Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại học Mỹ thuật Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

30/12/2015 | 18:20

Ngày 30.12, tại Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Thành lập Trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh, cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Hà Nội; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đông đảo các thầy cô giáo, các nghệ sĩ và sinh viên của Trường qua các thời kỳ.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, kể cả những giai đoạn khó khăn, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn thể hiện rất rõ ảnh hưởng của một “chiếc nôi” đào tạo lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật tạo hình nước nhà. Năm 1925, Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa học đầu tiên với 3 ngành đào tạo: Hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đây cũng dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng đối với mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập có tính tất yếu của lịch sử, tuy nhiên, không thể thiếu vai trò của họa sĩ Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường; sau này là họa sĩ Tô Ngọc Vân, vị hiệu trưởng đầu tiên là người Việt Nam, một nghệ sĩ có công lao to lớn trong sự nghiệp đào tạo và sáng tạo nghệ thuật của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Từ năm 1925-1945, dưới sự lãnh đạo của hai hiệu trưởng người Pháp Victor Tardieu và  Evariste Jonchère, nhà trường đã đào tạo được thế hệ những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, những người thầy mỹ thuật đầu tiên, những tác giả đầu tiên và cũng là những tên tuổi giữ vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

 
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Hồ Chí Minh cho lãnh đạo Nhà trường

Sau Cách mạng Tháng Tám, do hoàn cảnh kháng chiến, Trường Cao đẳng Mỹ thuật không tổ chức đào tạo được. Đến năm 1950, nhà trường đào tạo tại chiến khu Việt Bắc, với phương châm “học trong cuộc sống”, giảng viên và sinh viên bám sát nhiệm vụ kháng chiến, phục vụ các chiến dịch. Giai đoạn này đã có nhiều tác phẩm là những bức vẽ trực họa, ký họa có giá trị nghệ thuật và tư liệu lịch sử.

Từ năm 1955-1975 là thời kỳ nhà trường vận dụng nhiều hình thức đào tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ngoài đào tạo trình độ đại học (hệ chính quy và tại chức), trung cấp, nhà trường còn tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn nhằm kịp thời đáp ứng về nguồn cán bộ cho phong trào mỹ thuật ở địa phương. Nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên sau khi ra trường đã trở thành những tác giả có vị trí trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng lớn trong và ngoài nước.

Hòa mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, ở những giai đoạn cam go nhất, nhiều giảng viên, sinh viên của Trường đã đi vào các chiến trường, tham gia các chiến dịch, sáng tác và ghi chép nhiều tài liệu, tư liệu giá trị phục vụ cho hoạt động sáng tạo sau này. Họ chính là những nghệ sĩ, chiến sĩ thực thụ trên mặt trận văn hóa-văn nghệ.

Từ năm 1975 đến nay là giai đoạn nhà trường tập trung phát triển về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, những chuyên gia trình độ cao được đào tạo ở trong và ngoài nước. Hiện nay, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là địa chỉ đào tạo uy tín với 6 ngành đối với đào tạo trình độ đại học (Hội họa; Đồ họa; Thiết kế đồ họa; Điêu khắc; Sư phạm mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật), 2 chuyên ngành đối với đào tạo trình độ thạc sĩ (Mỹ thuật tạo hình, Lý luận và lịch sử mỹ thuật).
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên cờ truyền thống

Ghi nhận những đóng góp trong hành trình 90 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động Hạng Ba (1980, 2010), Huân chương Lao động Hạng Hai (1982), Huân chương Độc lập Hạng Ba (1985), Huân chương Lao động Hạng Nhất (1990), Huân chương Độc lập Hạng Hai (2000), Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2005). Nhiều tác giả, nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong lĩnh vực mỹ thuật cũng là những tên tuổi đã trưởng thành từ nhà trường.

Nhân kỷ niệm 90 năm Thành lập, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, ghi nhận những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp đào tạo  trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định “Mỹ thuật Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, với vận mệnh đất nước và để lại nhiều kiệt tác, phản ánh đặc điểm, tính chất của các giai đoạn, các lớp văn hóa, các vùng đất, tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa, mỹ thuật Việt Nam có điều kiện phát triển. Bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn hóa mà cha ông từ ngàn đời đã bồi đắp, đã trao truyền lại là vinh dự, trách nhiệm với quá khứ và cả trách nhiệm với tương lai. Các thầy cô giáo, các học viên sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật đã luôn và hãy luôn là những người tiên phong, là lực lượng nòng cốt để nền mỹ thuật nước nhà phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền văn hóa dân tộc và có vị trí xứng đáng trong nền mỹ thuật thế giới. Hãy cùng nhau xây dựng một trường đại học thật đáng học, thật đáng sống, để mỗi người, để mọi người đều trân trọng và luôn nỗ lực vươn tới Chân-Thiện-Mỹ".

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×