Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/12/2020

15/12/2020 | 19:28

Phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa; Chương trình nghệ thuật 'Tình yêu Hà Nội' lần thứ XIII; Vòng chung kết U15 Cúp Quốc gia 2020 khai mạc ngày 16-12 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 15/12 đưa tin:

Trở lại ký ức xưa với trưng bày 'Dấu ấn thời bao cấp'

Trưng bày chuyên đề "Dấu ấn thời bao cấp" do Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức mang lại nhiều cảm xúc lắng đọng cho người xem khi tái hiện đời sống của nhân dân thời kỳ bao cấp thông qua các các hiện vật, tài liệu được trưng bày theo lối sắp đặt, sử dụng các hiện vật gốc và tài liệu khoa học phụ. Công chúng đến với chuyên đề trưng bày sẽ được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời bao cấp ở vùng quê xưa bình yên, còn nhiều khó khăn. Trưng bày diễn ra từ ngày 11-18/12 tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.

Chương trình nghệ thuật 'Tình yêu Hà Nội' lần thứ XIII

Tối 14/12, chương trình nghệ thuật "Tình yêu Hà Nội" lần thứ XIII do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức với chủ đề "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không và Nhịp điệu phố" đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại chương trình nghệ thuật, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội bày tỏ, những tác phẩm của các nhạc sĩ đã được Nhà nước tôn vinh, như một cuốn nhật ký bằng âm thanh ghi lại những thăng trầm của đất nước. Công chúng được nghe lại âm thanh kỷ niệm Hà Nội 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", những ký ức về tình yêu Hà Nội, để thấy cuộc sống thật đẹp, bởi quá khứ hào hùng, hiện tại sinh động và tương lai tươi sáng.

Quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của Lai Châu

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: "Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội" năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra trong ba ngày (từ ngày 18 - 20/12), với chủ đề "Rực rỡ sắc màu Lai Châu". Sự kiện "Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội" năm 2020 là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về miền đất, con người Lai Châu; các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc; các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản địa phương đến với nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 15/12 đưa tin:

Làm mới khu Long Biên bằng nghệ thuật

Từ ngày 15 đến 31/12, trong không gian gần 1.000 m2 tại Tầng 2, Trung tâm Thương mại Mipec (Ngọc Thụy, Long Biên) diễn ra Triển lãm - Dự án nghệ thuật Cộng đồng quy mô đầu tiên tại khu vực bên kia Sông Hồng với tên gọi Long Biên Art Fair. BTC sự kiện cho biết, từ đầu năm 2020, BTC đã dự tính năm khó khăn đối với các nghệ sĩ và là một năm ảm đạm với thị trường nghệ thuật. Nhưng những hoạt động nghệ thuật và triển lãm ở Hà Nội trong những tháng cuối năm lại thể hiện điều hoàn toàn ngược lại. Điểm mặt các không gian triển lãm quan trọng ở Hà Nội, tuần nào cũng phải có 2 tới 3 triển lãm thay phiên nhau khai mạc.

Tìm hiểu về quyền tác giả và quyền liên quan

Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa khởi động Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan" tại địa chỉ https://tracnghiemcov.web.app. Đây là cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến trên mạng Internet về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Cuộc thi bao gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm và một câu "Dự đoán số người trả lời đúng 20/20 câu".

Quảng Ninh: Khởi công tu bổ Am Ngọa Vân

Ngày 13/12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức nghi lễ tưởng niệm 712 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2020) và khởi công tu bổ, tôn tạo am - chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an; đồng thời cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng của một triều đại anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/12 đưa tin: "Cần đầu tư nhiều hơn cho… khán giả sân khấu" cho biết: Mặc dù sân khấu được xác định trong tình trạng khủng hoảng về nhiều mặt trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo người xem. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là việc thiếu đầu tư, chăm lo cho khán giả. Quan niệm nghệ thuật truyền thống rất khó thu hút giới trẻ trong cơ chế thị trường và sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai hiện nay không hẳn đã chính xác. Đó là khẳng định mới đây của NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khi bàn về nghệ thuật sân khấu truyền thống và những giá trị dành cho người trẻ.

