Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc chống lãng phí
25/02/2025 | 10:46Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí. Người cũng đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên mùa gặt (1954). Ảnh: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH CUNG CẤP
Bác Hồ nói về tiết kiệm
Theo Bác Hồ, “Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Người chỉ rõ, kiệm và cần phải đi đôi với nhau, nó như hai chân của một con người. Người lý giải rằng, cần mà không kiệm thì” làm chừng nào xào chừng ấy”, nó như cái thùng không đáy, nước đổ chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Mặt khác, kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển, mà vật gì đã không tiến tức phải thoái.
Tháng 3 năm 1952, nói chuyện với Hội nghị cán bộ phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ 4 vấn đề về tiết kiệm có liên hệ chặt chẽ với nhau, đó là: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm?
Người nói, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Theo Người, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực để tăng sức mạnh toàn diện của đất nước.
Trả lời câu hỏi: Vì sao phải tiết kiệm? Bác chỉ rõ: “Trong 80 năm, nước ta bị đế quốc Pháp, Nhật vơ vét, bóc lột, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá, để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, thì các nước tư bản dùng 3 cách: Vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân. Chúng ta không thể làm theo cách của các nước tư bản được. Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta”.
Về nội dung tiết kiệm, Bác Hồ chỉ rõ:
- Thứ nhất, tiết kiệm sức lao động. Theo Người, phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, phải phấn đấu để “1 người làm bằng 2, 3 người”.
- Thứ hai, tiết kiệm thời giờ. Bác Hồ trích tục ngữ châu Âu: “Thời giờ là tiền bạc”, rồi Người nói rất giản dị: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ, thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”. Người luôn nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải biết tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác.
- Thứ ba, tiết kiệm tiền của. Theo Bác Hồ, việc tiết kiệm sức người, sức của, nguyên liệu, thời giờ, tăng năng suất lao động có liên quan mật thiết đến nhau. Người kết luận: “Nói tóm lại: Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để 1 người có thể làm việc như 2 người, 1 ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng có thể dùng bằng 2 đồng”.
Những ai phải tiết kiệm? Bác Hồ khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”.
Người tin rằng, nếu khéo tiết kiệm thì toàn quốc “có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”.
Bác nói về chống lãng phí
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nội dung tiết kiệm có quan hệ sâu sắc với chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người nói: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”.
Người coi tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, như “cỏ dại”, cần phải nhổ cho sạch. Người xếp những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu là bọn tội đồ: “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu...
Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô’’.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Bác chỉ rõ: “Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí, xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu”. Lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bừa bãi; lãng phí tập trung vào 3 loại: Lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Người nhiều lần nhấn mạnh: Tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy. Trong lúc công nghệ cần phải xây dựng, đồng bào đang bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy”. Rõ ràng là, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn tham ô, lãng phí và quan liêu làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ.
Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của tệ tham ô, lãng phí, quan liêu được Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài viết ”Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngày 3.2.1969, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”.
Để đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người cho rằng: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Bên cạnh đó, Người chú trọng việc xây dựng hệ thống luật pháp, tăng cường quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, Người coi trọng vấn đề nêu gương.
Cả cuộc đời Người là tấm gương sống giản dị, tiết kiệm, thanh cao, trong sạch. Lúc sinh thời, trong cuộc sống hằng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc... Đi công tác các địa phương, Người dặn anh em đi cùng chuẩn bị cơm nắm mang theo, tránh tiệc tùng lãng phí. Trang phục hằng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ... Nhà ở của Bác cũng “không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam” (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét)... Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy 1 mặt, dùng chiếc phong bì 2, 3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác sau bao tâm tư: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chôn trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước. Trong danh sách những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc, Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến việc thực hành chống tiết kiệm và lãng phí.