Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Động lực để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững
09/07/2024 | 11:20Ngày 9/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả thực hiện.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ban, ngành, một số UBND tỉnh - thành phố, các tổ chức quốc tế, đại diện một số đơn vị tổ chức văn hóa, nghệ thuật, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo, không gian sáng tạo, văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa.
Văn hóa không phải là ngành tiêu tiền
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.
"Những chuyển biến trên cho thấy khả năng tác động, hiệu quả thực tiễn của Chiến lược trong quá trình hoàn thiện khung khổ chính sách, kiện toàn cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương, cùng sự tích cực, chủ động tham gia của các văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế... Tất cả đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo đa dạng ở nước ta"- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, qua thực tiễn 07 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành "tiêu tiền" đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, sau 8 năm triển khai Chiến lược cho thấy một số điểm yếu khác như chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dich Covid 19; Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững; Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH; Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành năm 2021 xác định, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hoá, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam mong muốn nhận được và tiếp thu những ý kiến đóng góp chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà quản lý, cũng như các đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng và đề xuất các quan điểm, giải pháp, định hướng phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam trong giai đoạn tới- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới trên toàn bộ lĩnh vực văn hóa
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Hội thảo là dịp nhìn lại hành trình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay và cùng trao đổi để mở ra những đường hướng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta thời gian tới.
Theo ông Trần Hoàng, trong vòng chục năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đạt được sự tăng trưởng đáng lưu ý. Từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... các ngành này đã không chỉ làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn đang trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2014 và phê duyệt vào cuối năm 2016 trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nhận thức chung và kinh nghiệm lúc đó, là nỗ lực cụ thể đầu tiên Chính phủ đối với vấn đề này. Chiến lược này, với tầm nhìn đến năm 2030, có những mục tiêu: không chỉ tìm cách giải phóng và khai thác tiềm năng kinh tế của các nguồn lực văn hóa và tài năng sáng tạo, đóng góp tăng trưởng 7% GDP vào năm 2030, mang lại nhiều việc làm cho người lao động mà còn hướng tới các mục tiêu có tính phát triển bền vững như thúc đẩy hội nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người dân và tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, thương hiệu địa phương và quốc gia ra thị trường khu vực và thế giới.
"Việc ban hành Chiến lược này là động lực tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới trên toàn bộ lĩnh vực văn hóa. Qua thực tiễn 08 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đạt được sự tăng trưởng về đóng góp GDP, việc làm, doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong cả nước. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, sự nỗ lực của các nhân tố tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế nhưng phản ánh nội dung và tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc"- ông Trần Hoàng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng, hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và trong những năm tới, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức cấp bách về phát triển bền vững và năng lực cần có để ứng phó với nhiều khủng hoảng ở quy mô toàn cầu. Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo sẽ đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định rõ nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới".
"Như vậy, những yêu cầu cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn trên đã đặt ra nhiệm vụ cần phải xây dựng một Chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hóa và sáng tạo của quốc gia; giải quyết triệt để các thách thức hiện nay về cơ chế-chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Hội thảo tham vấn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ VHTTDL giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả các đơn vị khác thực hiện với mục đích nhằm tạo dựng được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu và cởi mở của các chuyên gia, những nhà quản lý, cũng như những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045"- ông Trần Hoàng cho biết.
Tại Hội thảo, 17 ý kiến góp ý vào Chiến lược với những mong muốn Chiến lược chú trọng hơn đến các chính sách quan tâm đến đối tượng đầu tư cho công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, sự kết nối, tham chiếu giữa các ngành công nghiệp văn hóa.../.