Để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam mãi lan tỏa giá trị văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc
08/02/2019 | 09:43Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam từ khi mở cửa và đi vào hoạt động đến nay đã thực sự trở thành điểm đến lan tỏa những tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc tới cộng đồng, du khách trong và ngoài nước.
Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Anh - Quyền Trưởng ban BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam về nhưng kết quả đạt được trong năm 2018 và mục tiêu phát triển của Làng trong thời gian tới.
Năm 2018 là năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục gặt hái nhiều thành công và đạt được những mục tiêu ấn tượng. Đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, năm vừa qua đã đạt được những kết quả tiêu biểu nào, thưa ông?
- Năm 2018 là năm Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (BQL) tiếp tục ổn định và phát triển. Tuy có nhiều biến động về công tác cán bộ và việc chuyển đổi mô hình có tác động đến tâm tư, tình cảm của công chức, viên chức, người lao động, nhưng chúng tôi đã quán triệt, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành vượt mức kế hoạch công tác, đạt được những kết quả quan trọng.
Ông Lê Quang Anh- Quyền Giám đốc Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
BQL đã xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trình Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2018, việc vận hành, khai thác Khu các làng dân tộc tiếp tục được chú trọng với nhiều hoạt động phong phú, có chiều sâu, góp phần thu hút khách tham quan và khai thác có hiệu quả hơn không gian văn hóa các dân tộc.
Với những nỗ lực của các đơn vị, trước hết là đổi mới các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn thu hút khách tham quan, năm 2018 đã đạt gần 600.000 khách tham quan, tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2017.
Việc thu phí tham quan được triển khai đúng theo quy định, quy trình bán vé phù hợp với tình hình thực tế... Tích cực triển khai quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch năm 2018 của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các công ty lữ hành, các sự kiện trong và ngoài nước. Khai thác triệt để phương án kinh doanh dịch vụ, phát huy tối đa xã hội hóa đã có và đáp ứng được một phần nhu cầu khách du lịch.
Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, BQL đã chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng các công trình. Đến nay, tình trạng xuống cấp công trình đã được cải thiện…
Năm 2018, được sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, BQL đã tổ chức thành công 3 sự kiện thường niên: Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, thưởng ngoạn.
Tổ chức thành công chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" năm 2018 với nguồn kinh phí huy động 100% xã hội hóa. Chương trình đã trở thành hoạt động thường niên của BQL hướng tới đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng đồng bào đón Tết.
BQL đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức 12 sự kiện theo quý, định kỳ hàng tháng, tổ chức hơn 21 lễ, hội các dân tộc.... Ban Quản lý đã phối hợp với các địa phương phát huy thế lợi thế văn hóa cộng đồng các dân tộc hoạt động hàng ngày để giới thiệu tới khách du lịch...
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã có một số kết quả, trong đó cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư Du lịch - Văn hóa - Nghỉ dưỡng Đồng Mô. Trên cơ sở đó, Nhà đầu tư đang xây dựng đồ án quy hoạch. Đồng thời, BQL đang tiếp xúc, làm việc với một số đối tác nghiên cứu và đề xuất đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Công ty TNHH MTV Đầu tư PHM, Công ty CP Đầu tư Công nghệ NANOICE Việt Nam… để đầu tư xây dựng các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu đón 660.00 lượt khách tham quan trong năm 2019
Như ông nói, một năm qua, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều biến động và khó khăn không ít, điều đó có ảnh hưởng tới hoạt động tại Làng trong thời gian tới hay không, thưa ông?
- Tuy năm 2018 có nhiều khó khăn trong công tác tổ chức và hoạt động, nhưng Ban lãnh đạo BQL luôn lạc quan, tin tưởng và thống nhất đề ra kế hoạch và mục tiêu cụ thể trong năm 2019 tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Có thể nói, năm 2019 có nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa là thách thức nhưng cũng là thời cơ. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình, quản lý, tổ chức và hoạt động của đơn vị, sớm hoàn thành việc kiện toàn bộ máy tổ chức và đi vào hoạt động ổn định ở mô hình mới. Đồng thời, BQL tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường các hoạt động gìn giữ tái hiện văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng các dự án.
Tổ chức tốt các hoạt động và sự kiện năm 2019, khai thác, vận hành ổn định Khu các làng dân tộc. Theo kế hoạch có 13 - 18 cộng đồng dân tộc về hoạt động thường xuyên hàng ngày. Mục tiêu đón 660.00 lượt khách tham quan năm 2019 là có cơ sở và chắc chắn sẽ đạt được.