- Báo điện tử VOV ngày 15/12 đưa tin: Nghệ sĩ cải lương Tây Nam bộ - Hết lòng giữ sáng "Ánh đèn sân khấu" cho biết: Giữa muôn vàn khó khăn, trăn trở, giữa cuộc sống thời 4.0 có thể làm môn nghệ thuật truyền thống bị mai một, thì nghệ sĩ cải lương Tây Nam bộ vẫn ngày ngày cống hiến sức mình, đem nhiệt huyết "đẩy" tiếng ca gần với công chúng, để cải lương mãi sống trong lòng giới mộ điệu. Qua rồi thời vàng son, sân khấu cải lương miền Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy di sản dân tộc. Lối ra nào cho cải lương là vấn đề mà nhiều nghệ sĩ tâm huyết đau đáu tìm lời giải.

- Báo điện tử Công Thương ngày 15/12 đưa tin: "Tôn vinh giá trị tinh hoa nghề thủ công truyền thống" cho biết: Được coi là "báu vật nhân văn sống", các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đã lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị, phát huy được truyền thống dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa Việt Nam là một dòng chảy mạnh mẽ và bền bỉ, trải dài qua chiều dài hàng nghìn năm phát triển. Để dòng chảy ấy tiếp tục theo năm tháng, cần lắm những con người luôn trân trọng giá trị di sản văn hóa của cha ông, trong đó phải kể đến vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bởi họ đã, đang và vẫn luôn ân cần gìn giữ.

- Báo Văn hóa ngày 14/12 đưa tin:

Phê duyệt Đề án "Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan VHTTDL vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030"

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 3666/QĐ-BVHTTDL về việc Phê duyệt Đề án "Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan VHTTDL vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, Đề án "Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2030" nhằm hướng dẫn các địa phương quán triệt, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình các hoạt động đảm bảo quy mô, tần suất phù hợp, tránh tràn lan phô trương, lãng phí, đồng thời khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Di tích Chăm Phong Lệ: Cần có một danh phận tương xứng

Ngành Văn hóa Đà Nẵng đã đề xuất chọn di tích Chăm Phong Lệ (thuộc phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là địa chỉ duy nhất để duy trì, bảo tồn các phát lộ khai quật khảo cổ, làm cơ sở cho hoạt động tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa địa phương. Mục tiêu Đề án sẽ từng bước tôn tạo, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị. Đồng thời hoạch định để phát triển các tuyến du lịch liên kết với di tích, đưa vào không gian trưng bày bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với văn hóa địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bảo tồn âm nhạc truyền thống ở xứ Quảng: Miệt mài ươm mầm thế hệ trẻ

Bài chòi, dân ca, hò vè, tuồng,… những bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Quảng Nam đang được những nghệ nhân đi trước cố gắng bảo tồn, gìn giữ, phát triển trong đời sống cộng đồng hiện đại bằng nhiều phương cách. Trong đó, thắp lửa, ươm mầm cho thế hệ trẻ là câu chuyện dài hơi mà các cơ quan chức năng cũng như những nghệ nhân luôn nỗ lực, bền bỉ thực hiện nhiều năm qua. Những lớp dạy dân ca, bài chòi, tuồng miễn phí ấy là một trong những hành động cụ thể để bắt đầu nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ Hội An. Nhưng để giữ ngọn lửa ấy lâu dài, lan tỏa và khơi gợi trong cộng đồng là một câu chuyện dài hơi, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Đang có hiện tượng "Háo danh"

"Đang có nhiều di tích bị đập đi xây mới, tình trạng tôn tạo di tích "quá tay", đặc biệt là tại nhiều địa phương đang tồn tại tâm lý "háo danh", "sính danh" khi chỉ cố gắng để di sản được vinh danh, nhưng sau đó lại "bỏ quên" di sản, hoặc khai thác quá mức…", PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Khoa học "Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội" do Viện VHNT quốc gia Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

- Báo Nhân Dân ngày 15/12 đưa tin:

Thảo luận những nghiên cứu mới về đa dạng văn hóa

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị thông báo văn hóa năm 2020, với chủ đề "Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và vấn đề chính sách". Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu về đa dạng văn hóa ở các tộc người, vùng miền ở nước ta. Theo các đại biểu, sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa từ nếp sống, phong tục, tín ngưỡng đến nghệ thuật, ẩm thực, tri thức địa phương...

