Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện
06/03/2020 | 08:35Sáng 5/3, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam".
Phát biểu tại cuộc họp, bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam và Thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Việt Nam hướng tới Chính phủ số. Ngay từ đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Bên cạnh đó, Luật Thư viện xác định một trong những nhiệm vụ của các thư viện là ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, cũng xác định việc đầu tư có trọng điểm cho các thư viện có vai trò quan trọng, và một số thư viện được ghi danh trong Luật như: Thư viện Quốc gia Việt Nam và các thư viện công cộng cấp tỉnh. Đề án giúp cho các thư viện tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. "Chính vì thế, việc xây dựng Đề án là hết sức có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bà Ngà nhấn mạnh.
Dự thảo đề cương Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người sử dụng; Chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững; Có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm ứng dụng một số thành tựu khoa học công nghệ tại thư viện, tạo thuận lợi cho đổi mới trong hoạt động thư viện...
Mục tiêu của cụ thể của Đề án: Với việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện, các thư viện thực hiện liên thông, phát triển và đổi mới sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tích cực truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, có khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của người sử dụng thư viện… Qua đó, góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng người dân Việt Nam toàn diện.
Một số chỉ tiêu Đề án hướng tới: Phấn đấu 100 % thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; Hiện đại hóa thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở Trung ương. Đảm bảo 100 % Website có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; Xây dựng tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở cho các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và các cơ sở giáo dục khác…
Số hóa 70 % tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý; Tổ chức mượn liên thư viện; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện, đảm bảo mỗi nhân viên thư viện được đào tạo lại các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.
Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Đẩy mạnh tự động hóa hoạt động thư viện; Chuyển đổi số; Phát triển sản phẩm thông tin, đổi mới dịch vụ thư viện; Đào tạo nhân lực thư viện; Tăng cường chuẩn hóa; Triển khai nghiên cứu khoa học trọng điểm; Đẩy mạnh xã hội hóa; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đánh giá cao việc xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Đồng thời, khẳng định đây là một trong trong những chủ trương tốt cho sự phát triển của ngành Thư viện. Đề án này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thư viện Việt Nam, tạo sự phát triển theo đúng xu hướng của thế giới... Đây cũng là cơ hội rất lớn cho hệ thống thư viện Việt Nam có thể phát triển theo hướng đồng bộ hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp khoa học.
Các thành viên cũng đã đóng góp một số nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong Dự thảo đề cường Đề án, các như: Thay đổi tên Đề án; Các giải pháp thực hiện; Đề án phải hướng tới nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin, về thư viện; Xây dựng các kênh tương tác với bạn đọc qua mạng xã hội như Zalo, Facebook; Phải có Bộ tiêu chí chuẩn chung các các thư viện; Sử dụng trí tuệ nhân tạo; Xây dựng cách kể chuyện; Số hóa tài liệu quý hiếm... Các đại biểu cũng đề nghị Vụ Thư viện xây dựng phiếu điều tra bạn đọc, cán bộ phụ trách hạ tầng dữ liệu và lãnh đạo thư viện về Đề án.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Trưởng Ban Soạn thảo Đề án cho biết, các ý kiến này sẽ là cơ sở nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp này, bà Ngà cũng yêu cầu các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cần có sự nghiên cứu kỹ về Dự thảo đề cương Đề án, để từ đó có các ý kiến tham gia đóng góp một cách chi tiết, cụ thể hơn bằng văn bản, gửi về Tổ thư ký (Vụ Thư viện).