân là điểm môn Tiếng Việt của bé gái lúc nào cũng kém do đọc và viết sai chính tả. Thậm chí đến năm học này, cháu không thích giơ tay phát biểu và không chơi với các bạn ở lớp nữa.

Nói ngọng là một cản trở lớn trong quá trình phát triển, hòa nhập cộng đồng của các em, mà một trong những nguyên nhân là do chủ quan trong nhận thức của cha mẹ đối với vấn đề rối loạn phát âm ở trẻ. Theo đó, việc đầu tiên chúng ta nên làm khi thấy con mình phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc là hãy đi đo sức nghe, sau đó hãy đi khám các chuyên khoa khác liên quan như răng hàm mặt, tâm bệnh, phục hồi chức năng và đừng quên đánh giá khá năng phát âm để biết được căn nguyên cũng như mức độ nặng nhẹ của con mình. Điều quan trọng ở đây là tìm ra được căn nguyên và giải pháp điều trị cho tật nói ngọng tưởng chừng như rất đơn giản đối với con trẻ của chúng ta.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×