Trình chiếu phim về Léonard de Vinci

Tối thứ sáu 18-12 tới, bộ phim về danh họa Italia Léonard de Vinci mang tên "Léonard de Vinci: Hành trình sáng tạo" sẽ chiếu một đêm duy nhất tại hội trường của Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace. Léonard de Vinci là một trong những danh họa được yêu thích nhất thế giới, thậm chí được mệnh danh là người có trí tuệ uyên thâm nhất sử nhân loại. Đã có rất nhiều phim ảnh, tác phẩm sân khấu cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác được thực hiện về ông.

Thắp lửa tình yêu di sản

Mặc dù Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020 được tổ chức với quy mô nhỏ hơn so năm 2019, nhưng trong ba ngày diễn ra sự kiện, Lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Hoạt động của lễ hội đã "thắp lửa" tình yêu di sản trong cộng đồng. Ngay từ trước thời điểm khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020, tối 11-12, không gian vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà bát giác đã tấp nập người đến tham quan.

- Báo điện tử Chính Phủ ngày 15/12 đưa tin: "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi" cho biết: Thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, khai thác có hiệu quả di sản nghệ thuật Bài chòi. Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở khu vực duyên hải miền Trung, về sau được dân gian phát triển thêm thành một loại hình sân khấu ca kịch. Cuối năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

- Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 15/12 đưa tin: "Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đà Nẵng tại Vũng Tàu: Nhiều tác phẩm mới hướng về tương lai ngời sáng" cho biết: Sau 10 ngày hoạt động, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu (TP Vũng Tàu), Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ tổng kết bế mạc Trại sáng tác VHNT Đà Nẵng năm 2020. Nhiều tác phẩm được đánh giá chất lượng, hướng về tương lai sáng ngời thuộc nhiều thể loại từ thơ, văn, hội họa cho đến âm nhạc đã ra đời từ đây. Nhạc sĩ Trương Duy Huyến – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng cho biết: Tham dự Trại lần này, gồm có 12 thành viên thuộc các bộ môn: văn học, văn hóa dân gian, mỹ thuật điêu khắc, âm nhạc. Trong thời gian tham dự Trại, ngoài việc hoàn tất các tác phẩm đã đăng ký, các thành viên còn có các buổi sinh hoạt giao lưu, thâm nhập thực tế tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội tại địa phương.

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Vietnamplus, báo điện tử Văn hóa và nhiều báo khác ngày 15/12 đưa tin: "Nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam qua du lịch văn hoá" cho biết: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 3767 /QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm 20-25% trong tổng thu khoảng 130 tỷ USD từ khách du lịch. Đây được coi là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thông qua phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt. Mục tiêu của Đề án là định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/12/2020 - Ảnh 1.

Du lịch văn hóa hiện đang là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế (ảnh minh họa vanhoavietnam.vn)

- Báo Vietnamplus ngày 15/12 đưa tin:

Nhật Bản lần đầu tiên hủy Lễ hội tuyết thường niên Sapporo

Năm 2021 sẽ không diễn ra Lễ hội tuyết Sapporo hằng năm, một trong những sự kiện mùa Đông lớn nhất của Nhật Bản được tổ chức tại hòn đảo chính cực Bắc Hokkaido vào khoảng tháng 2. Đây là lần đầu tiên kể từ khi sự kiện này được tổ chức thường niên từ năm 1950 này bị hủy, mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong thông báo ngày 14/12, ban tổ chức lễ hội cho biết đây là một quyết định rất đáng buồn, nhưng là cần thiết để bảo vệ người dân.

Du lịch Việt Nam lần đầu vạch rõ lộ trình tham gia cuộc cách mạng 4.0

Lần đầu tiên Tổng cục Du lịch ban hành một kế hoạch mà trong đó vạch rõ được lộ trình về việc chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Lộ trình công bố kéo dài tới năm 2045. Theo Kế hoạch mới ban hành của Tổng cục Du lịch, toàn ngành sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch số, trước mắt ưu tiên phát triển du lịch thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Huế. Đây là một trong các nội dung của Kế hoạch về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Tổng cục Du lịch vừa ban hành.

