Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thanh Hóa

28/07/2023 | 15:52

Trong hai ngày 26 và 27/7/2023 đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại Thanh Hóa.

Trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) Việt Nam năm 2023, trong hai ngày 26 và 27/7/2023 đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại Thanh Hóa.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thanh Hóa - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch

Tại Thanh Hóa, đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và an ninh trật tự (ANTT) ở một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa, trong 7 tháng đầu năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa ước đạt 10.260.000 lượt, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2022, đạt 85,5% so với kế hoạch năm 2023 (trong đó khách quốc tế đạt 312.800 lượt); Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 19.571 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2022, đạt 80,9% so với kế hoạch năm 2023.

Tính đến tháng 7/2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.200 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 45.000 phòng, trong đó có 215 khách sạn 1-5 sao với 16.500 phòng; hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch (condotel); 192 homestay với sức chứa khoảng 6.000 người. Các khách sạn được công nhận và xếp hạng từ 1-5 sao đáp ứng điều kiện theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ khá phong phú, nhân lực được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ứng xử.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch

Hệ thống CSLTDL ở Thanh Hóa phần lớn có quy mô vừa và nhỏ (dưới 80 phòng chiếm khoảng 60%) và tập trung chủ yếu tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và thành phố Thanh Hóa (chiếm hơn 64,5% so với tổng cơ sở lưu trú du lịch của cả tỉnh). Bên cạnh đó, loại hình nhà ở có phòng cho khách thuê (homestay) được phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi gắn với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Loại hình cơ sở lưu trú căn hộ du lịch (condotel) được phân bố chủ yếu ở các khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) và biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá), đây là loại hình được nhiều gia đình và giới trẻ quan tâm, lựa chọn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Phần lớn các CSLTDL trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định và hướng dẫn về đảm bảo ANTT, VSATTP, PCCC; duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định; thực hiện việc niêm yết công khai giá dịch vụ, nội quy của CSLTDL.

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng CSLTDL quảng cáo hạng "sao" không đúng loại, hạng được cấp có thẩm quyền công nhận (trên nền tảng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo…). Lực lượng lao động trong các CSLTDL có quy mô nhỏ nên chưa quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch và ngoại ngữ. Các CSLTDL ở vùng biển khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có chuyên môn nghiệp vụ do tính chất mùa vụ. Đặc biệt có nhiều CSLTDL hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thẩm định xếp hạng CSLTDL do vướng mắc về các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tại các buổi làm việc, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy và các thành viên trong đoàn công tác đã phổ biến, quán triệt chủ trương, mục tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Thông qua các buổi làm việc, đoàn kiểm tra sẽ tiếp nhận ý kiến của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương và nắm bắt thực trạng, khó khăn, tồn tại ở các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời sẽ đề xuất tổ chức các chương trình hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch.

Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×