Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Đất nước cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật
19/05/2023 | 17:24Đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) diễn ra sáng 19/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Nguyễn Văn Gấu.
Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo các tác giả, thân nhân tác giả được Giải thưởng.
Hội đồng công tâm, khách quan
Báo cáo về việc xét Giải thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho biết: Công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT có ý nghĩa hết sức quan trọng, được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao.
Nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua Bộ VHTTDL luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan quản lý, nhà nước, các tác giả trong quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Theo đó, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Các hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình. Ở đợt xét tặng này, tác giả chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ duy nhất đến Hội đồng cấp cơ sở, là điều kiện để xem xét trong suốt quá trình xét tặng tại các cấp Hội đồng, thay vì 3 cấp Hội đồng 3 bộ hồ sơ như trước đó. Đây là điểm mới trong đợt xét tặng, giảm thiểu phiền hà và tiết kiệm cho các tác giả khi làm hồ sơ; đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của Chính phủ.
Trải qua 03 cấp Hội đồng, có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT đạt từ 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp xét tặng bỏ phiếu đồng ý, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT năm 2021.
Trong số các hồ sơ nêu trên, có 10 hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 31 hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT tuy thiếu giải thưởng theo quy định nhưng căn cứ giá trị đóng góp về thực tiễn vẫn được Hội đồng cấp Nhà nước xem xét, thảo luận và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do vướng mắc về các quy định của pháp luật hiện hành nên các hồ sơ này chưa đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước.
Trong quá trình tổ chức họp Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ VHTTDL không nhận được đơn thư, khiếu nại nào về quy trình, thủ tục xét tặng. Về hồ sơ, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước nhận được 10 đơn thư, kiến nghị liên quan đến hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT năm 2021. Bộ VHTTDL đã kịp thời triển khai xem xét đơn thư theo đúng quy định: kiểm tra hồ sơ tác phẩm, nhân thân tác giả; yêu cầu Hội đồng cấp cơ sở báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị theo đúng quy định.
"Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngày 17/10/2022, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1162, 1163, 1164, 1165/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả, đồng tác giả, cụ thể:
Có 16 tác giả, cố tác giả có có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về VHNT.
Có 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Nhà nước" về VHNT"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Bộ trưởng cũng cho biết, đối với những vấn đề còn tồn tại, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho phù hợp hơn với thực tế, đồng thời đáp ứng các quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022.
Không "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022.
Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, các cơ quan đã cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp với thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.
Chủ tịch nước yêu cầu, trong thời gian tới, với tinh thần tôn vinh những văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn đời cho Cách mạng, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, thấu hiểu sự sáng tạo đặc biệt, sự đóng góp vô giá và ảnh hưởng rộng lớn của các văn nghệ sĩ cho Cách mạng và cho dân tộc, để đúng với tấm lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của chúng ta, không được "bỏ sót" các tác phẩm thực sự có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.
Chủ tịch nước chia sẻ: Đất nước ta đang từng bước vững vàng trong giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam - động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hóa còn thì dân tộc còn". Những nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa, văn nghệ sĩ là những người thắp lên ngọn đuốc soi đường, giữ lửa và truyền lửa, đóng vai trò then chốt đối với việc gìn giữ và phát triển văn hóa, là lực lượng trí thức tiêu biểu, luôn mẫn cảm với thời cuộc, nhiều dự cảm về tương lai, bằng những sáng tạo nghệ thuật có khả năng định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ và vun trồng các giá trị tiến bộ, nhân văn.
Theo Chủ tịch nước, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.
Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình. Khám phá và phản ánh những chiều kích đa dạng của đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực. Đồng thời khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của con người, giải mã các tầng nấc phong phú của cảm xúc, giải quyết xung đột về nhận thức của cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và thấp hèn, giữa phụng sự nhân dân bằng tình yêu, trách nhiệm và những toan tính lợi ích cá nhân vị kỷ…
Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Thông qua các hình thức văn học nghệ thuật đa dạng và phong phú, trực tiếp bồi đắp và nâng cao phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, lan tỏa, vun trồng các giá trị tốt đẹp, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Bên thềm Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cùng với việc nhìn nhận lại thành tựu chung của 50 năm qua, đây cũng là một dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc 50 năm nền văn học nghệ thuật nước nhà, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật và của văn nghệ sĩ trong phát triển văn học nghệ thuật và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tiếp tục tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, kịp thời tôn vinh, biểu dương các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, cống hiến cho đất nước.
Chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến.
Đặc biệt quan tâm, khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá những vẻ đẹp con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ.
Các cơ quan cần nghiên cứu, xây dựng những cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm hay, xuất sắc đến với công chúng trong và ngoài nước. Thông qua văn học, nghệ thuật, nâng cao sức hấp dẫn của bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao tặng, truy tặng cho 16 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng, truy tặng cho 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT./.