“Cô Ba Sài Gòn” giành giải cao nhất của Cánh Diều 2017
16/04/2018 | 12:13Lễ trao giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam – Cánh Diều 2017 đã diễn ra trọng thể đêm 15/4 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Vương Duy Biên trao giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn (ảnh: Minh Khánh)
Cần hạn chế việc lạm dụng lời bình trong phim tài liệu, khoa học
Trưởng Ban Giám khảo phim tài liệu và khoa học của Cánh Diều 2017, NSND - Đạo diễn Lương Đức cho biết, có 34 bộ phim tài liệu và 9 phim khoa học được gửi đến từ 22 đơn vị sản xuất thể hiện các vấn đề khá đa dạng, nhưng về nghệ thuật thể hiện và chất lượng tác phẩm vẫn không có gì đột phá mới so với các năm trước.
Theo NDNS Lương Đức, vấn đề đặt ra càng đòi hỏi ở những người làm phim phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Cần hạn chế việc lạm dùng lời bình tạo nên tình trạng xi - nê - ma miệng, nói xa xả từ đầu đến cuối phim. Thậm chí có khi lời bình đang nói về vùng hạn hán khô khát, nhưng hình ảnh lại toàn màu xanh của cỏ cây. Có nhiều tác giả sử dụng thời lượng 30 đến 60 phút cho tác phẩm tài liệu, tiệm cận cách làm theo phương Tây (mà với Việt Nam thì chưa thực sự phù hợp) và do còn non tay nghề, nên sức thuyết phục yếu. Cái đích cái thông điệp mới là gì không rõ. Tuỳ tiện, lạm dụng cảnh cận, cảnh flycam trong nhiều cảnh quay đã làm cho một số phim chỉ phô trương hình thức mà không ăn nhập với nội dung”- NSND Lương Đức nói.
Ở lĩnh vực phim hoạt hình, NSND, Đạo diễn, Họa sĩ Nguyễn Phương Hoa chia sẻ: “Mùa thi năm nay có 13 phim hoạt hình dự thi. Theo đánh giá chung cũng không có gì đột phá và không có phim nổi bật. Nhiều phim cũ về cách thể hiện, phần lớn là phim đồng thoại và thiếu, hiếm phim về các vấn đề khác. Trong khi đa số cách làm phim thô sơ, kém gấp dẫn. Thiếu vắng những bộ phim đề tài lịch sử tạo ra dấu ấn sâu sắc như mong đợi. Tuy nhiên, vẫn có phim về đề tài về môi trường dễ xinh xắn, nhỏ ngắn, xúc động”.
Theo bà Hoa, bức xúc lớn nhất là “đầu ra” của phim hoạt hình? Mỗi bộ phim làm ra với bao tâm huyết và công sức của người nghệ sĩ nhưng không biết được chiếu ở đâu? Ở trên mạng lưới rạp công cộng thì khó khăn và trên truyền hình cũng chẳng đơn giản gì bởi mối quan hệ giữa điện ảnh - truyền hình vẫn tách rời như hiện nay.
Điểm sáng hạng mục phim ngắn và phim truyện điện ảnh
Với hạng mục phim ngắn, dự giải năm nay đã không chỉ còn là các tác phẩm thuộc các đơn vị truyền thống là hai trường Sân khấu Điện ảnh. Năm nay, các đơn vị truyền thông khác cũng tham gia với trên 30 phim.
NSND, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Trưởng BGK hạng mục phim ngắn cho hay, xét về nội dung và chất lượng phim năm nay, sinh viên phía Nam mạnh hơn, gây dấu ấn hơn. Tuy nhiên, nhiều bộ phim thiên về xúc cảm với thân phận nghèo, mà thiếu những vấn đề khác của cuộc sống.
“Như vậy, vấn đề đặt ra với cơ sở đào tạo và các thầy hướng dẫn là cần nhắc nhở các em sinh viên trong việc chọn lựa đề tài, nhằm tránh cái nhìn một chiều trong việc chọn nội dung thể hiện và có cái nhìn ấm áp với cuộc sống”- Đạo diễn Ngô Thanh Vân cho biết.
Vị đạo diễn cũng tiết lộ, năm nay, có bộ phim bộ hoạt hình dự thi được thể hiện theo nghệ thuật cắt dán với cảnh thật khá độc đáo và được coi như điểm sáng trong cách tìm tòi.
Còn với hạng mục phim truyện điện ảnh, Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, một trong những thành viên BGK dành hết lời khen ngợi và cho rằng, mùa phim năm nay đã gây cho ông sự xúc động nhiều mặt: vừa ấn tượng, vừa bạo liệt.
