Đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay
09/10/2014 | 13:22Diễn ra trong 02 ngày 8-9/10/2014 tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay” do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhạc sỹ, giảng viên âm nhạc của Việt Nam. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã tới dự.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng đào tạo nhạc sỹ sáng tác có vai trò quan trọng, đóng góp thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao cho xã hội; khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa nền âm nhạc giải trí với hàn lâm; phát hiện đội ngũ nhạc sỹ chuyên nghiệp góp phần nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia đã nhận được sự quan tâm như: “Ý tưởng và mục đích trong đào tạo ngành sáng tác âm nhạc ở Việt Nam” của PGS. Nguyễn Văn Nam; “Thử bàn về tầm quan trọng của việc đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam” của PGS. Vĩnh Cát; “Cần tìm kiếm, phát hiện những khả năng sáng tạo cho ngành đào tạo sáng tác âm nhạc hiện nay” của nghệ sỹ Cát Vận; “Sự cần thiết trong việc mở rộng quy trình dạy và học môn sáng tác âm nhạc hiện nay” của nghệ sỹ Vũ Nhật Tân; “Những suy nghĩ về đào tạo Sáng tác khí nhạc dân tộc cổ truyền cách tân” của nghệ sỹ NSND Trần Quý ; “Sáng tác âm nhạc - Vì sao” của Gei Johnson (Na Uy); “Kết nối lý thuyết âm nhạc địa phương với sáng tác thế kỷ XXI” của Maria Christine (Philippines)…
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, đào tạo sáng tác âm nhạc là khâu then chốt để có những nhà soạn nhạc trong tương lai. Hội thảo quốc tế lần này là cơ hội quý báu để lắng nghe những ý kiến của các nhà quản lý, các nhạc sỹ, các nhà sư phạm đánh giá về tình hình đào tạo ngành sáng tác âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, tìm hiểu những xu hướng đào tạo sáng tác âm nhạc trên thế giới, để từ đó phân tích, rút kinh nghiệm vào thực tế giảng dạy ở Việt Nam.
CTTĐT