Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết

30/11/2021 | 23:02

Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại đầu cầu Chính phủ, tham dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; các thành viên Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

Tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ đã tham dự phiên họp.

Chuyển đổi số phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên làm việc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam. Phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành cho ý kiến cụ thể về những kết quả đã đạt được trong thời gian triển khai thực hiện chuyển đối số vừa qua để những điểm đã làm được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyển đổi số phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Trên cơ sở đó, chúng ta đề ra một chương trình hành động, kế hoạch làm việc có tổ chức, hiệu quả, không hình thức, không màu mè, không đề cao lợi ích của đơn vị hay cá nhân nào mà tất cả là vì cái chung" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm: phát triển số, chuyển đổi số, Quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong thời gian quam Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Theo đánh giá của Trung tâm cạnh tranh số châu Âu, trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020 của 137 quốc gia, Việt Nam đứng đầu nhóm Đông Nam Á và Thái Bình Dương về tốc độ tiến bộ.

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2022, sẽ có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai.

Quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá

Sau khi nghe các ý kiến của các Bộ ngành và địa phương, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2022 một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, sát thực tế, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động CĐS ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Các chủ trương, thể chế, chính sách về CĐS là tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành. Các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng để cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.

Chuyển đổi số phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng sau phiên họp trực tuyến

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Do vậy, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp; đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của CĐS.

Giao các công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CĐS. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với tinh thần là xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Thứ tư, tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu. Thứ năm, triển khai chương trình phát triển công dân số, “một chính quyền số mà không có công dân số thì chính quyền đấy cũng vô dụng”.

Chuyển đổi số phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết - Ảnh 4.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự phiên hợp

Thứ sáu, tích cực hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi. Các địa phương, các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau trong CĐS, “tránh tình trạng cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy”. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết, chứ không vì lợi ích của cá nhân, của ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào.

Về kế hoạch CĐS quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng sau phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: "Đây là buổi họp rất quan trọng, chuyển đổi số là việc không thể không làm và không thể đứng ngoài cuộc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ. Sau cuộc họp này, Trung tâm Công nghệ thông tin khẩn trương xây dựng một kế hoạch ứng với kế hoạch, chiến lược Ủy Ban quốc gia chuyển đổi số dự thảo để trình lãnh đạo Bộ và gửi các đơn vị lấy ý kiến"./.

Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×