Cục Tin học hóa kiểm tra công tác ứng dụng CNTT tại Trung tâm CNTT
28/05/2018 | 09:29Chiều 25/5, Đoàn kiểm tra của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đến kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VHTTDL).
Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông làm trưởng đoàn.
Theo báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), việc thực hiện cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến theo các quy định của Chính phủ: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ VHTTDL đang vận hành hiệu quả, quy trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện, đơn giản hóa trình tự thực hiện. Đến nay, hầu hết các DVCTT mức độ 3,4 có thời gian giải quyết rất ngắn, đặc biệt với các TTHC phát sinh nhiều hồ sơ từ người dân và doanh nghiệp như tại cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Di sản văn hóa thời gian giải quyết trên môi trường mạng từ 05 đến 13 ngày.
Hơn nữa, với việc cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng đã giảm thiểu được số lần người dân và doanh nghiệp phải đến giao dịch trực tiếp tại cơ quan thực hiện TTHC thuộc Bộ VHTTDL.
Việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, Bộ VHTTDL đang triển khai đồng bộ tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ yêu cầu sử dụng các phần ứng dụng dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ. Việc ứng dụng các phần mềm dùng chung này đã phát huy tác dụng trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ trong công tác giám sát, đôn đốc quá trình giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc thông qua ứng dụng CNTT. Các phần mềm ứng dụng cơ bản và chuyên ngành đã giúp chia sẻ, kết nối thông tin và liên kết trong xử lý, trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan thuộc Bộ với nhau, giữa cơ quan, đơn vị với Lãnh đạo Bộ và giữa Bộ với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Về triển khai các hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu: công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng luôn được coi trọng và được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Song song với việc ban hành cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT (bao gồm cả các quy định về an toàn thông tin), Bộ VHTTDL còn đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc bổ sung, nâng cao tính bảo mật cho các hệ thống thông tin hiện có của Bộ. Đồng thời, đầu tư bổ sung một số phần mềm ứng dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý an toàn an ninh thông tin mạng thuộc dự án đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng của Bộ; định kỳ đầu tư và nâng cấp hệ thống chống virus máy tính và thư rác (spam).
Tuy nhiên, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng về an toàn thông tin mạng yêu cầu nguồn kinh phí lớn và song song với công tác đầu tư là yêu cầu về đào tạo cho cán bộ kỹ thuật, người sử dụng.
Về kết nối dịch vụ công với Cổng dịch vụ công Quốc gia: Bộ VHTTDL đã hoàn thành kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia trong giai đoạn thử nghiệm đáp ứng yêu cầu về Chính phủ điện tử. Thủ tục “Cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim” đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và đảm bảo tác nghiệp thông suốt với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ VHTTDL.
Về thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về ứng dụng CNTT: Bộ VHTTDL đã hoàn thành 02 nhiệm vụ được giao.
Chính phủ giao Bộ VHTTDL cung cấp DVCTT cho 08 nhóm thủ tục trong đó có 02 nhóm thủ tục đã phân cấp đến cấp tỉnh, thành phố. Đến nay, Bộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 04 trên 06 thủ tục còn lại. Riêng 02 thủ tục về “Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế” và “Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018 sau khi các Văn bản dưới Luật được ban hành. (Luật Du lịch có hiệu lực từ 01/01/2018).
Đối với nhiệm vụ “Xây dựng và hướng dẫn triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử”, Bộ VHTTDL đã phê duyệt đề đề án thực hiện và đang trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt đề cương triển khai xây dựng trong năm 2018.
Bộ VHTTDL thực hiện tốt và đầy đủ các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến ứng dụng CNTT.
Năm 2017, Chính phủ giao Bộ VHTTDL cung cấp 17 dịch vụ công trực tuyến (gồm: 16 dịch vụ mức 3 và 01 dịch vụ mức 4). Đến nay, Bộ đã hoàn thành cung cấp 17 dịch vụ này và hoàn thành thêm 03 dịch vụ đạt mức độ 4 – mức độ cao nhất.
Trên hệ thống DVCTT của Bộ đã chính thức cung cấp tới người dân và doanh nghiệp 34 DVCTT trong đó có 30 DVC mức độ 3 và 04 DVC mức độ 4. Các dịch vụ còn lại đã sẵn sàng đưa vào sử dụng tối thiểu mức độ 3.
Tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cũng nêu những định hướng ứng dụng CNTT trong thời gian tới và những vướng mắc. Đồng thời, Trung tâm CNTT kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp đầu tư nâng cấp, thay thế các trang thiết bị CNTT cũ, lạc hậu; xây dựng cơ chế, chính sách chung về kết nối và chia sẻ khai thác các thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn xác định mục chi sự nghiệp CNTT trong các cơ quan nhà nước; hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai và hoàn chỉnh hệ thống Chính phủ điện tử cấp Bộ./.
Hồng Hà