Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng

19/07/2023 | 23:29

Tối nay (19/7), nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023), tại hai điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) và Nghĩa trang liệt sĩ A1 (tỉnh Điện Biên), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt".

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ trước khi dự chương trình

Đến dự chương trình tại điểm cầu nghĩa trang Hàng Dương có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. Dự điểm cầu tại nghĩa trang Hàng Dương về phía Bộ VHTTDL có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Tạ Quang Đông.

Dự điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ A1 có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" còn có sự tham dự của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các cựu tù chính trị Côn Đảo và các tầng lớp nhân dân.

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 2.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt"

"Bản hùng ca bất diệt" là chương trình nghệ thuật đặc biệt, thường niên được Bộ VHTTDL tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc với khát vọng tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Mỗi người Việt Nam hôm nay khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đã được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống để thân thể thành đất đai Tổ quốc; hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại chương trình

Phó Thủ tướng cho biết, đến nay vẫn còn gần 200 nghìn liệt sỹ nằm lại đâu đó, lặng lẽ trên chiến trường xưa, để lại niềm tiếc thương và sự mong chờ được đón các anh, chị trở về của người thân, gia đình; vẫn còn đó gần 300 nghìn ngôi mộ liệt sỹ thiếu những dòng ghi tên tuổi, quê hương; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân.

Và ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn còn bao liệt sỹ đã hi sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân.

Phó Thủ tướng xúc động khi nhắc lại những ký ức hào hùng của "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn" để có "9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

Còn tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước, trong đó có những nhà lãnh đạo, nhiều đảng viên kiên trung, chí sĩ cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Lưu Chí Hiếu, nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất tử, một thời kỳ đấu tranh hào hùng trong lịch sử dân tộc.

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 4.

Các cựu tù chính trị Côn Đảo dự chương trình nghệ thuật

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây chỉ là hai trong số hàng ngàn, hàng vạn "địa chỉ đỏ" biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hy sinh của các thế hệ cha anh.

"Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông cùng với những "Thiên anh hùng ca bất diệt" để giành lại được hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chiến tranh đã lùi xa, những vùng đất một thời mưa bom, bão đạn đã thay da đổi thịt với màu xanh, những xóm làng trù phú, bình yên. Côn Đảo không còn là "Địa ngục trần gian" và trên mảnh đất Điện Biên hôm nay "Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng".

"Nhưng vẫn còn những nỗi đau khắc khoải của những người mẹ, người cha, người vợ, người con, những vết thương mỗi khi trở gió lại đau nhức nhối trên thân thể người chiến sỹ năm xưa, những di chứng do chất độc da cam ảnh hưởng đến nhiều thế hệ…" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" từ nghìn đời của dân tộc, 76 năm qua, rất nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.

Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 5.

Tiết mục đặc sắc tại chương trình nghệ thuật.

Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi biểu dương các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đồng bào trong và ngoài nước đã có nhiều hoạt động thiết thực đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh đó, chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa để tri ân những người có công với Tổ quốc; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Theo Phó Thủ tướng, lịch sử hào hùng cùng khát vọng phát triển, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó cũng chính sự đền đáp, tri ân có ý nghĩa cao cả, tốt đẹp nhất đối với các anh hùng, liệt sỹ.

"Chúng ta trân trọng, khắc ghi và đời đời nhớ ơn những cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Giá trị của hòa bình được đánh đổi từ "máu xương" của các thế hệ đi trước

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt", với thời lượng dự kiến khoảng 90 phút, chương trình gồm phần lễ: Tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân; Phần nghệ thuật gồm ba chương: "Tiếng gọi non sông"; "Những cánh hoa bất tử"; "Khúc tráng ca hòa bình".

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 6.

Tiết mục "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" do ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn

Ba chương của chương trình nghệ thuật là một dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, với sợi dây kết nối là niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử hào hùng của đất nước, lòng biết ơn sự hi sinh vĩ đại của các thế hệ cha ông và sự trân quý những giá trị của hòa bình.

Khác với những năm trước, "Bản hùng ca bất diệt" năm 2023 là chương trình đầu tiên mà Bộ VHTTDL tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu linh thiêng của đất nước đó là Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Điện Biên).

Điểm khác biệt đó là không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác. Đó chính là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước thiêng liêng, của lý tưởng sống cao đẹp, của sức trẻ phơi phới, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu ban sơ mà son sắt, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu. Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà theo một góc nhìn nhân văn, lãng mạn và rất con người.

Các tiết mục thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm. Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ âm vang còn mãi, là thanh âm ấm áp, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam. Những ca khúc được phối mới tạo nên không khí thiêng liêng, vang lên với khí thế hào hùng.

Cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, chương trình còn có nhiều lát cắt giàu cảm xúc như các phóng sự Câu hát xuyên tường thép, Trường học giữa biển khơi. Năm tháng qua đi, ký ức bi tráng vẫn luôn nhắc nhớ thế hệ hôm nay thông điệp "sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh".

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 7.

Tiết mục "Vết chân tròn trên cát" do ca sĩ Tùng Dương biểu diễn bên mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương để lại nhiều xúc động.

Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, khắc nghiệt nhất, thế nhưng cũng chính nơi này đã được những người tù cộng sản biến thành trường học. "Địa ngục trần gian" đã trở thành vườn ươm của các thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Ngồi giữa những hàng mộ các đồng đội mình năm xưa, nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni (84 tuổi)-nữ cựu tù duy nhất còn sống tại Côn Đảo đã rưng rưng nước mắt khi kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ và hào hùng năm xưa.

Dù lúc đó phải chịu biết bao nhục hình, đói khát, bệnh tật…những đòn roi khắc nghiệt nhất ở chốn được xem là "địa ngục trần gian", thế nhưng chừng đó thôi cũng chưa đủ để khuất phục được tinh thần, ý chí của người cộng sản kiên trung. Và cũng vì nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng, nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni đã chọn ở lại với những đồng chí, đồng đội đã nằm lại với cát biển.

Tại chương trình "Bản hùng ca bất diệt", gần 80 cựu tù Côn Đảo đến từ nhiều địa phương khác nhau cũng đã có mặt để cùng dâng nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội của mình, tưởng nhớ về những ngày tháng bị giam cầm tại nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi ngay tại nơi tổ chức chương trình nghệ thuật, ông Tô Hồng Võ (sinh năm 1938, Cà Mau), hiện là Chủ tịch Hội tù chính trị yêu nước thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, kể từ khi được thả vào năm 1968, sau mấy chục năm thì đây là lần đầu tiên ông có cơ hội được thực hiện ước nguyện quay trở lại Côn Đảo để thăm đồng đội của mình.

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 8.

Liên khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân và Tiến bước dưới quân kỳ đã kết thúc chương trình nghệ thuật đặc sắc "Bản hùng ca bất diệt"

Vì vậy mà trong những ngày qua, phần lớn thời gian ông dành để cùng những người đồng đội may mắn sống sót đến thăm, "chuyện trò" với những người đã nằm lại nơi đây.

"Tôi bị giặc giam cầm ở Côn Đảo từ năm 1959-1968. Suốt 9 năm 8 tháng đó là những trận đòn roi, cực hình mà chúng tôi không thể nào quên. Để phạt những người biểu tình chúng tôi, có lúc tụi giặc đã nhốt mấy chục người trong căn phòng chục mét vuông, bỏ đói bỏ khát. Ngày sau đó thì nhiều đồng đội tôi đã hi sinh vì không đủ sức khỏe để chịu được cực hình đó. Nơi những người đồng đội tôi nằm tại nghĩa trang này ngày xưa chỉ là bãi cát trắng, không có nhiều cây như bây giờ" - cựu tù chính trị Tô Hồng Võ nhớ lại.

Những câu chuyện đầy đau thương nhưng cũng vô cùng hào hùng từ các nhân chứng lịch sử giúp thế hệ trẻ ngày hôm nay có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội, về lòng kiên trung, bất khuất trước bạo ngược, cường quyền và cái giá của độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Là một bạn trẻ được tham gia dâng nến và thắp hương tại các ngôi mộ liệt sĩ trong lễ thắp nến tri ân tối nay, Mai Ngọc Tiên (Sinh năm 2000, Giáo viên Trường mầm non Sen Hồng, Khu 8, Thị trấn Côn Đảo) chia sẻ: "Em rất xúc động và tự hào khi tham dự lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng tại nghĩa trang Hàng Dương. Các tiết mục nghệ thuật tại chương trình "Bản hùng ca bất diệt" tối nay khiến em hiểu thêm về những sự hy sinh, chịu biết bao đau khổ của các thế hệ cha ông đi trước để có được Tổ quốc yên bình như ngày hôm nay".

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" để lại nhiều xúc cảm sâu lắng - Ảnh 9.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật

Còn em Trương Lê Trung Hiếu (sinh năm 2008, học sinh Trường Lê Hồng Phong, thị trấn Côn Đảo) không giấu nổi xúc động khi được nghe ca sĩ Tùng Dương hát bài "Vết chân tròn trên cát" bên cạnh các ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương.

"Thế hệ trẻ chúng em sẽ noi theo tấm gương của các thế hệ cha ông đi trước để không ngừng nỗ lực, rèn luyện và cố gắng trở thành con người có ích cho xã hội, cho đất nước" - em Trương Lê Trung Hiếu chia sẻ.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" năm 2023 chính thức khép lại đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, sâu sắc và thiêng liêng trong lòng khán giả.

Thông điệp của "Bản hùng ca bất diệt" được gửi gắm từ nơi từng xảy ra bao đau thương khốc liệt như Côn Đảo, Điện Biên, nơi từng là địa ngục của đòn roi tra tấn hận thù, nơi từng là hố bom, chảo lửa, đã giúp cho thế hệ mai sau hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.

Hai chữ "hoà bình" đơn giản mà thiêng liêng, là máu và nước mắt của biết bao thế hệ. Thế hệ hôm nay đang tiếp bước để nâng niu, gìn giữ và một lòng bảo vệ./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×