Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược

30/11/2024 | 14:00

Lam Sơn - Lam Kinh là vùng đất thiêng "địa linh nhân kiệt", quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong mười năm đầy gian khổ (1418- 1427), cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày nay được quy hoạch với tổng diện tích 200ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc.

Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 1.

Quần thể di tích Lam Kinh nhìn từ trên cao

Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn. Ngày 15 tháng 4 năm 1428 âm lịch, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long- Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam - vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm.

Năm 1430, Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà và đưa về quê hương Lam Sơn an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu sơn lăng.

Kế nghiệp vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông sau khi lên ngôi đã tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh. Ban đầu điện Lam Kinh được xây dựng với quy mô nhỏ, tính chất chủ yếu là khu "Sơn lăng" (nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các vua, Hoàng hậu thời Lê Sơ). Sau này, để phục vụ cho vua và Hoàng tộc mỗi khi về thăm quê hương, bái yết sơn lăng, qua thời gian điện Lam Kinh dần dần được mở rộng về quy mô to lớn và bề thế.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 2.

Giếng ngọc- công trình được xây dựng từ thời vua Lê Lợi

Sách Việt sử thông giám cương mục mô tả: "Lam Kinh nhà Lê ở phía Tây núi Lam Sơn, phía bắc gối vào núi Dầu. Đầu thời Thuận Thiên lấy đất này làm Tây Kinh, cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau hồ lớn giống hồ Kim Ngưu, các khe núi đổ vào hồ này. Lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngói trên khe. Đi qua cầu tới cung điện".

"Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Hựu Lăng vua Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê ở đây cả (?) lăng nào cũng có bia" (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí).

Với tính chất linh thiêng và tôn nghiêm, vương triều Hậu Lê luôn cắt cử chức quan cùng với một đội quân thường trực ở điện Lam Kinh để trông coi, bảo vệ kinh thành, khu Điện miếu và lăng mộ.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 3.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 4.

Kiến trúc độc đáo của Lam Kinh

Trong nhiều thế kỷ, khu Điện miếu Lam Kinh luôn được tu sửa, làm lại nhiều lần. Gần sáu thế kỷ đã trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự vô thức của con người, Lam Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành phế tích.

Tuy các công trình đền đài điện miếu không còn như xưa, nhưng với không gian cảnh quan, nền móng các công trình kiến trúc lăng mộ và nhiều di tích, di vật thời Hậu Lê còn lại, Lam Kinh vẫn là địa chỉ đỏ của nhân dân Thanh Hóa nói riêng, của cả nước nói chung, cần được bảo tồn, phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Chính vì vậy, năm 1962 di tích Lam Kinh được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 609/QĐTTg phê duyệt Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Đặc biệt, ngày 27/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1419/QĐ-TTg công nhận khu di tích lịch sử Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 5.

Kiến trúc độc đáo của Lam Kinh

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 6.

Kiến trúc độc đáo của Lam Kinh

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều cuộc hội thảo ở trung ương, địa phương về vương triều Hậu Lê, các Hoàng đế, Hoàng hậu, về di tích lịch sử Lam Kinh, nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ học khu trung tâm Lam Kinh đã được triển khai thực hiện, nhằm mục đích xác định quy mô kiến trúc các công trình xưa, vật liệu xây dựng, trang trí mỹ thuật góp thêm tư liệu, sử liệu về triều đại Hậu Lê và phục vụ cho công tác nghiên cứu thiết kế thi công, bảo tồn, phục hồi, tôn tạo.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 7.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 8.

Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh được làm vào thời Lê Sơ, năm Thuận Thiên thứ 6 (năm 1433), đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Từ đó đến nay, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo của Lam Kinh xưa.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh với các giá trị lịch sử, văn hóa là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 9.

Hình tượng Vua Lê thiết triều khi về Lam Kinh

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 10.

Long sàng và các vật dụng trong cung điện Vua Lê xưa

Di tích Lam Kinh- biểu tượng của lòng tự hào về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược - Ảnh 11.

Phục dựng Long sàng tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh

Theo Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, từ khi di tích Lam Kinh được phục hồi tôn tạo, cảnh quan di tích sạch đẹp, khách thập phương đến tham quan di tích ngày một đông, nhất là trong dịp lễ hội mỗi ngày hàng chục vạn người. Từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, phát triển nhất là kinh tế dịch vụ. Đồng thời góp phần lan tỏa, quảng bá lịch sử truyền thống của địa phương, lịch sử văn hóa dân tộc./.



Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×