Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội: Hướng đến tầm nhìn trường đại học nghệ thuật trọng điểm hàng đầu của cả nước và ASEAN

26/07/2018 | 09:30

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hướng đến mục tiêu sẽ là trường đại học nghệ thuật trọng điểm hàng đầu của cả nước và phấn đầu trở thành một trong các trường đào tạo sân khấu - điện ảnh hàng đầu trong khối ASEAN.

“Cái nôi” đào tạo nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động theo các quy định của Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học. 

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nguồn: khoeplus

Mục đích hoạt động của Trường là đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu hoạt động trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, thiết kế mỹ thuật và truyền hình có trình độ từ đại học đến sau đại học, có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực sáng tạo tốt, đáp ứng nhu cầu giữ gìn, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Là một trung tâm đào tạo trọng điểm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình; trường Đại học Sân khấu điện ảnh cũng là đơn vị đi đầu trong việc tiếp thu kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực sân khấu - điện ảnh của các nước vận dụng vào thực tế Việt Nam.

Trải qua hơn 35 năm hình thành, phát triển Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và hơn nửa thế kỷ sự nghiệp đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trong các lĩnh vực sân khấu; điện ảnh; nhiếp ảnh; thiết kế mỹ thuật; múa và truyền hình…nhiều thế hệ sinh viên ra trường đã trở thành những nghệ sĩ tài năng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có khả năng giữ gìn, kế thừa và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể kể ra như Lê Mỹ Cường (Đ D K29) Giải đặc biệt Liên hoan phim các trường đại học châu Á lần I; Đỗ Duy Nam (DV K28) Diễn viên ưu tú Liên hoan sân khấu Châu Á các trường đào tạo nghệ thuật (ATEC) tại Bắc Kinh (TQ) năm 2012 ; Lưu Diệu Hoa (DV K28) Diễn viên xuất sắc Liên hoan sân khấu Châu Á các trường đào tạo nghệ thuật (ATEC) tại Bắc Kinh (TQ) năm 2012 ; Đỗ Quốc Trung ĐD K28 với bộ phim Thị trấn Ma ko Giải đặc biệt Giải thưởng quốc tế phim chấu Á; Khuất Quỳnh Hoa (Diễn viên Liên thông K34) Huy chương vàng Liên hoan quốc tế SK thử nghiệm lần thứ III năm 2016 tại Hà Nội…

Có được những thành tựu đó là do tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, sinh viên Nhà trường đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, mang lại nhiều thay đổi tích cực. Những kết quả đáng khích lệ được thể hiện trong việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo; cập nhật chương trình đào tạo; điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo trình; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ, phát triển cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.    

Tác phẩm "Hơi rụt rè" tác giả Lê Quang Linh, lớp Nhiếp ảnh K34 giành giải nhất triển lãm tranh, ảnh cho học sinh, sinh viên với chủ đề Nét đẹp đời thường tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2016

Ngay từ năm học đầu tiên, Nhà trường đã có sự kết nối với cựu sinh viên, các nghệ sĩ nổi tiếng, các cán bộ lãnh đạo giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ ở các nhà hát; hãng phim; đài truyền hình; đoàn nghệ thuật trong cả nước làm giảng viên thỉnh giảng, giảng dạy, tọa đàm, sát cánh cùng sinh viên trong suốt thời gian học tập. Đây chính là biện pháp thiết thực nhất giúp sinh viên được tiếp cận với các nhà tuyển dụng, tạo cho các em cơ hội có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo sau khi tốt nghiệp. Vì vậy mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm và làm việc đúng với ngành nghề được đào tạo là tương đối cao.

Hướng đến tầm nhìn trường đại học nghệ thuật trọng điểm hàng đầu của cả nước và ASEAN

Mục tiêu chung của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được xác định trong Kế hoạch chiến lược phát triển trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn 2030 và trong Đề án xây dựng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội trở thành trường trọng điểm quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Theo đó, “xây dựng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đến năm 2020 thành trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo các ngành sân khấu, điện ảnh – truyền hình. Có cơ cấu ngành nghề phù hợp, gắn với đòi hỏi của thực tiễn xã hội; có hệ thống chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo tiên tiến, tiếp cận chuẩn mực quốc tế; có phương thức đào tạo đa dạng, huy động được nguồn lực của toàn xã hội; có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giỏi, có phẩm chất chính trị, đủ năng lực và tiêu chuẩn tương đương trình độ quốc tế; có cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại, mang tính chuyên nghiệp cao, gắn với đặc thù từng ngành học; có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng; có phương pháp quản lý và mô hình quản trị đại học tiên tiến, hiệu quả, đạt các chuẩn mực khu vực và thế giới” 

Mục tiêu của Nhà trường đã xác định, phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học quy định tại Luật giáo dục và phù hợp với sứ mạng đã tuyên bố của Nhà trường. Mục tiêu này đã có sự kế thừa, được bổ sung và điều chỉnh trên cơ sở nội dung các mục phương hướng, nhiệm vụ trong sự phát triển của Nhà trường qua các kỳ đại hội Đảng bộ Trường 

Trường đặc biệt coi trọng kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo, đa dạng các phương thức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Trước yêu cầu mới của ngành, Trường đã tích cực và chủ động mở ra các ngành học mới: Công nghệ điện ảnh truyền hình (2007); đạo diễn âm thanh ánh sáng sân khấu (2012) và triển khai các phương thức đào tạo mới như đào tạo văn bằng hai các ngành diễn viên sân khấu điện ảnh, nhiếp ảnh; đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học hoặc từ cao đẳng lên đại học các ngành diễn viên chèo, diễn viên cải lương, huấn luyện, biên đạo múa… 

Giai đoạn 2017- 2020, Trường lập đề án mở mới thêm 1 ngành đào tạo đại học (nhà sản xuất phim); đồng thời mở thêm một số chuyên ngành: Hóa trang Sân khấu - Điện ảnh, kỹ xảo đồ họa, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành ĐA-TH, Diễn viên KHDT truyền hình; lập đề án mở mới thêm 02 ngành đào tạo đại học (sư phạm nghệ thuật KHDT), 02 ngành đào tạo thạc sĩ, 01 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. 

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã xác định rõ ràng sứ mạng và mục tiêu của Trường trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao. Ngoài ra, sứ mạng và mục tiêu của Trường còn được xác định từ việc phân tích, đánh giá các nguồn lực hiện có của Trường, từ các chiến lược; đề án của ngành nói riêng và của cả nước nói chung. Trường sẽ lập kế hoạch định kỳ thu thập ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, các CBGV, các cơ quan tuyển dụng, cựu sinh viên của Trường để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời mục tiêu, chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. 

Các hoạt động của Trường đều hướng đến tầm nhìn Trường sẽ là trường đại học nghệ thuật trọng điểm hàng đầu của cả nước, là trung tâm đào tạo nhân tài, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình có uy tín, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và ngang tầm với các trường tiên tiến trong khu vực. Phấn đầu trở thành một trong các trường đào tạo sân khấu - điện ảnh hàng đầu trong khối ASEAN, mang tên Học viện Sân khấu – Điện ảnh Quốc gia Việt Nam. 

Lương Hoàng Thi - Phó ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu Sân khấu - Điện ảnh,

Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội
 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×