Tuy vậy, vị đạo diễn này cho rằng, dòng phim đang nổi lên hai xu hướng: Hung và Dữ.
“Sự hung dữ trong tính cách, cảm xúc; hung bạo trong cách ứng xử” khiến tôi có cảm tưởng dòng phim này đang kéo theo bạo lực văn hóa, định hướng toàn bộ những chuẩn mực sống và cho rằng văn minh đồng ruộng đã bị phế thải, bị cho là không còn ăn khách nữa”- Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nhận xét.
Hạng mục Quay phim xuất sắc được trao cho NSND Lý Thái Dũng phim Đảo của dân ngụ cư (ảnh: Minh Khánh)
Cô Ba Sài Gòn: Vừa chiếm lĩnh phòng vé, vừa đạt giải cao
Đánh vật, khổ công, cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa “không hề là miếng bánh dễ nuốt”. Vượt qua 4 công trình tham dự thi, Giáo trình bậc đại học Phim tài liệu, tác giả PGS. TS Trần Thanh Hiệp (Hà Nội) đã đoạt giải Cánh Diều Vàng. Đây cũng là công trình thứ hai của ông đã được Hội Điện ảnh Việt Nam vinh danh với thứ hạng cao nhất của hạng mục dành cho công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh. Cánh Diều Bạc là xứng đáng với một nhà khoa học trẻ - dành cho tác giả TS. Trần Quang Minh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) với sách Thiết kế phim truyện thời kỳ đổi mới. Bằng khen dành cho Những con người những năm tháng của tác giả nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long từ phía Nam.
Có 7 giải thưởng (gồm: 01 Vàng, 02 Bạc, 02 Bằng khen và 02 giải cá nhân) đối với hạng mục phim hoạt hình thì các nghệ sĩ thuộc Công ty CP Hãng Phim hoạt hình Việt Nam đã xứng đáng đoạt đến 6 giải cho các phim: Người hùng áo vải, Bí mật của những đứa trẻ, Vầng sáng ấm áp, Cóc con Bitus và giải cá nhân: Đạo diễn xuất sắc, Họa sĩ chính xuất sắc. Một giải thưởng còn lại về tay Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục – Đài Truyền hình Việt Nam.
Cũng có 7 giải thưởng (gồm: 01 Vàng, 03 Bạc, 03 Bằng khen) với hạng mục phim ngắn là tác phẩm của các tác giả được gửi đến từ: Hà Nội, Nghệ An, Tp.Hồ Chí Minh và trong đó có tác giả phía Nam dành được 2 giải Cánh Diều.
Mảng phim khoa học năm nay đã thất thu khi không có Cánh Diều Vàng và không có cả 02 giải cá nhân dành cho: Đạo diễn xuất sắc và Quay phim xuất sắc, mà chỉ có 01 Cánh Diều Bạc và 01 Bằng khen. Trong khi, hạng mục phim Tài liệu nhỉnh hơn (gồm: 01 Vàng, 03 Bạc, 05 Bằng khen và 01 giải cá nhân dành cho Quay phim xuất sắc).
Đồng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc dành cho Jimmy Khánh vai Đột phim Thương nhớ ở ai và NSƯT Trung Anh vai Lương Bồng cùng Nữ diễn viên phụ xuất sắc dành cho Thanh Hương vai Hương trong Người phán xử (ảnh: Minh Khánh)
Với hạng mục phim truyện truyền hình, bộ phim Thương nhớ ở ai (Đạo diễn NSƯT Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh) đoạt Cánh Diều Vàng, Các phim: Lặng yên dưới vực sâu (Đạo diễn Đào Duy Phúc), Sống trong bóng đêm (Đạo diễn Nguyễn Phương Điền), Tử thi lên tiếng (Đạo diễn Dũng Nghệ) cùng đoạt Cánh Diều Bạc và phim Lẩn khuất một tên người (Đạo diễn Vũ Thái Hòa) nhận Bằng khen. Ở mảng này, có 07 giải thưởng cá nhân dành cho: Biên kịch xuất sắc dành cho Lê Anh Thúy và Nam diễn viên chính xuất sắc Trương Minh Quốc Thái trong phim Tử thi lên tiếng; Đạo diễn xuất sắc dành cho đồng đạo diễn NSƯT Lưu Trọng Ninh – Bùi Thọ Thịnh và Quay phim xuất sắc NSƯT Hoàng Tích Thiện phim Thương nhớ ở ai; Nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Xuân Văn vai Di phim Lẩn khuất một tên người; Đồng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc dành cho Jimmy Khánh vai Đột phim Thương nhớ ở ai và NSƯT Trung Anh vai Lương Bồng cùng Nữ diễn viên phụ xuất sắc dành cho Thanh Hương vai Hương trong Người phán xử.
