Để phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
26/01/2020 | 18:50Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 09/6/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mặc dù nhận thức của các cấp ủy đảng, ban, ngành chức năng về văn hóa, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao nhưng sự đầu tư cho văn hóa vẫn chưa xứng tầm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy nhằm làm rõ hơn những nhiệm vụ của Bộ VHTTDL trong việc hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Thưa Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội. Qua nhiệm vụ của Bộ VHTTDL, vấn đề này đã được xác định như thế nào, thưa bà?
- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa".
Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới, vị trí và vai trò của văn hóa ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong Nghị quyết Trung ương 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Đảng nhấn mạnh sức mạnh nội sinh của văn hóa, gắn văn hóa với con người, tập trung xây dựng và phát triển con người.
Với sự phát triển về nhận thức như vậy, những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Đầu tư cho các hoạt động văn hóa dần dần được nâng cao, đời sống văn hóa của đất nước trên một số mặt đã có thành tựu rõ rệt.
Xây dựng "văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" có thể hiểu là xây dựng những giá trị chuẩn mực Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam có đạo đức và tinh thần nhân văn, có trách nhiệm với dân tộc, với vận mệnh đất nước… Xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển, Đảng đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đồng thời tạo môi trường để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cùng ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc…
Trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ 8 nhiệm vụ quan trọng của ngành năm 2019 trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ thứ 3: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh công tác đối ngoại văn hóa, hội nhập quốc tế; tôn trọng và bảo vệ bản quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa. Nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên, học sinh, sinh viên, người lao động của Ngành về đạo đức, lối sống; đẩy mạnh "Văn hóa đọc" nhằm tạo phong trào đọc sách trong toàn xã hội.
Như vậy, trong việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, chúng tôi luôn xác định việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước bằng văn hóa, qua văn hóa.
Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hiện nay, theo Thứ trưởng, cần phải bắt đầu từ đâu?
- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Nghị quyết số 33-NQ/TW đã nêu 6 nhiệm vụ về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" gồm: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Cùng với đó là 4 giải pháp: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
Từ 4 giải pháp mà Nghị quyết số 33 nêu ra, chúng ta cần triển khai đồng bộ trong từng Bộ, ngành, từng đơn vị, đặc biệt là trong ngành VHTTDL.
Để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trước hết là xây dựng hệ giá trị Việt Nam, chuẩn giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bởi lẽ bất cứ thời đại nào cũng có những hệ giá trị riêng. Trước đây, ta đã có hệ giá trị văn hóa nông nghiệp - nông thôn gắn với văn hóa làng xã và những giá trị đó đã hun đúc tinh thần dân tộc qua những dặm trường lịch sử. Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa không bất biến mà cần có sự điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để đất nước vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong một thế giới phẳng, chúng ta cần xác lập một hệ giá trị mới: Hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập. Định hướng phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa có thể nhìn nhận là một bước chuyển về tư duy. Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta đã xác định trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Và để xây dựng văn hóa con người cần xây dựng một hệ giá trị thích hợp để phát huy được những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu. Cùng với đó là chuẩn bị các yếu tố cần thiết để chắt lọc thẩm thấu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong nhiều năm qua, mặc dù nhận thức về vai trò và vị trí của văn hóa đã được nâng cao nhưng việc đầu tư cho văn hóa vẫn chưa xứng tầm. Thứ trưởng có nhận định gì về điều này?
- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, ngân sách Nhà nước dành cho văn hóa còn hạn hẹp, việc đặt mục tiêu chiến lược và đầu tư để phát triển văn hóa Việt Nam liệu có viển vông và xa vời?
Ngược lại, cũng không ít ý kiến sẽ băn khoăn rằng, nếu không có những đầu tư, cải cách có tính đột phá thì bao giờ văn hóa của Việt Nam, con người Việt Nam mới khẳng định được vị trí trên trường quốc tế.
Tôi nghĩ rằng, sẽ không có gì là viển vông nếu chúng ta có được một chính sách văn hóa khuyến khích mọi thành viên trong xã hội, mọi thành phần kinh tế tham gia vào quá trình hiện thực hóa những mục tiêu đó.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!