Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công ước UNESCO 1970 đã bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu

29/06/2021 | 20:00

Sáng 29/6, đã diễn ra phiên Khai mạc (với hình thức trực tuyến) Hội nghị quốc tế kỷ niệm 50 năm công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, lãnh đạo cấp Bộ, đại diện Chính phủ các quốc gia thành viên Công ước từ nhiều lĩnh vực khác nhau (văn hóa, ngoại giao, thương mại, du lịch, thực thi pháp luật…), các tổ chức khu vực và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện khu vực tư nhân và các bên liên quan tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thành phần đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương làm trưởng đoàn cùng đại diện Cục Hợp tác quốc tế và Cục Di sản văn hóa.

Hội nghị do Văn phòng UNESCO Bangkok (văn phòng cấp khu vực của UNESCO) phối hợp Ban Thư ký Công ước UNESCO 1970 tổ chức. Đây là dịp để các quốc gia thành viên trao đổi về các thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống lại nạn buôn bán tài sản văn hóa, từ đó cùng nhau xác định những định hướng, nội dung hợp tác trong thời gian sắp tới.

Công ước UNESCO 1970 đã bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị doThứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương làm trưởng đoàn cùng đại diện Cục Hợp tác quốc tế và Cục Di sản văn hóa

Tại Hội nghị, ông Shigeru Aoyagi, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Bangkok đã phát biểu khai mạc. Cùng với đó là các phát biểu của các đại biểu: ông Lazare Eloundou –Assomo , Trưởng Ban thư ký Công ước UNESCO 1970 từ UNESCO Paris; bà Nomin Chinbat, Bộ trưởng Văn hóa Mông Cổ; ông Itthiphol Kunplome, Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan và ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: Công ước UNESCO 1970, kể từ khi được thông qua đến nay đã trở thành khuôn khổ pháp lý, công cụ quan trọng hỗ trợ các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế trong quá trình phòng, chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, đóng góp hiệu quả cho quá trình nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu.

Kể từ khi tham gia Công ước quan trọng này (năm 2005), Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia thành viên, triển khai tích cực, hiệu quả các quy định của Công ước, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế thông qua việc chia sẻ thông tin, kiến thức kinh nghiệm. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong công tác bảo vệ, phòng chống việc buôn bán trái phép các di sản văn hóa. Một số hoạt động nổi bật như: Việt Nam đăng cai tổ chức thành công "Hội thảo quốc tế tập huấn nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa; ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả" (năm 2015), tiếp nhận 18 cổ vật Việt Nam lưu lạc tại CHLB Đức để bảo quản, trưng bày, nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (năm 2018), kiến nghị các nước ASEAN ủng hộ sáng kiến của Việt Nam đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 2019)…

Một số đại biểu phát biểu trực tuyến tại phiên Khai mạc Hội nghị

Ở phạm vi quốc gia, Việt Nam đã chủ động xây dựng mạng lưới cơ quan chủ quản quản lý các cấp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, từng bước phù hợp và tương thích với luật pháp và điều ước quốc tế. Trong gần 20 năm qua, Bộ VHTTDL, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành 02 Luật, 08 Nghị định và 16 Thông tư quy định các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc ngăn chặn xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép di sản văn hóa.

Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hiệu quả triển khai thực hiện Công ước nói chung, ngăn chặn xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép các di sản văn hóa nói riêng, trong đó có một số hoạt động nổi bật như: phối hợp với Bộ Công an (Intepol Việt Nam) thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến dịch Athena II tại Việt Nam – Chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán cổ vật (năm 2020).

Sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ tổ chức 4 phiên thảo luận với các chủ đề: Bối cảnh, tình hình; Xác đinh các thách thức và ưu tiên; Gắn kết các bên liên quan; Khuyến nghị thực hiện Công ước hiệu quả; Phiên tổng kết, bế mạc.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 29-30/6 theo hình thức trực tuyến.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×