Ở mảng phim truyện điện ảnh - hạng mục được quan tâm mong đợi nhất: Bộ phim Cô Ba Sài Gòn (Đồng đạo diễn Lộc Trần – Kay Nguyễn) giật Cánh Diều Vàng. Là một bộ phim về đề tài thời trang mang yếu tố xuyên không kỳ ảo do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn làm đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Hồng Vân, Diễm My, Diễm My 9X, Oanh Kiều và S.T. Phim tôn vinh áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam. Phim có buổi công chiếu đầu tiên trên toàn thế giới vào ngày 14/10/2017 tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22 ở Hàn Quốc trước khi ra mắt công chúng Việt Nam vào ngày 10/11 cùng năm. Sau gần một tháng công chiếu, phim thu về gần 70 tỷ đồng. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX vừa qua, Cô Ba Sài Gòn giành Giải thưởng của Ban giám khảo.
Cánh Diều Bạc xứng đáng dành cho Em chưa 18 là bộ phim điện ảnh tình cảm hài hước Việt Nam của đạo diễn Lê Thanh Sơn thực hiện, do Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương sản xuất năm 2017. Phim có sự góp mặt của các diễn viên: Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Will 365, Quang Minh, Huy Khánh. Sau khi công chiếu vào năm ngoái tại các rạp trên toàn quốc, Em chưa 18 nhanh chóng trở thành phim có doanh thu phim Việt cao nhất với 176 tỉ đồng. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, phim đoạt giải Bông Sen Vàng và diễn viên Kaity Nguyễn đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn phim Em chưa 18 (ảnh: Minh Khánh)
Đồng Cánh Diều Bạc là phim Cô gái đến từ hôm qua (Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Là một bộ phim điện ảnh hài lãng mạn về tình yêu học đường do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, được chuyển thể dựa trên truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là bộ phim thứ hai của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, sau bộ phim Em là bà nội của anh...
Bằng khen của Ban Giám khảo dành cho 03 bộ phim: Dạ Cổ Hoài Lang (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng); Mẹ chồng (Đạo diễn Lý Minh Thắng); Đảo của dân ngụ cư (Đạo diễn NSƯT Phạm Thị Hồng Ánh).
Ở hạng mục này, các giải cá nhân cũng được quan tâm đặc biệt. Biên kịch xuất sắc thuộc về kịch bản Cô Ba Sài Gòn của các tác giả Kay Nguyễn và nhóm Biên kịch A Type Machine; Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn và Nam diễn viên chính xuất sắc Kiều Minh Tuấn vai Việt Hoàng phim Em chưa 18; Quay phim xuất sắc: NSND Lý Thái Dũng phim Đảo của dân ngụ cư; Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Trịnh Thiên Thanh phim Việt Hoàng và Nữ diễn viên chính xuất sắc Nhã Phương vai Phương phim Yêu đi đừng sợ; Âm nhạc xuất sắc: Đức Trí phim Dạ Cổ Hoài Lang; Đồng giải thưởng Âm thanh xuất sắc: Vũ Trung Nhân - Nguyễn Trọng Thanh phim Ngày Mai Mai cưới; Nam diễn viên phụ xuất sắc: Nhan Phúc Vinh vai Miên phim Đảo của dân ngụ cư; Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Midu vai mợ Tuyết Mai phim Mẹ chồng…
Nữ diễn viên chính xuất sắc Nhã Phương vai Phương phim Yêu đi đừng sợ. Nhã Phương đã không kìm được xúc động khi nhận giải (ảnh: Minh Khánh)
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Nhan Phúc Vinh vai Miên phim Đảo của dân ngụ cư; Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Midu vai mợ Tuyết Mai phim Mẹ chồng… (Ảnh: Minh Khánh)
Ngoài ra, diễn viên triển vọng phim truyện điện ảnh dành cho diễn viên nhí Hà My vai Tiểu Ly phim Cô gái đến từ hôm qua…
Như vậy, các giải thưởng điện ảnh Hội Điện ảnh Việt Nam Cánh Diều 2017 đã có chủ nhân. Những Cánh Diều Vàng, Diều Bạc đã bay lên khoảng trời điện ảnh Việt và từ hôm nay người yêu phim Việt lại bắt đầu đón đợi những mùa sau./.
Đỗ Lệnh Hùng Tú