Du lịch nội địa Trung Quốc sẽ đón trung bình 10 tỷ du khách mỗi năm

Học viện Du lịch Trung Quốc ngày 13/12 cho biết thị trường du lịch nội địa Trung Quốc sẽ đón trung bình 10 tỷ du khách mỗi năm, với mức chi tiêu đạt 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.500 tỷ USD) trong 5 năm tới. Báo cáo của Học viện cho thấy trong năm 2019 Trung Quốc ghi nhận 145 triệu chuyến đi du lịch trong nước và doanh thu du lịch hàng năm của nước này đạt 6.630 tỷ nhân dân tệ. Trong 5 năm tới, đóng góp của thị trường du lịch nội địa Trung Quốc vào nền kinh tế quốc gia và việc làm sẽ ở mức trên 10%.

- Báo điện tử Yên Bái ngày 15/12 đưa tin: "Yên Bái: Để Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch" cho biết: Ôm trọn Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ không những có lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu mà còn cả về con người, các giá trị lịch sử, văn hóa để có thể trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của miền Tây. Những năm qua, phát triển du lịch, đặc biệt là các dịch vụ du lịch được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm chú trọng, hạ tầng du lịch được khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện, thị xã đã có trên 40 cơ sở lưu trú với 540 phòng nghỉ, hiệu suất khai thác bình quân đạt 48%/năm; có 35 cơ sở homestay phục vụ khách du lịch, nhiều hộ làm du lịch có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

- Báo Tin tức ngày 15/12 đưa tin: "Độc đáo dịch vụ cắm trại trong sân bay cho người thèm đi du lịch" cho biết: Sân bay Changi tại Singapore đã đưa ra một lựa chọn sáng tạo mới dành cho những người đam mê du lịch trong thời điểm khó đi lại vì dịch COVID-19. Kênh RT (Nga) cho biết du khách sẽ được cắm trại tại những ngôi lều dựng ngay trong chính khuôn viên sân bay. Tổng quản lý sân bay Changi, bà Lee Ching Wern miêu tả đây là trải nghiệm độc đáo và đơn vị này hướng tới cung cấp dịch vụ trong điều kiện an toàn trong dịch COVID-19.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/12 đưa tin: "Bắc Yên - Điểm du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng hấp dẫn của Sơn La" cho biết: Đến với huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La, du khách sẽ ấn tượng và thích thú khi ngắm nhìn những đỉnh núi hoang sơ, hùng vĩ trong lớp mây trắng bồng bềnh như ôm ấp các ngọn núi, tạo thành biển mây nên thơ, hữu tình. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Bắc Yên phát triển du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Theo thống kê, số lượt du khách đến Bắc Yên ngày càng tăng: năm 2017 đạt 30.000 lượt du khách với doanh thu 15 tỷ đồng; năm 2018 đạt trên 32.000 lượt du khách với doanh thu 16,2 tỷ đồng; năm 2019 đạt 47.875 lượt du khách, doanh thu 20,9 tỷ đồng; đến ngày 30/11/2020, đạt 52.116 lượt du khách với doanh thu hơn 32 tỷ đồng. Những hoạt động của ngành du lịch đã từng bước góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện Bắc Yên.

- Báo điện tử Vnexpress ngày 15/12 đưa tin: Vaccine Covid-19 có ý nghĩa như thế nào với ngành du lịch? cho biết: Tin tức các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 thành công giống như ánh sáng cuối đường hầm đối với thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Những tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch được nhìn thấy ngay lập tức. Theo Skyscanner, nhiều du khách bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm các chuyến đi tiếp theo của họ. Lượng truy cập vào trang web này tăng đột biến ngay khi tin tức về vaccine được công bố.

