Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM: Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam một năm hoạt động hiệu quả

25/01/2011 | 22:48

(VP)- Ngày 21/1, Cơ quan đại diện (CQĐD) Bộ VHTTDL tại TP.HCM đã tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức (CBCC) năm 2011, nhằm tổng kết các kết quả hoạt động năm 2010 và thông qua phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực chưa có nhiều thay đổi so với thời gian trước nhưng toàn ngành VHTTDL khu vực III đã tích cực, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành. Không chỉ đáp ứng được yêu cầu về việc tổ chức thành công các sự kiện, hoạt động hưởng ứng và phục vụ các ngày Lễ lớn, các ngày Kỷ niệm trọng đại của đất nước đã được Chính Phủ, Bộ, Cấp Ủy và Chính Quyền địa phương tin tưởng giao phó, Ngành VHTTDL Khu vực III còn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các lĩnh vực chuyên ngành để tổ chức phong trào VHTTDL một cách thường xuyên và đều khắp trên các địa bàn của khu vực, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo giá trị văn hóa của người dân, tăng cường ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố an ninh-quốc phòng.

Hoạt động văn hóa, gia đình được chú trọng về chất lượng

Năm 2010 đánh dấu nhiều cột mốc lịch sử trọng đại của dân tộc như 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long–Hà Nội. Bên cạnh đó, đây cũng là năm diễn ra sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa trọng đại. Đó là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ngành VHTTDL Các tỉnh-thành khu vực III đã chủ động tổ chức lồng ghép, tuyên truyền sôi nổi các hoạt động, sự kiện địa phương gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước như: Festival Trái Cây Việt Nam (Tiền Giang), Festival Điều Việt Nam (Bình Phước), Festival Thủy Sản, Tây Đô nhớ về Đông Đô (Cần Thơ), Festival Ẩm thực thế giới, Chương trình Tiếng vọng ngàn năm (BR-VT); Ngàn năm văn hiến - Ngàn sen vàng (Đồng Tháp), Festival Dừa (Bến Tre), Festival Gốm Sứ (Bình Dương)..v.v.


Những kết quả đạt được trong năm vừa qua đã góp phần nâng cao vị thế của Ngành VHTTDL trong hệ thống chính trị và nhận được sự đánh giá đúng mức của toàn xã hội. Ngành VHTTDL khu vực III đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn diện sự phát triển bền vững của toàn khu vực, trực tiếp tham gia giải quyết các yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội như tăng trưởng kinh tế du lịch, đề cao yếu tố văn hóa trong quản lý xã hội, quản trị kinh doanh, kiến trúc cảnh quan và giao thông đô thị,
lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động VHTTDL tại các địa bàn dân cư.

Đã có sự quan tâm nhiều hơn đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung… Vì vậy, các giá trị văn hóa, các sản phẩm nghệ thuật, điện ảnh , sách báo-tạp chí đã đến gần với nhân dân và mang lại hiệu quả xã hội tích cực.

Công tác quản lý nhà nước tại khu vực về lễ hội dần đi vào nề nếp; sự tham gia của nhân dân trong hoạt động lễ hội dân gian, tín ngưỡng tôn giáo... ngày càng nhiều. Nhân dân đã đóng góp công sức, vật chất để vừa thực hiện vai trò tổ chức, vận động, vừa tham gia sinh hoạt, hưởng thụ giá trị lễ hội. Các Lễ, Tết nổi bật như Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok (ĐBSCL), Giỗ Tổ Hùng Vương (TP.HCM), Lễ hội Trương Định (Tiền Giang), Lễ hội Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang)..v.v. đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt người xem, đạt hiệu quả tích cực về nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, từng bước trở thành những ngày hội lớn của cộng đồng dân cư địa phương đồng thời cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý của người dân ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự xuất hiện của hàng loạt sân khấu, phòng trà cùng sự đầu tư quy mô lớn về kịch bản, dàn dựng, cách tân theo hướng kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật nhằm đem lại hiệu quả nghệ thuật cao để thu hút khán giả… đã làm đa dạng hóa các chương trình phục vụ công chúng, góp phần làm phong phú hơn sự lựa chọn hưởng thụ các giá trị văn hóa cho người dân.

Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều cụm rạp hiện đại được xây dựng, chất lượng và số lượng đầu phim tăng thêm, có nhiều sáng tạo mới trong việc xây dựng kịch bản, dựng phim và quảng bá, thị trường điện ảnh bước đầu hình thành…

Trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, các địa phương như Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Thuận,… đã rất quan tâm đến việc điều tra, khảo sát, xây dựng hồ sơ, bảo tồn, tôn tạo các di tích, cũng như việc tổ chức trưng bày, triển lãm phục vụ khách tham quan theo các chuyên đề. Đặc biệt là các địa phương khu vực III đã và đang tập trung vào việc lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư 04/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL ngày 20/6/2010. Cũng trong năm 2010, Cơ quan đại diện đã phối hợp với Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa, UBND TP.HCM và các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện Hồ sơ khoa học “Đờn ca tài tử” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thực hiện chủ trương chung, các địa phưong khu vực phía Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá 10 năm xây dựng Phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Qua đó, khẳng định đây là một mt chủ trương đúng đắn, có tác động sâu sắc đến mọi thôn xóm, bản làng, khu phố, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thắt chặt khối đoàn kết ở các khu dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm… Năm qua, nhiều địa phương đã chú trọng đến nội dung, chất lượng của phong trào, chú ý lồng ghép vào các cuộc vận động để thực hiện, nhất quyết không chạy theo số lượng, thành tích, “sẵn sàng” rút danh hiệu Gia đình văn hóa do vi phạm các tiêu chí.

Thể dục thể thao giữ được nhịp độ phát triển

Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", các địa phương tổ chức nhiều giải phong trào như: việt dã, bóng đá mini, đua xe đạp, vovinam, quần vợt, hội khỏe Phù Đổng; cùng các bộ môn thể thao đặc thù như đua ghe ngo, đua bò, trò chơi dân gian. Các địa phương tổ chức thành công Đại hội TDTT từ cấp xã đến cấp tỉnh và quan tâm chú ý đầu tư, chuẩn bị chu đáo, tích cực lực lượng VĐV tham gia Đại hội TDTT toàn quốc.

Năm 2010 cũng đã diễn ra nhiều giải thể thao thành tích cao của các Cụm, khu vực, giải quốc gia và quốc tế như TP.HCM tổ chức giải xe đạp Cup truyền hình HTV;  Bình Phước tổ chức giải cờ vua, cờ tướng, xe mô tô 125cc; Đồng Nai tổ chức giải bóng đá hạng nhất Cúp quốc gia, bóng đá U19 quốc gia Cup sơn KOVA, vô địch billiard mở rộng; giải cờ vua, cờ vây Đồng Tháp mở rộng; Tiền Giang tổ chức giải bóng đá hạng Nhất quốc gia Cup Tôn Hoa Sen, Bình Thuận tổ chức Festival Thuyền buồm quốc tế Mũi Né... Các trung tâm, trường nghiệp vụ chủ động triển khai kế hoạch đào tạo VĐV, tập trung vào các môn truyền thống, có thế mạnh của địa phương.

Có thể nói, hoạt động TDTT chuyên nghiệp và quần chúng thời gian qua đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.

Du lịch vượt khó và tiến nhanh về đích

Năm 2010, hoạt động du lịch hồi phục và phát triển, có sự tăng trưởng mạnh cả về khách quốc tế, nội địa và doanh thu du lịch. Du lịch TP.HCM tiếp tục khẳng định được vị thế là trung tâm du lịch đứng đầu trong cả nước, đạt 3,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chiếm 60% lượng khách quốc tế của cả nước. Nhiều lễ hội, sự kiện, hội chợ mang tầm vóc quốc gia, quốc tế như Đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội Du lịch TP.HCM, Hội ch Du lịch quốc tế ITE, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Festival Ẩm thực Thế giới, Festival Diều thế giới..v.v.. được tổ chức thành công ở TP.HCM, Vũng Tàu,... góp phần quảng bá được tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với cả nước và bạn bè quốc tế, chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực.

Khách du lịch đến khu vực III tăng mạnh, khách quốc tế tăng khoảng 19%, khách nội địa tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2009. Công suất sử dụng phòng khách sạn 3-5 sao đạt bình quân 63%, tăng 10%. Một số lễ hội, sự kiện, festival tại Tiền Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, Bạc Liêu,… đã góp phần thu hút du khách.

