Đặc sắc Chương trình “Xuân quê hương” tại “Ngôi nhà chung”
05/02/2017 | 00:00Chương trình “Xuân quê hương” là chủ đề của tháng hoạt động hưởng ứng sự kiện Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, diễn ra từ ngày 1/2 đến 28/2/2017, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Trong khuôn khổ Chương trình sẽ giới thiệu nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh minh họa (nguồn: Hà Tuấn).
Theo đó, trong khuôn khổ Chương trình bao gồm các hoạt động: Tái hiện trích đoạn các lễ hội truyền thống: Tết Nhảy, dân tộc Dao, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội; Tổ chức Hội tung còn ngày xuân, dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên; Lễ tạ ơn thần Tài (A Tanpa Nuôn), dân tộc Tà Ôi tỉnh Thùa Thiên Huế; Lễ Buộc chỉ cổ tay, dân tộc Thái tỉnh Nghệ An; Lễ làm vía đầu năm, dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Lễ cúng sức khỏe (Lễ đeo vòng sức khỏe), dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc Xuân biên cương”.
Điểm nhấn của tháng là hoạt động “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” bao gồm: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân. Chủ tịch nước gặp mặt, chúc Tết đồng bào dân tộc. Điểm nhấn của hoạt động là Chủ tịch Nước, các đại biểu cùng đồng bào trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc I. Bên cạnh đó, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ giới thiệu, tái hiện các phong tục đón Tết truyền thống tiêu biểu và biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực dân tộc ngày Tết của cộng đồng các dân tộc được huy động tại không gian các nhà dân tộc, khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiêu biểu là lễ xên bản (cúng bản) của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Tái hiện tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên, hội chọi dê đầu xuân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Đến với “Ngôi nhà chung” vào dịp này, du khách cũng sẽ được đón tiếp nhân dịp đầu xuân năm mới tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày với những phong tục tập quán độc đáo. Mặt khác, du khách còn được khám phá, trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. mang âm sắc mùa xuân: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa za van; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến...
Dịp cuối tuần, trong những hoạt động hàng ngày tại các làng dân tộc Tày, Mường, Thái, Dao, Khơ Mú, Ba Na, Ê Đê, Khmer có các chương trình: Biểu diễn dân ca, dân vũ ca ngợi tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước…; Đón khách theo phong tục truyền thống ngày Tết, tặng những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa cho du khách khi ghé thăm các làng dân tộc.
Trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; gà nấu mọ, gà nướng… của dân tộc Khơ Mú; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam... Chương trình du lịch Homestay để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, Tày, Thái tại không gian khu các làng dân tộc.
Các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện tháng “Xuân quê hương” tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp đầu Xuân, tạo sân chơi lý thú và bổ ích, thu hút du khách tham quan "Ngôi nhà chung" nhân dịp đầu năm mới; Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá những lgiá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, củng cố và tăng cường giao lưu và sự hiểu biết giữa các dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc./.
Lan Anh