- TTXVN ngày 15/12 đưa tin: "Tăng liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù để từng bước bứt phá" cho biết: Năm 2020, ngành du lịch cả nước nói chung, du lịch Nam Bộ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, dù đây là khu vực có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cả bốn mùa trong năm. Một năm chủ yếu khai thác thị trường du khách nội địa trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa nỗ lực "tìm cơ trong nguy" nhằm từng bước phục hồi, các địa phương đang đề ra nhiều giải pháp, định hướng chiến lược để phát triển du lịch trong năm mới 2021 và những năm tiếp theo.

- Báo Hà Nội mới ngày 15/12 đưa tin:

Hà Nội: Yêu cầu các đơn vị du lịch bảo đảm an toàn trong dịp lễ, Tết

Nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn du lịch cho du khách trên địa bàn thành phố trong các dịp lễ Noel, Tết dương lịch, Sở Du lịch Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kinh doanh dịch vụ trên bàn Hà Nội thực hiện phát triển sản phẩm, bảo đảm chất lượng, dịch vụ và an toàn đúng quy định. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện triển khai các dịch vụ du lịch phải tiếp tục tuân thủ các quy định, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, thành phố trong việc phòng, chống dịch.

Hà Nội công nhận thêm 3 điểm du lịch

UBND thành phố Hà Nội vừa có các quyết định công nhận thêm 3 điểm du lịch của Hà Nội, gồm: Điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín); điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng); điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng). Theo các quyết định, các địa phương và cơ quan, đơn vị quản lý có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

- Báo Văn hóa ngày 14/12 đưa tin:

Phát triển du lịch đảo vùng ven bờ biển Việt Nam (Bài 1): Thiếu quy hoạch

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đảo nhưng đến nay việc khai thác vẫn còn manh mún, thiếu quy hoạch, chưa phát triển xứng tầm với những tiềm năng vốn có. Khẳng định phát triển du lịch tại các đảo ven bờ phù hợp với quan điểm chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển và làm giàu từ biển, du lịch đảo cũng là sản phẩm có thể khẳng định thương hiệu Du lịch Việt Nam trên thế giới, từ số này Văn Hóa sẽ có loạt bài nhằm làm rõ thực trạng, cơ hội và thách thức, những giải pháp để phát triển du lịch đảo ở vùng biển ven bờ Việt Nam.

Nhóm Blogger du lịch chung tay nhặt rác, làm sạch môi trường tại Hà Giang

Cộng đồng Travel Blogger gồm các bạn blogger du lịch. Mới đây, họ đã cùng nhau tham gia một chuyến đi quảng bá xúc tiến du lịch Hà Giang và mong muốn tổ chức một hoạt động lan tỏa về du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh. Các bạn trẻ trong Cộng đồng Travel Blogger đã chung tay nhặt rác trên 700m đường đi bộ từ điểm dừng xe đến bến thuyền dưới sông Nho Quế, địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang. Dọn rác làm sạch môi trường đang là phong trào được phát động và triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt là các điểm đông khách du lịch. Tuy nhiên, để xây dựng ý thức bảo vệ, nhặt rác làm sạch môi trường, cảnh quan thiên nhiên thì không phải ai cũng làm được.

Phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng: Có sẵn tiềm năng, chỉ cần khai thác hiệu quả

Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng nhằm mục tiêu thúc đẩy kinh tế, phục hồi hoạt động du lịch hậu Covid-19, đồng thời giúp ngành du lịch Đà Nẵng có cơ hội khai thác lợi thế để hình thành sản phẩm độc đáo "níu chân" du khách tăng thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu. Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: "Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đề án sẽ góp phần đa dạng hóa các hoạt động, dịch vụ trên nền tảng xây dựng thương hiệu đặc trưng của địa phương cùng với việc kéo dài khung giờ hoạt động linh hoạt với từng khu vực".

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 15/12 đưa tin: "8 đội bóng tham dự VCK Giải Bóng đá U15 Cúp quốc gia 2020" cho biết: Chiều 14/12, tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan và các câu lạc bộ trao đổi thông tin về Vòng chung kết Giải Bóng đá U15 Cúp quốc gia 2020. Theo Ban tổ chức, Giải Bóng đá U15 Cúp quốc gia 2020 diễn ra từ ngày 16-28/12 với sự tham gia của 8 đội bóng. Các đội được chia thành 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt. Bảng A gồm 4 đội: PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, An Giang; bảng B gồm 4 đội: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Viettel và SHB Đà Nẵng. Đây là giải đấu giúp các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội thi đấu, cọ sát, nâng cao kỹ năng, hoàn thiện chiến thuật, phát triển hơn trong những giải đấu sắp tới.

- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/12 đưa tin: "V.League và dàn huấn luyện viên khủng" cho biết: Đã lâu rồi, V.League mới chứng kiến những huấn luyện viên (HLV) giỏi và danh tiếng hiện diện trên cabin huấn luyện như mùa tới. Những trường phái khác nhau cùng với đó là việc đến từ những quốc gia khác nhau sẽ mang đến màu sắc và sự hấp dẫn cho V.League 2021. Tất nhiên, cuộc chơi khắc nghiệt của bóng đá sẽ không nể nang ai. Và có thể một hoặc hai HLV trong số này có thể sẽ bị cuốn phăng đi chỉ sau vài vòng đầu tiên của mùa bóng. Càng khốc liệt như thế, càng ganh đua như vậy, các HLV càng trổ hết tài năng để biến V.League 2021 thành một giải đấu hấp dẫn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 15/12 đưa tin: "HLV Park Hang-seo tăng cường tập gym cho đội tuyển Việt Nam" cho biết: Nhằm đảm bảo cho việc triển khai chiến thuật một cách có hiệu quả nhất, HLV Park Hang-seo đã yêu cầu các cầu thủ đội tuyển quốc gia tăng cường tập luyện thể lực. Sau một ngày nghỉ ngơi, đội tuyển Việt Nam đã trở lại tập luyện vào chiều ngày 14/12. Ở buổi tập này, ban huấn luyện tiếp tục yêu cầu các cầu thủ tiếp tập chiến thuật với các bài tập quen thuộc như chuyền bóng vượt chướng ngại vật, phối hợp đội hình, chia đội đá đấu… Tiền vệ Quang Hải không xuất hiện ở buổi tập này cùng đội.

- Báo Nhân Dân ngày 15/12 đưa tin: Kết thúc vòng hai Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020: Đội nào là ứng cử viên vô địch?" cho biết: Tối 13-12, vòng hai Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020 tổ chức tại Đắk Lắk và Khánh Hòa đã kết thúc. Sau vòng đấu này, bốn đội bóng nam lọt vào vòng chung kết đã được xác định là: Sanest Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tràng An Ninh Bình và Biên Phòng; bốn đội bóng nữ đã giành quyền vào cạnh tranh chức vô địch là: Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương, Kinh Bắc Bắc Ninh và Hóa chất Đức Giang Hà Nội.

- Báo điện tử VOV ngày 15/12 đưa tin:

HLV Phan Thanh Hùng chính thức chia tay Than Quảng Ninh

HLV Phan Thanh Hùng đã chính thức chia tay Than Quảng Ninh sau khi không thể đạt được thỏa thuận cá nhân với ban lãnh đạo đội bóng này về việc ký hợp đồng mới.Ngày 14/12, ban lãnh đạo Than Quảng Ninh đã có cuộc họp với HLV Phan Thanh Hùng về những định hướng phát triển đội bóng trong thời gian tới. Nếu đôi bên có được sự đồng thuận, chiến lược gia gốc Đà Nẵng sẽ tiếp tục gắn bó với đội bóng xếp thứ 4 ở V-League 2020.

Phan Văn Đức quyết lấy lại suất đá chính ở ĐT Việt Nam

Trở lại sau thời gian dài vắng mặt vì chấn thương, tiền đạo Phan Văn Đức quyết tâm lấy lại suất đá chính trong đội hình ĐT Việt Nam như trước đây. Ở V-League 2020, Phan Văn Đức đã có sự trở lại ấn tượng trong màu áo SLNA, thậm chí "gánh" hàng công thay cho các ngoại binh gây thất vọng. Dẫu vậy, tiền đạo sinh năm 1996 nhiều lần thừa nhận thể lực là điểm yếu của bản thân sau thời gian dài rời xa sân cỏ. Điểm yếu ấy đang được Phan Văn Đức và ban huấn luyện ĐT Việt Nam khắc phục: "Hiện tại, thể lực của tôi đang được cải thiện. Thầy Park cũng yêu cầu tôi tập luyện thêm nên mọi thứ đang tốt dần lên".

