Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quyền tác giả, quyền liên quan
18/10/2017 | 16:46Chiều 16/10, cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan đã diễn ra tại trụ sở Bộ Tư pháp. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng trình bày về dự thảo Nghị định. Ảnh: Gia Linh
Trình bày những nội dung chính của Dự thảo Nghị định, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL cho biết: Về cơ bản Dự thảo Nghị định đã kế thừa các giá trị của các văn bản pháp luật (Nghị định số 100/NĐ-CP và Nghị định số 85/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về quyền tác giả, quyền liên quan) thể hiện trong thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng hưởng thụ, bảo vệ lợi ích của các quốc gia, tương thích với luật pháp quốc tế, thể hiện sự minh bạch, khả thi. Qua đó, thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần trong hội nhập quốc tế, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết.
Về bố cục, Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 53 điều. Nội dung cơ bản chương I là những quy định chung gồm 5 điều (điều 1-5). Chương 2 gồm 25 điều (từ điều 6-30). Chương 3 về quyền liên quan có 5 điều (từ điều 31-35). Chương 4 gồm 7 điều (từ điều 36-42). Chương 5 về Tổ chức đại diện Quyền tập thể, Quyền liên quan gồm các quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”, “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan”, “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”, bổ sung quy định Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông tin công khai về hoạt động quản lý …
"Đây có thể nói là một trong các nghị định được gửi lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, với 153 cơ quan Bộ ngành, địa phương và các tổ chức xã hội… Ngoài ra, chúng tôi có tổ chức 03 hội nghị tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, chúng tôi đã nhận được 111 ý kiến bằng văn bản, trong 111 ý kiến này có 50 ý kiến đồng ý, 61 ý kiến đồng ý và có sửa đổi bổ sung", ông Hùng chia sẻ.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Nhận xét về Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Ngọc Chiến - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cho biết, Bộ KHCN đã có công văn góp ý trực tiếp cho dự thảo Nghị định, phần lớn các ý kiến góp ý đã được tiếp thu, các ý kiến không được tiếp thu đã có giải trình khá hợp lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, bổ sung về các nội dung trong Dự thảo Nghị định như: Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành, vậy nếu sửa đổi chỗ nào là quy định chi tiết, chỗ nào là biện pháp thi hành? Các điều khoản nào trong luật được cụ thể hóa tại nghị định này? Các điều khoản có mâu thuẫn với các điều khoản của luật pháp không? Vấn đề khai thác tác phẩm, khái niệm sử dụng bản ghi âm ghi hình đã công bố vì mục đích thương mại? Các căn cứ quy định việc biểu diễn tác phẩm trước công chúng….
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao Cục Bản quyền đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định. Đồng thời khẳng định, Hội nghị có nhiều ý kiến rất hữu ích, thiết thực, không chỉ giúp hoàn thiện các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan mà còn giúp Bộ Tư pháp từ đó xây dựng một báo cáo thẩm định tốt, phối hợp với Cục Bản quyền tác giả hoàn thiện tối đa Dự thảo Nghị định này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tú cũng đề nghị phía Cục Bản quyền tác giả xây dựng báo cáo đánh giá tác động chi tiết rõ hơn để khi trình Chính phủ sẽ có đủ hồ sơ để giải quyết. Bên cạnh đó, cần rà soát lại một số nội dung vượt luật; một số nội dung thừa và các thủ tục hành chính để đảm bảo các quy định về thủ tục hành chính rõ ràng, chi tiết; đồng thời xem xét lại các chính sách của Nhà nước về Quyền tác giả, Quyền liên quan.
Với tư cách là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định của Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp thu, giải trình toàn bộ các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, nhất quán, dễ dàng trong quá trình thực hiện./.
Gia Linh