Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

27/11/2024 | 11:04

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 - Ảnh 1.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Kết quả biểu quyết cho thấy có 430/454 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 89,77%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngày 01/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao về chủ trương đầu tư, những nội dung cơ bản của Chương trình và dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về kinh phí thực hiện Chương trình,  Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu và thể hiện tại điểm d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.

Về các ý kiến thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, cần tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả…

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

"Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí" - ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Về ý kiến thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế; đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể cho đối tượng đặc thù là người lao động, công nhân, người dân tộc thiểu số di cư đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất…, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, lưu ý các đối tượng đặc thù nêu trên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nội dung thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai và đáp ứng nhu cầu bảo tồn văn hóa, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Về các ý kiến còn băn khoăn, đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nội dung thành phần của Chương trình; đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung thành phần, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, chịu trách nhiệm về việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình theo các nguyên tắc, nội dung được Quốc hội thông qua.

Về ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng Chương trình là các di tích ở địa phương chưa được xếp hạng để kịp thời phát hiện, bảo tồn và phát huy các di tích, di sản đang lưu hành trong dân gian; bổ sung đối tượng xã an toàn khu, vùng an toàn khu, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, đối với các di tích chưa được xếp hạng, để kịp thời phát hiện, bảo tồn di tích, Chương trình đã quy định nội dung về tổng kiểm kê quốc gia về di sản văn hóa vật thể tại Nội dung thành phần số 4. 

Việc triển khai thực hiện Chương trình cần quán triệt tinh thần đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, các di tích, di sản đưa vào Chương trình phải là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa do UNESCO công nhận... Chương trình này không thay thế các kế hoạch, chương trình đầu tư thường xuyên, theo kế hoạch trung hạn của địa phương.

Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các đại biểu Quốc hội đã góp ý một số vấn đề cụ thể khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2030 đạt 09 nhóm mục tiêu cụ thể sau: (1) Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử; (2) Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; (3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích); (4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước; (5) Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (6) Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; (7) 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; (8) Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến; (9) Hằng năm, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.   

Đến năm 2035 đạt 09 nhóm mục tiêu cụ thể sau: (1) Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả; (2) 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; (3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; (4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước; (5) Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; (6) 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật; (7) 100% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; (8) Hằng năm, có từ 10 - 15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; (9) Hằng năm, có ít nhất 06 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.  

Thế Công - Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×