Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đảm bảo công khai, công bằng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng khối VHNT năm 2013

18/01/2013 | 08:28

(VP) - Như tin đã đưa, ngày 08/01, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT phê duyệt Đề án thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa-Nghệ thuật. Theo đó, từ kỳ tuyển sinh năm 2013, 10 trường đại học, cao đẳng khối VHNT sẽ tổ chức thi riêng không theo đề thi “3 chung) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.

Để triển khai hiệu quả Đề án và kịp thời cho công tác tuyển sinh năm 2013, chiều ngày 16/01, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật. Thông qua Hội nghị, các ý kiến thắc mắc cũng như khó khăn trong việc tuyển sinh theo đề án mới sẽ được Bộ VHTTDL và Bộ Giáo Dục và Đào tạo giải đáp, quán triệt.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Vụ Đào tạo và các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL.

Đề án khởi đầu cho Luật Giáo dục đại học
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh, khi Đề án được triển khai, các cơ sở đào tạo cần xác định đây là một trong những lộ trình đổi mới đào tạo tại các trường VHNT. Đồng thời phải thực hiện chặt chẽ, chính xác, đúng luật, đúng quy định và nội dung của đề án để đảm bảo chất lượng của các kỳ thi.


Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, đồng chí Đào Mạnh Hùng cũng lưu ý, việc miễn thi môn Văn ở các trường thi khối H, N, S không có nghĩa là bỏ thi môn Văn. Môn Văn vẫn là môn quan trọng như các môn năng khiếu. Các thí sinh chỉ không dự thi môn Văn tại trường Văn hóa - Nghệ thuật mình đăng ký thi mà phải thi môn Văn theo tuyển sinh “3 chung” ở các trường đại học, cao đẳng khác rồi mang kết quả môn Văn đó về trường nghệ thuật để xét tuyển. Điều này nhằm tiết kiệm cho thí sinh và tránh tình trạng một môn thi 2 lần.

Theo đồng chí Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật được triển khai khởi đầu cho Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua cách đây 6 tháng và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Đồng chí Ngô Kim Khôi cũng đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng cho mùa thi năm 2013 như: Trong quá trình tổ chức coi thi, chấm thi các môn thi năng khiếu, nên ghi âm, ghi hình để làm tư liệu hoặc làm minh chứng trong trường hợp có khiếu kiện xảy ra. Bên cạnh đó, các trường cần công khai thông tin tuyển sinh trên các phương tiện truyền thông, nhất là trang thông tin của nhà trường. Trong quá trình tuyển sinh, nếu các trường thiếu chỉ tiêu có thể xét kết quả từ đề thi “3 chung” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: thời gian tổ chức thi tuyển, điểm chuẩn cho các ngành học, nên hay không nên sử dụng Camera ghi lại quá trình thi tuyển…

Đảm bảo công khai, công bằng trong tuyển sinh
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định việc phê duyệt Đề án nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật trong công tác tuyển sinh; Nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật; Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật chủ động trong công tác tuyển sinh vào học ngành năng khiếu.

Thứ trưởng đề nghị, để triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và đạt hiệu quả cao, 10 cơ sở đào tạo thụ hưởng từ Quyết định 102/QĐ-BGDĐT cần nghiên cứu, hoàn thiện Đề án tuyển sinh của từng Trường và chậm nhất đến ngày 25/01 phải trình Bộ VHTTDL phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/01/2013.


Toàn cảnh Hội nghị

Đối với các ý kiến thắc mắc của các Trường, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, theo Đề án mới được phê duyệt, các cơ sở đào tạo có quyền lựa chọn các phương án tuyển sinh, được quyết định thời gian tổ chức thi, mức điểm chuẩn cũng như nên hay không nên sử dụng Camera ghi lại quá trình thi tuyển sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, việc tổ chức thi tuyển phải đảm bảo công khai, dân chủ và công bằng; phải công bố rộng rãi thông tin tuyển sinh trên các trang thông tin của trường. Bên cạnh đó, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, các cơ sở đào tạo cần quan tâm, trú trọng các đối tượng thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt đối với các môn học mang tính chất bảo tồn văn hóa, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ có hỗ trợ cho các môn này.

Thứ trưởng giao Vụ Đào tạo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ sớm thành lập Ban Tuyển sinh cấp Bộ, xây dựng quy chế thanh tra, kiêm tra; đồng thời bổ sung, cập nhật phần mềm công bố công tác tuyển sinh; là cơ quan đầu mối giúp Bộ liên hệ với các trường để giải quyết các thắc mắc trong công tác tuyển sinh.

Danh sách 10 trường khối VHNT thi tuyển sinh riêng theo Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT gồm:

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.


HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×