Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cùng đồng bào đón Tết cổ truyền ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

14/02/2018 | 07:30

Hòa chung không khí của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, vào những ngày này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa.

Cùng trổ tài nấu bánh trong ngày hội Làng

Chưa đến 8 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội - Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã từng bước hoàn thành tốt sứ mệnh của mình là nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; góp phần tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của những người con đất Việt.

Ngày hội nấu bánh chưng ở Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, phong tục gói bánh chưng tết đã xuất hiện từ rất lâu đời, là biểu trưng văn hóa của người Việt, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó làm bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu kính của người con với cha mẹ,

Năm nay, Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết với chủ đề “Tết sẻ chia - Tết sum vầy” được tổ chức từ ngày 7 tháng 2 năm 2018, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa, số bánh sau khi được các nghệ nhân làng nghề truyền thống gói sẽ mang tặng các đối tượng nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ...thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên- Huế và Lai Châu.

Từ mấy ngày trước đó, không khí ở Làng đã nhộn nhịp, náo nức. Sôi động nhất là khâu chuẩn bị các nguyên liệu chính để cùng tham gia "ngày hội" nấu bánh chưng của đồng bào các dân tộc. Để có được những chiếc bánh chưng vuông vắn, ngon lành phải chọn được gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và một số gia vị cần thiết khác. Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Và mỗi dân tộc lại có những sáng tạo riêng.

Nghệ nhân Lò Thị Tóm - dân tộc Thái, Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La cho biết: "Tham dự chương trình của Tết năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến mọi người cách gói và nấu bánh chưng riêng của dân tộc Thái. Bánh chưng của người Thái nhỏ, dài, được buộc đôi lại với nhau để tượng trưng cho sự đoàn viên, cầu chúc cho những đôi trai gái luôn hạnh phúc trọn vẹn."

Nghệ nhân Lò Thị Tóm - dân tộc Thái, Sơn La.

Cùng đến tham dự ngày hội chung này, Nghệ nhân Sơn Đel - dân tộc Khmer phấn khởi chia sẻ: "Cùng sống chung với nhau trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhưng có lẽ đây là dịp hiếm hoi để các đồng bào dân tộc được cùng sinh hoạt với nhau, qua đó giúp chúng tôi hiểu hơn phong tục ngày Tết đặc sắc của từng vùng miền.. Tết năm nay, tôi sẽ giới thiệu đến các đồng bào khác cách nấu bánh tét có vị ngọt nước cốt dừa của người Khmer."

"Lại càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi được biết, mỗi chiếc bánh do tự tay các đồng bào dân tộc gói sau khi nấu chín sẽ được chuyển đến tận tay những gia đình khó khăn ở các miền núi vùng xa xôi. Mỗi tấm bánh đều thấm đẫm tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia và đùm bọc, một tinh thần rất chung, rất ý nghĩa và thiêng liêng được truyền từ bao đời nay của người dân nước Việt.

Ngày Tết ý nghĩa ở "Ngôi nhà chung"

Đây là năm đầu tiên gia đình Nghệ nhân Tkôn Niê, dân tộc Ê đê (Đắc Lắc) đến sinh sống tại "Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc đang ở đây, gia đình Nghệ nhân Tkôn Niê đã dần quen với cuộc sống nơi đây.

Nghệ nhân Sơn Đel (Khmer) cũng trổ tài nấu bánh tét cốt dừa tại Ngày hội này.

Lần đầu tiên được tham gia chương trình gói bánh chưng xanh ngày Tết, Nghệ nhân Tkôn Niê, dân tộc Ê đê (Đắc Lắc) phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi sẽ ở lại đón Tết cùng đồng bào đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây sẽ là một ngày Tết đặc biệt vì lần đầu tiên chúng tôi được đón Tết cùng với nhiều đồng bào dân tộc như vậy.”

Ông Phạm Văn Quyến - Phó Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: "Để có được ngày hội làng vào dịp trước Tết Nguyên đán này, chúng tôi đã kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần. Song song với việc nấu bánh chưng cho người nghèo, Ban tổ chức cũng tiến hành trao 1.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng."

Trong chộn rộn của những ngày cận Tết, hình ảnh nồi bánh chưng xanh bốc khói bên bếp lủa hồng gợi cho ta biết bao điều ý nghĩa. Những chiếc bánh xinh xinh từ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tỏa đi khắp nơi mang tình yêu thương sẻ chia, đùm bọc đến với những gia đình khó khăn sẽ nhân lên rất nhiều lần ý nghĩa truyền thống nhân văn cao đẹp. trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam./.

 

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×