Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để văn hóa phát triển đột phá

03/06/2021 | 09:51

Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa đã tham gia "hiến kế" cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển, đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

LTS: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau Đại hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu toàn ngành VHTTDL phải quyết liệt hành động, có khát vọng cống hiến, đưa ngành VHTTDL từng bước phát triển, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Trước những quyết sách lớn của ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự ủng hộ và tham gia nhiều ý kiến nhằm "hiến kế" cho ngành VHTTDL phát triển. Báo điện tử Tổ Quốc xin trân trọng giới thiệu những bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến độc giả.

 Để văn hóa phát triển đột phá - Ảnh 1.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị văn hóa lần thứ 2


Năm 2020-2021 là những năm vô cùng đặc biệt trong lịch sử (mà chúng ta hay gọi là năm covid thứ nhất và thứ hai). Điều đặc biệt ở đây là dịch bệnh Covid-19 buộc chúng ta phải suy nghĩ về chính mình, tìm ra cách nghĩ khác, cách làm khác mà vốn trước kia, vì nhiều lý do, trong đó có cả thói quen và sự lười biếng, chúng ta không đủ bình tâm để suy xét thật sự nghiêm túc về sự phù hợp của những việc chúng ta đang làm. Điều này đúng với xã hội nói chung, và cũng đúng cả trong lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, một cách tiếp cận mới với những hành động mới nên là việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến trong việc triển khai kế hoạch hành động của ngành nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Văn hoá là lĩnh vực bao trùm, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội. Vì vậy, giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hoá cần có những giải pháp tổng thể. Các nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ là những đường lối phát triển chung, mang tính định hướng, lâu dài nên những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chung ấy sẽ không bao giờ sai, nhưng cần cụ thể hóa với những điểm nhấn, để một nhiệm kỳ 5 năm chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến nhất định trong phát triển văn hóa. Trên quan điểm như vậy, với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa, tôi xin có mấy gợi ý về 5 hành động đột phá trong thời gian tới như sau:

 Để văn hóa phát triển đột phá - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Thứ nhất là hình thành một Diễn đàn văn hoá quốc gia. Năm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm lần đầu tiên tổ chức Hội nghị văn hoá toàn quốc (mới chỉ được tổ chức 2 lần vào năm 1946 và năm 1948. Sau đó vì hoàn cảnh chiến tranh nên chúng ta phải dừng lại. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược,  sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hoá nói chung, nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ nói riêng. Những giá trị, ý nghĩa của Hội nghị là bài học sâu sắc đối với hoạt động quản lý văn hoá hiện nay.

Hội nghị văn hoá toàn quốc là một diễn đàn quan trọng để Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hoá nghệ thuật. Đời sống văn hoá văn nghệ thường rất sôi động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rõ hơn những ý kiến từ chính cuộc sống, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hoá nghệ thuật. Đây là cách làm mà các nhà khoa học hay tổng kết thành mô hình từ dưới lên.


 Để văn hóa phát triển đột phá - Ảnh 3.

Tổ chức UNESCO khuyến nghị các quốc gia thực hiện xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa

Hình thức của Hội nghị là Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối thoại trực tiếp với các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại diện các tổ chức văn hoá nghệ thuật, vừa thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực tinh thần đặc biệt này, vừa trực tiếp lắng nghe những ý kiến tranh luận, phản biện của các văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hoá nghệ thuật, mà nếu không có Diễn đàn này, các báo cáo hành chính sẽ không đến được Thủ tướng (hoặc các bức xúc cũng đỡ bức xúc, nóng hơn khi được thể hiện qua giấy tờ hành chính khiến Thủ tướng không cảm nhận thấy tính bức xúc vấn đề). Qua đối thoại, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết ngay những bức xúc, vấn đề của thực tiễn mà các văn nghệ sĩ, tổ chức văn hoá nghệ thuật đang gặp phải.

Diễn đàn cũng là môt hình thức phổ biến hiện nay như các diễn đàn về nông nghiệp, kinh tế, doanh nghiệp, khoa học, hay đối với thanh niên, nông dân.

Thứ hai là xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá vì sự phát triển bền vững đất nước. Bộ chỉ số đang được Tổ chức UNESCO khuyến nghị các quốc gia thực hiện và sẽ triển khai thí điểm tại Việt Nam. Việc định lượng hoá sự phát triển văn hoá rất quan trọng để chứng minh đóng góp của lĩnh vực văn hoá vào sự phát triển chung của đất nước, từ đó có những quan tâm, đầu tư xứng đáng hơn.

Bộ chỉ số quốc gia và có thể áp dụng cho các địa phương, dùng để xếp hạng phát triển văn hoá các địa phương, tương tự như xếp hạng phát triển kinh tế. Điều này sẽ giúp cho các địa phương quan tâm nhiều hơn trong cạnh tranh phát triển văn hoá để có thứ hạng tốt trong bảng xếp hạng chung của quốc gia. Khi các địa phương chủ động đầu tư phát triển văn hoá, văn hoá đất nước có cơ hội bứt phá.


Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn như Thời trang, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Du lịch văn hoá, Thủ công mỹ nghệ, Âm nhạc. Không chỉ giúp hình thành sức mạnh mềm cho dân tộc, các ngành công nghiệp này đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế cho đất nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Thứ ba, xác lập và định hướng phát triển văn hoá số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số và công dân số. Chúng ta đang nói nhiều đến xã hội số, nền kinh tế số và công dân số thì điều tất yếu sẽ là sự hình thành của văn hoá số. Văn hoá số được định nghĩa là những thói quen, giá trị, chuẩn mực, lối sống được hình thành từ/trong tác động của các phương tiện truyền thông mới. Thực tế, rất nhiều vấn đề văn hoá hiện nay xuất phát từ tác động của mạng xã hội nói riêng, các phương tiện truyền thông mới nói chung, vì thế, chủ động trong việc xây dựng và phát triển văn hoá số sẽ giúp cho chúng ta chủ động trọng việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam hiện nay.

Thứ tư là hình thành các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn, tạo tác động lan toả về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo. Các không gian sáng tạo là mô hình phát triển nghệ thuật, lan toả thông điệp tích cực của văn hoá và sáng tạo phổ biến trên thế giới. Các không gian sáng tạo này cũng khẳng định giá trị của các đô thị cũng như của cả quốc gia. Trên thực tế, các không gian sáng tạo hiện đã phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các đô thị Việt Nam, nhưng đang thiếu sự định hướng, giúp đỡ từ phía Nhà nước.


 Để văn hóa phát triển đột phá - Ảnh 6.

Và cuối cùng, thứ năm là tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn như Thời trang, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Du lịch văn hoá, Thủ công mỹ nghệ, Âm nhạc. Không chỉ giúp hình thành sức mạnh mềm cho dân tộc, các ngành công nghiệp này đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế cho đất nước. Thời trang là lĩnh vực nước ta có thế mạnh dựa trên cơ sở sản xuất may mặc đang là một trong số những nước đứng đầu trên thé giới, tuy nhiên, may mặc là lĩnh vực gia công, cần phải có thời trang đi kèm để nâng giá trị kinh tế. Chúng ta cũng đã có Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam và một số sự kiện có thể giúp phát triển công nghiệp thời trang. Điện ảnh là ngành công nghiệp đặc biệt vì chuyển tải những giá trị văn hoá, con người Việt Nam đến với khán giả Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều các tác phẩm điện ảnh của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt Biếc, Bố già… là những ví dụ như thế),  đạt doanh thu cao, có sức hấp dẫn, thu hút khán giả. Đây là lĩnh vực có thể mang lại giá trị kinh tế cùng với các tác động lan toả sang các lĩnh vực khác như du lịch, thời trang, ẩm thực....

 Để văn hóa phát triển đột phá - Ảnh 7.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Thiết kế là xu hướng phát triển chung của cả thế giới. Hà Nội đang là thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Trong khi đó, ẩm thực là lĩnh vực Việt Nam có lợi thế khi chuyên gia Marketing hàng đầu thế giới Philip Kotler cũng mong muốn Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Với nền nông nghiệp phát triển, ẩm thực Việt Nam không chỉ giúp giới thiệu du lịch mà còn hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu nông nghiệp.

Du lịch văn hoá là lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước. Trong khi chúng ta giành nhiều giải thưởng về du lịch, hầu hết đều liên quan đến văn hoá, thì đây sẽ là lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt trong những năm sắp tới. Còn thủ công mỹ nghệ hiện đang có doanh thu gần bằng xuất khẩu gạo, và còn có nhiều tiềm năng trong những năm sắp tới. Và âm nhạc là một trong những lĩnh vực sôi động nhất của nghệ thuật, cần có sự quan tâm phát triển. Chúng ta cần xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam để không chỉ tạo ra thị hiếu mới, giúp xây dựng con người, mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho sự phát triển đất nước.

Tóm lại, đúng như tinh thần Nghị quyết của Đảng về văn hóa luôn nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi cần có sự kiên trì, thận trọng. Trên con đường vĩ đại, vinh quang và vô cùng khó khăn ấy, vừa cần có những giải pháp, hành động mang tính dài hơi nhưng cũng cần có những giải pháp, hành động hết sức cụ thể. Dù bằng bất kỳ một giải pháp hay hành động nào, thì tôi tin rằng, nó nên được bắt đầu ngay lập tức, bởi những người có trách nhiệm là chính chúng ta./. 

                  Trình bày: Hồng Gấm - ảnh: Nam Nguyễn                                                                                        

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×