Bình Thuận, Cần Thơ, TP.HCM, Cà Mau… Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cũng được triển khai sôi nổi bằng nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo đáng chú ý như BR-VT với “Địa chỉ tin cậy của du lịch” hay TP.HCM với chương trình "TP.HCM - 100 điều thú vị".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Nghành VHTTDL khu vực III vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn,vướng mắc còn tồn tại, cần được sự quan tâm, tháo gỡ của Chính phủ, Bộ VHTTDL cùng các Bộ, Ban, Ngành liên quan như cơ sở vật chất, tài chính, nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành..v.v..

Năm 2010, nhiệm vụ của Ngành hết sức nặng nề nhưng kinh phí hoạt động tăng không nhiều, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hạn chế cả về số lượng lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Mặc dù các địa phương đã quan tâm đế công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi trong tình hình mới. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần những giải pháp tình thế là mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn mang tính chất “truyền nghề” để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cho địa phương, trước khi chờ đợi một cách giải quyết vấn đề bài bản hơn.

Nhiều lễ hội, festival nặng về hình thức, không có kịch bản tốt hoặc kịch bản gần giống nhau gây nhàm chán, thậm chí làm mất bản sắc, tính đặc thù của từng lễ hội, làm giảm ý nghĩa và sự thu hút vốn có của lễ hội. Mặt khác đã xuất hiện biểu hiện của việc thả lỏng vai trò quản lý nhà nước đối với lễ hội dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc.

Trước sự bùng nổ đô thị hóa và sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đô thị đã làm cho một số cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao đã có trước đây ở đô thị dần mất đi… đây là vấn đề đáng lo ngại. Thiết chế văn hóa cơ sở hiện do thiếu cán bộ, kinh phí đồng thời cũng đang lúng túng về phương thức, nội dung hoạt động trong bối cảnh,  điều kiện  xã hội hiện nay nên sức thu hút, tính hiệu quả xã hội còn thấp.

Các đội thông tin lưu động thiếu xe chuyên dùng, trang thiết bị, kịch bản và tác giả tâm huyết,... nên hoạt động đi vào lối mòn, chất lượng chương trình thấp, không thu hút được công chúng.

Hoạt động thể thao chuyên nghiệp tại một vài địa phương đang có dấu hiệu chững lại; vấn đề quy hoạch và xây dựng đội ngũ VĐV, HLV còn hạn chế; vấn đề bạo lực trong hoạt động thể thao, bạo lực sân cỏ vẫn là nội dung được dư luận quan tâm, lên án.

Việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn còn tồn tại nhiều vấn đề; sự phối hợp giữa Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp, địa phương để kích cầu, mối quan hệ giữa Hiệp hội với cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ; hiện tượng “chặt - chém”, văn phòng - doanh nghiệp “chui” còn tồn tại nhiều.

Chủ trương xã hội hóa đã từng được xem như một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ bế tắc về kinh phí, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động của Ngành nhưng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại vì các quy chế, quy định ưu đãi của chính phủ tuy có triển khai nhưng khi đi vào cụ thể thì mỗi địa phương có cách vận dụng khác nhau. Bên cạnh đó nhiều quy định trước đây không còn phù hợp với thực tế nên không động viên được các nguồn lực xã hội đầu tư.

Nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song ngành văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh-thành khu vực phía Nam vẫn bám sát sự chỉ đạo của Bộ, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, chủ động triển khai các nhiệm vụ chính trị và công tác trọng tâm, tổ chức tốt các hoạt động phong trào, phát triển sự nghiệp theo kế hoạch công tác bằng những kế hoạch, chương trình cụ thể có tính khả thi cao.

Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, toàn Ngành sẽ tập trung triển khai học tập, tuyên truyền đường lối, chủ trương mới của Đảng đến với mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, chủ động triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Tiếp tục bước chạy đà thành công của năm 2010, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương khu vực phía Nam hi vọng sẽ bứt phá năng động, sáng tạo hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực để đạt được nhiều thành tích cao hơn./.

NGUYỄN VĂN TẤN
Vụ trưởng-Giám đốc
Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM

(theo www.rmcst.gov.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×