Để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là điểm văn hóa, du lịch đáng đến, BQL sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phấn đấu lựa chọn được nhà đầu tư lớn để thực hiện dự án đầu tư vào các khu chức năng sử dụng nguồn vốn ngoài Ngân sách nhà nước.
Nhiều hoạt động văn hóa, giao lưu giữa các dân tộc được tổ chức định kỳ tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tuy nhiên để hoạt động thực sự hiệu quả, thực sự sống động, thu hút đầu tư, xã hội hóa chắc chắn không phải một sớm một chiều và còn nhiều việc phải làm, thưa ông?
- Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng, ấp ủ của nhiều thế hệ lãnh đạo và những người làm việc tại Làng. Nhiều người không thể hình dung được, để có một "Ngôi nhà chung" trên mảnh đất này đó là khoảng thời gian dài từ việc nghiên cứu, điền dã, sưu tầm, chuẩn bị nội dung và có sự phối hợp với nhiều địa phương, ban ngành thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đến việc thiết kế, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu các làng dân tộc, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện để đón đồng bào dân tộc – chủ thể văn hóa về đây hoạt động "thổi hồn" vào không gian Làng.
Phải khẳng định rằng, khác với bảo tàng và những khu du lịch đơn thuần, ở đây là sự kết hợp giữa cảnh quan, không gian của từng ngôi làng, các công trình văn hóa đặc trưng vùng miền cùng với hoạt động sống, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào tạo nên sự hấp dẫn du khách.
Từ những hoạt động hàng ngày, hoạt động hàng tháng, theo sự kiện, các ngày lễ lớn, theo mùa, nhiều lễ hội đặc sắc cùng những không gian độc đáo, người dân và du khách không cần phải đi đâu xa mà chỉ cần lên Làng là có thể trải nghiệm văn hóa đặc sắc vùng miền.
Du khách chỉ cần lên xe điện là có thể tham quan "một vòng đất nước" với không khí trong lành, cây xanh rợp bóng qua công trình tháp Chăm đồ sộ, chùa Khơ mer linh thiêng, vườn tượng Tây Nguyên hoang sơ huyền bí, không gian khu các làng của 54 dân tộc rộn ràng những lễ hội, lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi cuốn hút của đồng bào, không gian hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa dã quỳ, đồi chè, rừng cọ bạt ngàn sắc màu chào đón.
Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành địa chỉ văn hóa của người dân
Chính vì vậy, nhiều người đã chọn "Làng" như một địa chỉ văn hóa cuối tuần đưa gia đình, người thân cùng trải nghiệm, thêm yêu văn hóa dân tộc, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc tới cộng đồng. Có được điều đó đã là thành công bước đầu trên con đường bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Tuy vậy, việc lan tỏa những giá trị ấy không chỉ đo đếm bằng số lượng khách tham quan. Mà điều quan trọng là tạo ra những giá trị trường tồn, những giá trị ăn sâu vào tiềm thức của du khách khi đến với "Làng". Trước hết là đồng bào các dân tộc - chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình ngay tại "Ngôi nhà chung". Có thể, ngay tại địa phương, đồng bào dân tộc không còn giữ được những ngôi nhà hay bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc mình do bị mai một, nhưng khi đến với Làng họ vẫn thấy được gìn giữ bảo tồn. Làm sao du khách không chỉ đến một lần mà là nhiều lần với nhiều trải nghiệm khác nhau, để tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm...
Chính vì mục tiêu ấy, các hoạt động xúc tiến đầu tư vào "Làng" không thể ồ ạt hay tăng tốc được. Một mặt, chúng tôi tiếp tục tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan. Một mặt, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư vào các hạng mục còn lại nhưng cũng cần xem nhà đầu tư đó có thực sự thiết tha văn hóa dân tộc hay không. Bởi, đầu tư cho văn hóa, cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc không thể "đốt cháy giai đoạn", vì lợi nhuận trước mắt mà quên mục tiêu đã được xác định.
Một năm mới Kỷ Hợi đã tới, tôi chúc các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đã và đang gắn bó với "Làng" một năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Chúc bà con dân tộc đang hoạt động tại Làng sức khỏe dồi dào, luôn yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình để nhóm lên ngọn lửa lan tỏa tới thế hệ trẻ, thêm yêu "Ngôi nhà chung" - Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!