Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đề xuất lập quỹ xã hội hóa để thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài

22/04/2024 | 08:01

Đó là ý kiến của bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài tại Hội thảo góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức vào chiều 19/4.

Đề xuất lập quỹ xã hội hóa để thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài - Ảnh 1.

Hình minh họa

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra sắp tới. Để dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được hoàn thiện đầy đủ nhất trước khi trình ra Quốc hội, Bộ VHTTDL vẫn đang tiếp thu lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự Luật này.

Đề xuất lập quỹ xã hội hóa để thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài

Tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đảm bảo thống nhất với các dự án Luật hiện hành.

Trong Hội thảo góp ý về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức vào ngày 19/4, có ý kiến bày tỏ quan tâm đến nội dung liên quan tới việc thành lập quỹ thu mua cổ vật, di vật từ nước ngoài về Việt Nam.

Theo đó, các đại biểu bày tỏ niềm vui khi dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) lần này có quy định về việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên thành lập hẳn một quỹ thu mua di vật, cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài từ nguồn xã hội hoá.

Nêu ý kiến bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài đề xuất có một nguồn quỹ để có thể thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài, tránh gây thất thoát cổ vật quý cho quốc gia.

Dẫn chứng từ việc "Trước đây các nước tặng hiện vật nhưng khi về đến Việt Nam xin miễn thuế, đòi hỏi thủ tục khó khăn" - Giám đốc Bảo tàng Áo dài Huỳnh Ngọc Vân cũng đưa ra đề xuất miễn thuế cho các cá nhân mua cổ vật đưa về Việt Nam thay vì ưu đãi, giảm thuế như trước đây vì người dân đã bỏ tiền mua mang về mà còn chịu thuế thì không hợp lý.

Giám đốc Bảo tàng Áo dài cũng mong muốn dự án luật có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tàng, đồng thời có chế độ đãi ngộ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong lĩnh vực bảo tàng.

Đề xuất có quy định hủy bỏ xếp hạng di tích trong trường hợp do thiên tai

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa cho hay, trong dự án luật lần này có hơn 30 khái niệm, tuy nhiên cần bổ sung thêm nhiều khái niệm, định nghĩa nữa, để người dân hiểu rõ hơn các câu, cụm từ như bảo vật quốc gia, bản sao di vật, danh lam thắng cảnh, di sản tư liệu, làm sai lệch di sản văn hóa…

Ngoài ra, vị Luật sư này còn đề xuất bổ sung thêm quy định về hợp tác quốc tế về di sản văn hóa vì tính toàn cầu, tính quốc gia, vì tính lan tỏa của di sản văn hóa, quyền con người và quyền công dân đối với di sản văn hóa, cũng như những quy định cụ thể về đề xuất phục chế di sản văn hóa.

"Điểm c khoản 2 điều 40 quy định: "Xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật, tôi đề nghị bổ sung mức thưởng cụ thể là bao nhiêu trên giá trị được thẩm định" - luật sư Trương Thị Hòa góp ý.

Cho ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Nhân - đại diện ngành văn hóa thành phố Thủ Đức đề xuất nên có quy định hủy bỏ xếp hạng di tích trong trường hợp do thiên tai.

Thay mặt đoàn ĐBQH TPHCM, ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố đã ghi nhận, tổng hợp toàn bộ các ý kiến góp ý. Những nội dung này sẽ được đoàn nghiên cứu để làm cơ sở trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Được biết, bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật hiện hành (07 chương 73 điều). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×