Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chủ tịch Quốc hội nêu 3 vấn đề cần quan tâm về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

19/06/2024 | 07:56

Chiều 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ. 

Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hoá trong bối cảnh hiện nay là cơ hội để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

3 vấn đề cần quan tâm

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu 3 vấn đề cần quan tâm đối với dự luật quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội nêu 3 vấn đề cần quan tâm về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ thảo luận

Về tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Di sản văn hóa là bộ luật có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, làm rõ và khắc phục các chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về quyền sở và các quyền liên quan tới di sản văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa.

Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, dự thảo Luật mới đã chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng bởi dự thảo Luật vẫn chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Bởi, trên thực tế có khả năng xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý. 

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có) để bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

"Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thấu đáo, kỹ lưỡng để xác định quyền sở hữu, các quyền liên quan không bị trùng lắp, chồng chéo", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về khu vực bảo vệ của di tích, việc phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội Tổ 13; đồng thời nêu rõ, Luật Di sản hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi lần này đều thống nhất về nguyên tắc, khu vực bảo vệ I của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ.

"Trên thì quy định chặt chẽ, dưới lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích thì phải xem xét lại cho kỹ. Ở đây cần phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Phân cấp, phân quyền tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, sau hơn 20 năm được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, Luật Di sản văn hoá đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đáng khích lệ hôm nay. 

Chủ tịch Quốc hội nêu 3 vấn đề cần quan tâm về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)

Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực tiễn đặt ra những vấn đề cấp bách cần nhìn nhận, đánh giá lại để có thể bắt kịp sự vận động của xã hội, thế giới. Việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hoá là vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm quy định pháp luật hài hòa với thực tiễn, với sự phát triển xã hội, thế giới.

Góp ý cụ thể vào Điều 13 của dự thảo Luật quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể như sau: “Ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ theo tình hình thực tiễn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương”, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc phân cấp, phân quyền nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và bảo đảm quyền lợi cho đối tượng hưởng thụ, đại biểu đề nghị quy định rõ 2 nhóm đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương và người không có lương.

"Đồng thời, cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí, nội dung, định mức chi tối thiểu (mức sàn) về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tham chiếu để HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Nghị quyết về nội dung này", đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Trong đó đều có liên quan đến Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Theo đại biểu, năm 2014, Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg. Trong đó, bao gồm một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam; Triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất và phát triển, quản lý công viên địa chất.

Đại biểu cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời, đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai mô hình công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Do vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định có liên quan đến thể chế, chính sách liên quan đến công viên địa chất, mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, góp phần phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết.


Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×