Công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017 đạt nhiều kết quả tốt
25/12/2017 | 15:12Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2017 đã đạt được những kết quả quan trọng, qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng 53 DTTS.
Nhiều hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng được tổ chức. Ảnh: Thu Loan
Mới đây, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Theo báo cáo, Vụ Văn hóa dân tộc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 theo đúng kế hoạch đã đề ra, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ kịp thời có những chỉ đạo, định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất trong chương trình công tác năm liên quan đến lĩnh vực Văn hóa dân tộc được triển khai tại các địa phương; chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Cụ thể, Vụ Văn hóa dân tộc đã triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách đối với đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đồng bào các dân tộc phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước”; Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”; Chỉ thị số 1971/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc; Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”; tham mưu xây dựng các đề án, các dự án thành phần cụ thể hóa Đề án 1270, các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học… góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, định hướng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng tộc người thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương đã tập trung đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lập hồ sơ khoa học, từ đó có kế hoạch gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Các tỉnh vùng DTTS thường xuyên, định kỳ tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng như: “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4” đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc. Nhiều địa phương thực hiện Quyết định 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, đã ban hành các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn mình như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên,... Qua các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tính cố kết cộng đồng nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Việc thực hiện có hiệu quả công tác Văn hóa dân tộc năm 2017 của Vụ Văn hóa dân tộc đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng DTTS, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm đúng mức, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn cả nước. Đời sống tinh thần đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Trật tự, an toàn xã hội được ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, qua đó việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào ngày càng có hiệu quả, đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Lan Phạm