Đối thủ của ĐT Việt Nam tái hợp với bại tướng dưới tay thầy Park

ĐT UAE tái hợp với HLV Bert Van Marwijk, nhà cầm quân từng chịu thất bại trước thầy trò HLV Park Hang Seo ở Vòng loại World Cup 2022. Liên đoàn bóng đá UAE xác nhận đã đạt thỏa thuận tái hợp với HLV Bert Van Marwijk. Chi tiết bản hợp đồng giữa đôi bên sẽ được hoàn thiện và công bố trong thời gian tới. HLV Bert Van Marwijk bị UAE sa thải hôm 4/12 năm ngoái sau những thành tích nghèo nàn: Đứng thứ tư tại bảng G Vòng loại World Cup 2022 với 6 điểm/4 trận và bị loại từ vòng bảng Arabian Gulf Cup 2019.

- Báo Văn hóa ngày 14/12 đưa tin: Mùa giải bóng đá nữ Việt Nam kết thúc: "Tiếp sức" cho những mục tiêu cho biết: Mùa giải bóng đá nữ chuyên nghiệp Việt Nam vừa kết thúc sau vòng đấu hạ màn giải VĐQG 2020 cuối tuần qua tại Bình Dương. Sau một năm chịu nhiều thách thức bởi dịch Covid-19, các sân chơi bóng đá nữ cũng về đích an toàn mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho năm mới. Đây cũng là lúc bóng đá nữ Việt Nam bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch, lực lượng để chuẩn bị cho năm 2021 bận rộn với 2 giải đấu quan trọng là AFF Cup và SEA Games 31, xa hơn nữa là Vòng loại World Cup 2023.

- Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 14/12 đưa tin:

Sân Phú Thọ cần cải thiện nhiều hạng mục để tổ chức bóng đá nam SEA Games 31

Cải thiện mặt sân và thêm một số phòng chức năng theo đúng quy định của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) là những yêu cầu được đặt ra với địa phương đăng cai một vòng bảng môn bóng đá nam tại SEA Games 31. Đánh giá về cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho môn bóng đá nam SEA Games 31 của Phú Thọ, đại diện Ban tổ chức, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Phú Thọ cùng các địa phương đều đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện thể thao của khu vực.

Ngày 16-1, V-League 2021 sẽ khởi tranh

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức Lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu Giải bóng đá Vô địch Quốc gia 2021. Theo Ban tổ chức, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 dự kiến sẽ bắt đầu với trận Siêu Cúp Quốc gia 2020 giữa CLB Viettel và Hà Nội trên sân vận động Hàng Đẫy, ngày 9-1-2021. Giải Vô địch quốc gia 2021 dự kiến khai mạc ngày 16-1-2021 với 14 CLB tham dự, gồm: Becamex Bình Dương, Bình Định, Dược Nam Hà Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Viettel.

Giữ hình ảnh "sạch" cho thể thao Việt Nam

Cuối tháng 11 vừa qua, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn trở thành trường hợp gần nhất của thể thao Việt Nam được đôn lên nhận huy chương hoặc huy chương ở mức cao hơn khi vận động viên (VĐV) xếp trên bị phát hiện sử dụng chất cấm. Và việc VĐV bị tước huy chương vì sử dụng chất cấm cũng là khuyến cáo cho các nền thể thao trong việc phòng, chống chất cấm khi tập luyện, thi đấu. Trong đó, thể thao Việt Nam phải có nhiều giải pháp để giữ hình ảnh "sạch".

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 14/12 đưa tin: "Hà Nội: Trau dồi kỹ năng phòng, chống bạo lực cho nữ lao động nhập cư" cho biết: Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vừa tổ chức chương trình truyền thông "Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với lao động nhập cư" tại Trường Tiểu học Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại buổi truyền thông, hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ và các nữ lao động nhập cư đã được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật… Chương trình truyền thông nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và nữ lao động nhập cư nói riêng trên địa bàn Thủ đô.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×