Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú

22/06/2023 | 16:53

Sáng 22/6 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ, lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, các Hội VHNT các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra); các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú - Ảnh 1.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong xét tặng danh hiệu

Trình bày báo cáo công tác triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) cho biết, việc ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP; mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng.

"Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật nói chung và các văn bản là căn cứ pháp lý nói riêng…", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết.

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho hay, dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều; gồm các nội dung cơ bản: quy định đối tượng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; quy định về nguyên tắc xét tặng, thẩm quyền tổ chức xét tặng, công bố danh hiệu, quyền và nghĩa vụ của cá nhân được tặng danh hiệu, kinh phí xét tặng và tiền thưởng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; quy định tiêu chuẩn danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; quy định cụ thể về số lượng, thành phần, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

"Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, Bộ VHTTDL tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trình Chính phủ xem xét, quyết định", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết.

Phát huy đóng góp của nghệ nhân cho văn hóa cộng đồng

Tại Hội nghị, TS. Phạm Cao Quý (Cục Di sản Văn hoá) cho rằng, cần chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu. Quá trình xét tặng cần chặt chẽ, khách quan, tránh việc danh hiệu vinh dự sau khi được trao tặng chỉ để… mang về treo trên tường. "Điều quan trọng nhất là phải phát huy những đóng góp, sức ảnh hưởng của nghệ nhân được trao tặng danh hiệu, để họ đóng góp tri thức, trí tuệ và nguồn lực cho chính mình và cho văn hóa cộng đồng, cũng như cho quá trình phát triển đất nước", TS. Phạm Cao Quý nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có nhiều điểm mới, khắc phục những bất cập và sát thực tiễn hơn. "Ví dụ, việc bỏ quy định trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước là hợp lý, bởi hơn ai hết, những thành viên tại các địa phương là người sát thực tiễn nhất, trong khi đó, một số lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể rất thiếu chuyên gia, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước có thể mời thành viên Hội đồng cấp tỉnh tham gia…".

Phó Giám đốc Sở Bắc Ninh cũng cho rằng, quy định về số lượng chuyên gia trong tổng số thành viên Hội đồng có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng Hội đồng và công tác xét tặng danh hiệu. Bên cạnh đó, ông Đáp cũng lưu ý, những quy định sửa đổi, bổ sung cần đảm bảo tính chặt chẽ, tôn vinh và trân trọng những "báu vật nhân văn sống", những nghệ nhân có nhiều cống hiến trong quá trình gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản phi vật thể mà họ nắm giữ.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa đề xuất, cần có quy định phân tách cá nhân nắm giữ các loại hình di sản có tham gia và không tham gia các hội nghề nghiệp nhằm đảm bảo tính thống nhất, không gây khó khăn trong quá trình thẩm định ở các cấp tiếp theo. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định về tước danh hiệu nếu nghệ nhân sau khi được trao tặng danh hiệu có hành vi vi phạm pháp luật.

Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Hội nghị là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhiều ý kiến sát thực tiễn đã được bàn thảo sôi nổi, cho thấy đây là nội dung thu hút sự quan tâm không chỉ của cộng đồng sở hữu di sản mà còn của đông đảo dư luận. "Dự thảo Nghị định lần này được Bộ VHTTDL xây dựng theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế, trong đó, tiếp tục hoàn thiện những quy định hiện nay đang phù hợp tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Một số quy định sửa đổi, bổ sung được dư luận, cộng đồng và các chuyên gia đánh giá cao, đơn cử như quy định chi tiết về thành phần, cơ cấu Hội đồng các cấp theo hướng giảm bớt đại diện các cơ quan hành chính; tăng thành phần các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành đạt 2/3 trong tổng số thành viên Hội đồng để đảm bảo chất lượng của công tác xét tặng danh hiệu và chất lượng hoạt động của Hội đồng; sửa đổi quy định tỷ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng, hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên, thể hiện rõ trách nhiệm của các thành viên Hội đồng. "Việc quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp là cần thiết, khẳng định và tôn vinh được giá trị của danh hiệu, đồng thời phù hợp với thực tiễn…", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp cụ thể cho dự thảo Nghị định. "Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định trên tinh thần cầu thị, khách quan, ngày càng chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ nhân có nhiều cống hiến trong quá trình gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh./.


Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×