Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đẩy mạnh công tác Pháp chế góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ngành VHTTDL

02/03/2011 | 17:41

(VP) - Ngày 01/03, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Vụ Pháp chế đã tổ chức Hội thảo đánh giá 02 năm thực hiện Chỉ thị số 79/2008/CT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường công tác pháp chế ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Thứ trưởng Bộ VHTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã tới dự và khai mạc Hội thảo.

Cùng tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Tổng cục, Cục, Thanh tra, Văn phòng; lãnh đạo và cán bộ làm công tác pháp chế 12 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Qua hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 79/2008/CT-BVHTTDL, hoạt động soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, công tác rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã được tổ chức tốt hơn tại nhiều đơn vị thuộc Bộ và nhiều địa phương. Công tác pháp chế đã từng bước đi vào nề nếp và đạt những kết quả tốt.

Đến nay hệ thống pháp luật về quản lý ngành đang ngày càng hoàn thiện, đã có 9 luật 2 pháp lệnh, hàng chục nghị định và hàng trăm thông tư về các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được ban hành. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai bằng nhiều hình thức thích hợp để đưa các văn bản vào cuộc sống.


Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại Hội nghị

Về nhận thức và tổ chức làm công tác pháp chế, tính đến thời điểm hiện nay, có 7/40 địa phương đã có báo cáo thành lập tổ chức pháp chế hoặc phân công cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách, 02 địa phương thành lập tổ chức pháp chế dưới hình thức Ban Pháp chế và Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật tại các cơ quan thuộc Bộ và các địa phương đã được thực hiện đúng theo các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo.

Trong 02 năm (2009-2010) các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã chủ trì soạn thảo ban hành 15 văn bản (03 Luật, 10 Nghị định và 2 Quyết định) trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng cũng đã được ban hành với 33 văn bản (08 Quyết định, 01 Chỉ thị và 24 Thông tư).

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị chủ động thực hiện kết hợp với các hoạt động chuyên môn; nhiều cơ quan đơn vị  đã tổ chức, triển khai việc xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật; biên soạn nội dung văn bản và tổ chức in, phát hành tờ rơi, tờ gấp, các cuốn sách tuyên truyền…phổ biến trên hệ thống loa các quy định có liên quan khi tham gia hoạt động tại các lễ hội, di tích lịch sử văn hóa; các chuyên trang, chuyên mục phổ biến văn bản mới, hỏi đáp pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các phương tiện báo chí của ngành vẫn được duy trì…

Công tác rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan Bộ và tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện ra những văn bản không phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời kiến nghị điều chỉnh. Tính đến thời điểm báo cáo Bộ đã tiến hành tự kiểm tra tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành và liên tịch ban hành.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp chế được các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng và cử cán bộ tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ VHTTDL và Bộ Tư pháp tổ chức.

Tuy vậy, việc soạn thảo và tổ chức thực hiện văn bản trong nhiều đơn vị vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chưa thực hiện đúng quy trình; chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp soạn thảo văn bản còn hạn chế nên tiến độ nhiều văn bản vẫn còn chậm, chất lượng một số văn bản còn hạn chế. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2010, việc đảm bảo thời hạn trình các văn bản để trình Chính phủ còn lung túng, việc tổ chức thực hiện văn bản trong nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như yêu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, các kiến nghị cũng đã được đưa ra như: cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác pháp chế; Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thường xuyên chỉ đạo và đôn đốc các hoạt động trong năm; kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách phụ cấp để động viên, thu hút cán bộ làm công tác pháp chế…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: công tác pháp chế đóng vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và khi thực hiện vì nó đòi hỏi mỗi cán bộ, chuyên viên phải vừa có kiến thức chuyên môn về pháp luật, vừa am hiểu công việc quản lý của ngành vốn rất đa dạng và phức tạp. Do đó, bằng những kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình, cần tích cực thảo luận và chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của những yếu kém, đề ra phương hướng khắc phục giúp cho Lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, đưa hoạt động quản lý đi vào một hành lang pháp lý rõ ràng, rành mạch, để có hiệu quả cao nhất.  

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×